16 thg 1, 2022

Lớp đại từ thuộc nhóm “ổng”, “ảnh” trong tiếng Nam Bộ

Lớp đại từ thuộc nhóm “ổng”, “ảnh” trong tiếng Nam Bộ

NGUYỄN HỮU CHỈNH
(Cần Thơ)




1. Như nhiều ngôn ngữ, tiếng Việt cũng có hiện tượng hợp âm giữa hai từ liền kề để tạo nên một từ mới với âm mới và với nghĩa gộp của hai từ liền kề ấy, chẳng hạn: “à le”, “de le”, “de les” được hợp âm để cho ra các từ “au”, “du”, “des” trong tiếng Pháp; “phải không” được hợp âm để cho ra từ “phỏng” trong tiếng Việt. Riêng ở Nam Bộ (và rộng ra là ở các tỉnh Nam Trung Bộ), có một hiện tượng hợp âm xin tạm gọi là “Hiện tượng ‘ổng ảnh’ trong tiếng Nam Bộ“. Đây là hiện tượng một danh từ chỉ người, chỉ vị trí, chỉ thời gian và chỉ số lượng kết hợp với từ “ấy” đi liền sau nó để tạo nên một đại từ chỉ định mang thanh điệu đặc thù của tiếng miền Nam, được giáo sư Cao Xuân Hạo đề xuất gọi là “thanh hỏi-ngã” để phân biệt với thanh hỏi hoặc thanh ngã của tiếng Hà Nội đang được coi là của tiếng Việt toàn dân [1, 201]. Hiện tượng này đã tạo nên một “lớp đại từ thuộc nhóm ‘ổng’, ‘ảnh’ trong tiếng Nam Bộ”.

Hiện tượng này đã được nghiên cứu khá sớm. Có người cho rằng kiểu nói này mang “phong cách khẩu ngữ” và “thanh ‘hỏi’ […] là một thứ đơn vị nhỏ hơn từ, có nghĩa, và thiếu tính độc lập về mặt ngữ pháp – tức là một thứ hình vị” [5, 53 và 54]; có người cho rằng “phương ngữ Nam Bộ thể hiện xu hướng đơn lập hóa khá mạnh trong trường hợp các ngữ đoạn định danh (ngữ đoạn xưng hô ở ngôi thứ ba) có chứa danh từ thân tộc” [6, 55]; có người cho rằng “Người Nam Bộ dùng cả một loạt từ  kiểu ‘ổng’, ‘bả’, ‘ảnh’… thay cho: ông ấy, bà ấy…” [8, 82]; có người cho rằng đây là “lối nói lược-gộp khá độc đáo của tiếng Việt”, “theo hướng âm tiết hóa để trở thành các đơn vị mới” [7, 71 và 72]; có người đo đạc trên máy và chứng minh rằng “cách phát âm ổng, ảnh, chỉ, ngoải, v. v… của tiếng Sài Gòn tuân theo những quy tắc ngữ âm học có hiệu lực trong ngôn ngữ của toàn dân, chứ không phải là một nét đặc trưng của riêng phương ngữ Nam Bộ. (…) Nó chính là cách phát âm chuẩn dùng trong các tổ hợp hữu quan trong phương ngữ Nam Bộ.” [1, 204, 205 và 9, 128]… Vấn đề là “cả một loạt từ” gồm có bao nhiêu trường hợp, chúng thuộc bình diện lối nói, kiểu nói trong lời nói hay là thuộc bình diện ngôn ngữ và hiện tượng hợp âm này có quy luật nào khác nữa không?

2. Trước hết, về mặt số lượng, hiện tượng hợp âm này tạo ra 30 từ một tiếng và 13 từ nhiều tiếng. 13 từ này được tạo nên nhờ sự kết hợp từ đúng theo các quy luật tạo từ ghép của tiếng Việt.   

30 TỪ MỘT TIẾNG
(Từ đơn)
ảnh, bả, bển, cẩu, chả, chảng, chỉ, chửng, cỏn, cổ, dỉ, dưởng, đẳng, ẻn, hổi, hổm, mẻ, mở, nảng, nẳm, ngoải (1), ngoải (2), nổi, ổng, thẳng, thẩy, trển, trỏ, trỏng, vả.

13 TỪ NHIỀU TIẾNG
(Từ ghép)
ảnh chỉ, cẩu mở, bữa hổm, con mẻ, dỉ dưởng, hồi hổm, hồi nẳm, hồi năm nẳm, hổi giờ, hôm hổm, hổm rày, ổng bả, thằng chả. Ngoài ra còn có 7 từ láy chỉ thời gian được dùng.


Số lượng của lớp đại từ gồm 43 đơn vị này hầu như không có khả năng tăng thêm và vài từ đang ít được dùng dần, đến mức nhiều người Nam Bộ cho rằng “không biết có từ ấy” hoặc “rất ít nghe thấy từ ấy”. Đó là các từ: chảng, nảng, ẻn, vả… Lí do có lẽ là do từ thành tố của quá trình hợp âm ít được dùng dần đến mức đang trở thành từ cũ, từ cổ (en, va) (?) và người ta có thể dùng từ thành tố đơn thuần để thay cho các từ do hợp âm mà có (“chàng” thay vì “chảng”, “nàng” thay vì “nảng”) (?). Những từ “nổi”, “ngoải” cũng chỉ được dùng hạn chế trong phạm vi người nhỏ tuổi nói với những người khác trong gia tộc. Với người ngoài gia tộc, chúng thường được thay bằng các từ “ổng”, “bả” với sắc thái nghĩa trung tính. Những câu như “Ngoại tôi đã ngoài 80 nhưng ngoải vẫn còn mạnh lắm.” thường được nói là “Ngoại tôi đã ngoài 80 nhưng ổng (hoặc “bả” nếu là bà ngoại) vẫn còn mạnh lắm.”. Nói khác đi những từ “nổi”, “ngoải” được dùng hạn chế và đang ít được dùng dần.

Một bạn tiến sĩ ở Tổ Pháp văn, Khoa Sư phạm, trường Đại học Cần Thơ là người sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ có nói chưa từng biết đến các từ “chảng, nảng, chửng, thẳng”. Còn “va” hoặc “y va” thì ngày nay người ta còn dùng dưới dạng “y” hoặc “y ta” để chỉ ngôi thứ ba số ít, nam giới, nhưng chỉ có một số rất ít người sử dụng. Bạn ấy cũng kể lại là: “Hồi trẻ thỉnh thoảng bọn con trai tụi tôi cũng nghe và nói “ẻn” ([εn4]), chứ không phải “ẻng” ([εŋ4])  theo cách phát âm Nam Bộ với chữ viết “ẻn”. Đó là phỏng âm từ “elle” của tiếng Pháp, để nói về các cô cùng trang lứa, vì không muốn dùng “nó” hoặc “con + tên” quá thô lỗ, hoặc “cô + tên” quá trịnh trọng, cũng không muốn dùng “em” quá thân mật, vì quan hệ chưa đến độ thân mật để dùng!”.

Vậy phải chăng “ẻn” không phải là thuộc hiện tượng hợp âm kiểu “ổng, ảnh” mà là một từ mượn của tiếng Pháp có mô phỏng ngữ âm, ngữ điệu theo cách riêng của người Nam Bộ, kiểu như: “mỏa” (moi), “lủy” (lui), “chảng xê” (tranchée-abri) “mỏ lết” (molette), “hủ lô” (rouleau compresseur)… Nếu vậy, phải chăng số từ một tiếng do hợp âm mà có chỉ là 29 thay vì 30 trường hợp? Và từ “ẻn” ít được dùng là vì ảnh hưởng của tiếng Pháp đã và đang ít dần đi trong tiếng Việt? (Người nói tiếng Bắc phát âm “moa”, “en”, “tăng xê”, “xe lu” (phù bình thanh) và “lúy” (phù khứ thanh) khi mượn các từ “moi”, “elle”, “tranchée”, “rouleau” và “lui” của tiếng Pháp nên có thể lạ lẫm với kỉ niệm được kể trên kia).

Việc xác định chính xác số lượng từ hợp âm thuộc hiện tượng “ổng ảnh” này và xu hướng tăng giảm của nó là quan trọng. Nó giúp chúng ta tránh được những quy nạp quá tầm, dẫn đến việc đưa ra những khái quát hóa, những quy luật có tầm bao quát quá rộng so với số lượng hữu hạn của các từ thuộc hiện tượng. (1)

3. Về mặt ngữ nghĩa, ngữ pháp, 30 đại từ chỉ định một tiếng mang “thanh hỏi-ngã” được tạo ra từ việc hợp âm như trên chỉ thuộc bốn lĩnh vực nghĩa: một là đại từ ngôi thứ ba số ít chỉ người (21 trường hợp), hai là đại từ ngôi thứ ba số ít chỉ thời gian (3 trường hợp), ba là đại từ chỉ vị trí (5 trường hợp) và bốn là đại từ chỉ lượng (1 trường hợp). Đại từ ngôi thứ ba số ít chỉ người gồm hai loại nhỏ: loại 1 được tạo ra bởi sự hợp âm của từ “ấy” phía sau với một danh từ chỉ người trong quan hệ gia tộc (về sau chuyển nghĩa được dùng chỉ người ngoài gia tộc có tuổi tác, vị thế tương đương theo ý của người nói), loại 2 được tạo ra bởi sự hợp âm của từ “ấy” phía sau với một danh từ chỉ người ngoài quan hệ gia tộc. Riêng đại từ chỉ lượng “chửng” là do danh từ chỉ lượng “chừng” hợp âm với từ “ấy“ tạo nên. Cụ thể:

– 14 đại từ chỉ người mà danh từ dùng hợp âm vốn chỉ người trong quan hệ gia tộc về sau được dùng làm đại từ xưng hô (thí dụ được in nghiêng):

Ảnh (anh ấy, chỉ người anh của mình hoặc chỉ người nam được nói tới – Anh Tư ảnh có nhà không chị? – Ảnh theo ghe lên huyện từ hồi hôm.)

Bả (bà ấy, chỉ người nữ lớn tuổi vắng mặt được nói tới – Bà Bảy bả nói vậy chớ hổng phải vậy đâu.)

Cẩu (cậu ấy, chỉ người cậu của mình hoặc người nam vắng mặt được nói tới – Cậu Năm đâu con? – Cẩu đi xóm rồi cậu ơi.)

Chả (cha ấy, nói tắt của từ “thằng chả” (thằng cha ấy), chỉ người nam dược nói tới với ý coi thường – Chả ba xạo đó mầy ơi, chả mà làm được có mà cùi sứt móng.)

Chỉ (chị ấy, chỉ người chị của mình hoặc chỉ người nữ được nói tới – Giám đốc nói với chị Ba nhiều lần rồi, chỉ đâu có nghe nên giờ mới sinh chuyện lớn.)

Cỏn (con ấy, thường dùng chỉ đối tượng nhỏ tuổi – Con Tám người ngoài vàm, cỏn xảnh xẹ lắm, có bị đòn cũng là đáng. Cũng có nghĩa cũ là “con vợ mày”, chỉ vợ của người đối thoại với vẻ thân mật [8, 83], nay ít dùng).

Cổ (cô ấy, chỉ người cô của mình hoặc người nữ được nói tới – Tôi có biết cô Sáu Thà, đâu cổ dạy học bên Xóm Chài thì phải.)

Dỉ (dì ấy, chỉ người dì của mình hoặc người nữ được nói tới – Dì Ba ở cùng xóm em, dỉ hay lợi nhà em chơi lắm.)

Dưởng (dượng ấy, chỉ người dượng (chồng của cô, dì) của mình hoặc người nam đã có gia đình được nói tới – Lấy cô em đã lâu nhưng dưởng có ở nhà thường với cổ đâu, thành ra tình cảm cũng lợt lạt.)

Mẻ (mẹ ấy, nói tắt của từ “con mẻ” (con mẹ ấy), chỉ người nữ được nói tới với  ý coi thường – Mẻ nói dóc đó, mẻ làm gì có tiền mà mẻ trả cho chị.)

Mở (mợ ấy, chỉ người mợ của mình hoặc người nữ đã có gia đình được nói tới – Cậu em thương mợ em lắm, mở muốn gì cậu em cũng chiều.)

Ngoải (1) (ngoại ấy, chỉ được người nhỏ tuổi dùng khi nói với người trong gia tộc – Dượng thấy không, ngoại đã bảy mươi mà vẫn leo dừa được, ngoải còn mạnh lắm đó.)

Nổi (Nội ấy, chỉ được người nhỏ tuổi dùng khi nói với người trong gia tộc – Hai à, hôm qua lên nội chơi, nổi đổ bánh xèo ăn một bữa đã đời luôn.)

Ổng (ông ấy – Anh Ba đâu chị? – Ổng ra Hà Nội họp từ hồi đầu tuần lận.)

– 7 đại từ chỉ người mà danh từ dùng hợp âm vốn chỉ người ngoài quan hệ gia tộc:

Chảng (chàng ấy, chỉ người nam được nói tới với ý không xem trọng, nay ít dùng – Chảng với nảng coi trẻ vậy mà đều đã có một lần lập gia đình rồi cả đấy.)

Ẻn (en ấy, từ chỉ bà ấy, cô ấy, chị ấy hoặc người nữ có tuổi trung niên, nay ít dùng – Mầy nói lại cho ẻn biết là ông xã ẻn đang tù tì ngoài vàm ấy.)

Nảng (nàng ấy, người nữ được nói tới với ý không xem trọng, nay ít dùng – Nảng con ông Ba lối xóm, gặp chảng một cặp cũng là xứng đôi vừa lứa.)

Thẳng (thằng ấy – Thằng Ba Cụt, thằng Hai Thẹo, thằng Tư Sứt, một tay tao chấp ba thẳng, sợ gì bọn nó. Cũng có nghĩa cũ là “thằng chồng mày“, chỉ chồng của người đối thoại với vẻ thân mật [8, 83], nay ít dùng)

Thẩy (thầy ấy – Thầy Nam dạy toán lớp tôi, thẩy còn giỏi ca cải lương nữa đó.). Hồi đầu thế kỉ 20, nếu chồng mình làm những công việc mà xã hội quen gọi là thầy như thầy thông, thầy kí, thầy biện lí… thì người vợ cũng hay dùng từ “thẩy” để chỉ “người chồng của mình” [8, 82].

Trỏ (trò ấy – Cô hỏi trò Hoàng hả, trỏ đưa bà má bịnh lên Thành phố tái khám nên vắng mặt bữa nay.)

Vả (va ấy, người nam được nói tới có vị thế ngang bằng với người nói, nay ít dùng – Va là người có của ăn của để mà nói vả còn không nghe, tui rớt mồng tơi nói sao vả chịu nghe đây?)

– 8 đại từ chỉ thời gian, vị trí. Trong đó có 7 từ còn được dùng dưới dạng láy; các từ dạng láy này có thể thế vào vị trí của từ một tiếng hữu quan mà ý nghĩa của câu gần như không thay đổi:

Hổm (hôm ấy – Sao hổm tụi bay không tới, họp xong là văn nghệ vui quá là vui luôn.). Dạng láy được dùng là “hôm hổm”.

Hổi (hồi ấy – Hổi, tui đâu có tập kết thành ra đâu có đi Chắc Băng.)

Nẳm (năm ấy – Từ nẳm tới giải phóng là 21 năm, cả ảnh và tui vẫn chung thuỷ chờ nhau. Giờ con cháu đề huề hạnh phúc lắm chị ơi.). Dạng láy được dùng là “năm nẳm”.

Bển (bên ấy – Đây qua bển lội bộ chừng mười phút là tới chứ gì.). Dạng láy được dùng là “bên bển”.

Đẳng (đằng ấy – Đẳng có gì mà xôm tụ vậy anh? – Đẳng có đám múa lân, mà lân trên quận về.). Dạng láy được dùng là “đằng đẳng”.

Ngoải (2) (ngoài ấy – Tập kết ra Bắc ảnh ở ngoải 8 năm rồi đi B, được gặp lại vợ con mừng quá là mừng anh ơi.). Dạng láy được dùng là “ngoài ngoải”.

Trển (Trên ấy – Ngoại đang chờ trên lầu đó, anh lên trển đi.). Dạng láy được dùng là “trên trển”.

Trỏng (Trong ấy – Hội trường đông nghẹt, trỏng ngộp quá nên tôi ra đây xả hơi một chút.). Dạng láy được dùng là “trong trỏng”.

– 1 đại từ chỉ lượng:

Chửng (Chừng ấy – Sức mày có chửng mà đòi vác cái bao cả tạ, có mà té cụp xương sống đó con ạ.)

Có thể thấy, hiện tượng hợp âm hai từ liền kề để tạo ra một từ một tiếng được viết, in dưới dạng một chữ chỉ xảy ra với các danh từ ở bốn phạm vi nghĩa: đó là chỉ người, chỉ vị trí, chỉ thời gian và chỉ lượng. Những danh từ này hợp âm với từ “ấy” hay “đó” để làm thành những đại từ chỉ người, chỉ vị trí, chỉ thời gian, chỉ lượng. Không thấy xảy ra các hiện tượng hợp âm ở các từ loại khác và các lĩnh vực nghĩa khác. Chẳng hạn: vẫn chỉ nói hai từ tách rời, cố nhiên là với những trọng âm, khinh âm nhất định như: chú ấy, thím ấy, bác ấy, em ấy, bạn ấy, tay ấy, nơi ấy, nhà ấy, cái ấy, sách ấy, trang ấy, cây ấy, chợ ấy, trào ấy, sân ấy, chim/gà/heo/chồn… ấy, thôn/vùng/ làng… ấy v.v… Ở dạng viết, các trường hợp này được viết thành hai chữ riêng biệt chứ không phải là một chữ như các trường hợp hợp âm hữu quan, cho dù ở đâu đó, trong nói năng, chúng có thể được phát âm thành một tiếng (ẻm, lảng, nhả… với nghĩa em/làng/nhà ấy…)

Hiện tượng hợp âm chỉ xảy ra trong phạm vi 30 từ một tiếng, 13 từ nhiều tiếng đã trình bày, không mở rộng ra với các từ khác cho dù từ ấy cùng từ loại, cùng trường nghĩa và xét về mặt thanh điệu là đủ điều kiện để hợp âm. Cụ thể là:

– Không xảy ra hiện tượng hợp âm với các danh từ xưng hô chỉ người có vị thế bậc trên trong gia đình. Các từ ông cố (cụ), ông sơ (kị), cha mẹ ruột thịt không hợp âm với từ “ấy” để tạo ra một đại từ mới chỉ người vắng mặt thuộc bậc trên đó trong gia đình. Những trường hợp có hợp âm thì hoặc là cá biệt, chỉ được dùng trong phạm vi hạn chế (“ngoải (1)”, “nổi” chỉ ngoại ấy, nội ấy nói tắt của ông/bà ngoại ấy, ông/bà nội ấy) hoặc là có nghĩa chuyển, chẳng hạn: “ổng”, “bả”, “chả”, “mẻ”, “thằng chả”, “con mẻ” không phải chỉ ông ấy, bà ấy, cha ấy, mẹ ấy của mình mà chỉ một kẻ nam nữ nào đấy hoặc với nghĩa trung tính (ổng, bả) hoặc với ý coi khinh, xem thường (4 trường hợp còn lại). Ở nông thôn Nam Bộ (hiện nay vẫn còn), để nói về cha mẹ mình, con cái vẫn dùng một cách “vô tư” “ổng bả” mà không cảm thấy có gì thất thố, hỗn xược. Các câu nói như “Tía tui ổng đi xóm rồi, bác kiếm ổng có chuyện gì không?”, “Má tôi không có nhà, dì kiếm bả có chuyện gì không?” rất thông dụng (trong tác phẩm của Sơn Nