9 thg 2, 2022

ĐẠI TUỆ - NGÔI CHÙA THIÊNG TRÊN ĐẤT ĐỊA LINH NAM ĐÀN



Từ bao đời nay trên con đường xuyên Việt vào Nam, thành phố  Vinh bên bờ sông Lam thơ mộng, với di tích thành cổ Nghệ An là minh chứng lịch sử về một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả một vùng lãnh thổ phía Bắc miền Trung của nước Đại Việt xưa. Và vì thế, khi đạo Phật truyền vào Việt Nam thì Nghệ An cũng mau chóng trở thành trung tâm Phật giáo lớn từ rất sớm. Đời Võ Hậu nhà Đường (năm 685), thi sĩ Trầm Thuyên Kỳ của Trung Quốc đã từng sang tận Nghệ An (xưa là quận Nhật Nam) để được yết kiến Vô Ngại Thượng Nhân ở chùa Sơn Tĩnh, xin làm đệ tử. Khi về nước, thi sĩ còn xúc động để lại bài thơ dài, mà 4 câu đầu được triết gia Nguyễn Đăng Thục dịch là:

    “ Phật xưa sinh ở Tây Thiên
    Mà nay xuất hiện tại miền Nhật Nam
    Thoát vòng phiền não cõi phàm
    Thảnh thơi dưới núi già Lam một tòa.”

    Thống kê  gần đây cho biết cả tỉnh Nghệ An có 261 ngôi chùa cổ, nhiều chùa được xây dựng từ thời Bắc thuộc như các chùa Nhạn Tháp, Bình An, Đồng Bạc, chùa Am, chùa Ná, chùa Lụi… Riêng huyện Nam Đàn có hơn 20 ngôi chùa cổ, nổi tiếng là chùa Nậm Sơn ở Vân Diên, Đại Tuệ ở Nam Anh… Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, phong hóa của thời gian và cả sự ấu trĩ một thời của con người nên đa số các chùa ở Nghệ An đã thành phế tích. Những năm gần đây, trong xu thế chấn hưng Phật giáo nước nhà, nhiều chùa đã được trùng tu, phục dựng đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân mà điển hình là công trình phục dựng chùa Đại Tuệ.  

    Đại Tuệ là ngôi chùa cổ nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chùa Đại Tuệ ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, non nước điệp trùng, trời mây tụ khí lành, cây cỏ xanh tươi bốn mùa. Trải bao mưa nắng thời gian, chùa Đại Tuệ chỉ còn phế tích. Song nhân dân địa phương và du khách vẫn hằng ngày trèo đèo, lội suối, rẽ lau lách, cỏ dại, tìm đường lên nền chùa thắp hương cầu Phật và phụng thờ những người có công với nước. Dãy Đại Huệ là một danh thắng tuyệt đẹp của xứ Nghệ. Đứng trên đỉnh Thăng Thiên ta nhìn thấy dòng Lam Giang uốn lượn, phóng tầm mắt say ngắm toàn cảnh Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc và Hòn Ngư, Hòn Mắt, Hòn Mê ở Biển Đông. Đứng ở sân chùa ta nhìn thấy vùng đất rộng lớn từ Đức Thọ, Hồng Linh, Nghi Xuân và ta sẽ được nhìn rõ hơn dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn. Vì thế trước đây các tạo nhân mặc khách hàng năm vãn cảnh lên chùa vãn cảnh, làm thơ. Đã có nhiều áng thơ văn đầy cảm xúc về chốn cảnh quan kỳ thú này, tiêu biểu như bài thơ của Hoàng Giáp Bùi Huy Bích, đốc đồng trấn Nghệ An (1778 - 1781): 

    “Tiểu thạch tằng loan tối thượng đầu 
     Càn khôn diểu diểu ý du du 
     Thiên tranh liệt chướng hồn nghi dực 
     Đại chiết trường giang lược tự công 
     Khứ lộ xuyên điều tăng hiệp hổ 
     Quy tiên khiêu thái mục tuần ngưu 
     Tối lân thạch tỉnh tuyền nguyên quát 
     Thâm cận dung bình, bất tận thu”

    Dịch: 
    “Bậc đá lần lên tới đỉnh cao 
     Núi non man mác dạ nao nao 
     Trời chăng rặng núi như xoà cánh 
     Đất nắn dòng sông tựa uốn quanh 
     Lối cũ ngõ xuyên, sư bỡn hổ 
     Đường về roi phất trẻ dong trâu 
     Lạ cho giếng nước vừa tầm lạ 
     Múc mãi mà nguồn có hết đâu

    Nơi đây trời đất linh thiêng. Sau lưng chùa là đỉnh động Thăng Thiên có bàn cờ Tiên bằng đá. Cách chùa một trăm mét về phía Tây có tảng đá lớn khoảng năm khối, dùng đá gõ vào phát âm thanh như tiếng mõ (nhân dân gọi là Đá Mõ). Trước chùa có một tảng đá lớn giống như ngai vàng (Thạch Ngai) không ai dám ngồi vì tương truyền Thạch Ngai là nơi xưa Hồ Quí Ly và Quang Trung Nguyễn Huệ từng ngồi. Trước chùa khoảng bốn trăm mét có hai trụ đá lớn dựng đứng như cổng chùa thiên tạo. Cạnh chùa có giếng nước cổ sâu hơn hai mét, không bao giờ cạn. Sườn núi hai bên có khe Trúc, khe Mai, lại có ao sen cổ… Theo tài liệu Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật Bà Đại Tuệ. Sách “Nghệ An cổ lục” viết: “Thời cổ có một ngôi sao sa xuống đỉnh núi, sắc sao sáng loá, hình như Sao Chổi. Sao hoá đá, đá ấy rất thiêng” chính là nơi đặt móng xây chùa. Chùa có tên là chùa Đại Tuệ, thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Chùa Đại Tuệ tương truyền có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân nhà Đường (năm 627 sau CN). Đến thể kỷ thứ XV, chùa lại được Hồ Vương Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ đã giúp Ngài xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Chuyện xưa kể rằng, ngày ấy Hồ Vương cho xây tường thành trên dãy núi Đại Huệ. Việc xây dựng gặp nhiều khó khăn, dân phu vất vả nhiều mà không xây được thành. Đêm năm mơ thấy Phật Bà Đại Tuệ chỉ vẽ cho cách xây thành bao quanh. Từ đó, việc xây thành đắp luỹ rất thuận lợi. Biết ơn Phật Bà, Hồ Vương giao cho con gái là công chúa Thái Dương ở lại chùa chăm lo, tu bổ thường xuyên, hương khói phụng thờ, đặng cầu cho quốc thái dân an... 

Đến thời Quang Trung- Nguyễn Huệ, trên đường tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh (1789), vua đã dừng chân ở đây chiêu tập mười vạn quân sĩ tổ chức huấn luyện ở trước sân chùa, nên bãi đất phẳng trước chùa hiện nay vẫn gọi là Bãi Tập. Vua được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân theo thượng đạo Nộn Băng vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long. Thuận lời sư, Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá hai mươi chín vạn quân Thanh trước dự định hai ngày. Chiến thắng trở về, Hoàng Đế chiếu xuống cắt cho chùa 20 mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm. Hiện cánh đồng dưới chân núi vẫn có tên là ruộng Chùa.  Tại khuôn viên chùa, cách trung tâm khoảng 40m về hướng Đông Nam có 2 ngôi mộ lớn được ghép bằng đá. Theo lời kể của người dân địa phương thì ngôi mộ nằm phía cạnh chùa là mộ của sư thầy, ngôi mộ ngoài là mộ của Hoàng đế Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản). Đây là một nghi án của lịch sử rất cần được các sử gia làm rõ. Theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Hoàng đế Cảnh Thịnh bị bắt tại Lạng Sơn và đóng cũi giải về kinh đô Phú Xuân, sau đó bị hành quyết. Còn theo truyền thuyết dân địa phương thì bề tôi của Nguyễn Ánh là Nguyễn Văn Thành chỉ bắt được người đóng giả, còn Hoàng đế Cảnh Thịnh thật đã xuống tóc, lặng lẽ lên núi Đại Huệ vào chùa Đại Tuệ đi tu, sống nốt phần đời còn lại ở đây. Chứng cứ là đến ngày 20/10 Âm lịch hằng năm, tăng ni phật tử trong vùng vẫn thường xuyên lên núi Đại Huệ làm giỗ cho Hoàng đế Cảnh Thịnh… Hội thảo khoa học về chùa Đại Tuệ do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 18-10-2009 có sự tham gia đầy đủ các ban ngành, các nhà khoa học trong, ngoài tỉnh đã góp phần sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử của ngôi chùa cổ kính bậc nhất tỉnh Nghệ An, nhưng cũng còn nhiều vấn đề tanh luận, phải tiếp tục nghiên cứu.

Theo VŨ NGỌC TIẾN
(sưu tầm)

nguồn: http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_337_362_16729.html

XEM THÊM:

Ngôi mộ đá bí ẩn có phải của vua Cảnh Thịnh ?

https://www.lyhocdongphuong.org.vn/article/ngoi-mo-da-bi-an-co-phai-cua-vua-canh-thinh

...
 ============================
  đăng bởi: hohyhung:
  http://hohyhung.blogspot.com/
 ============================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét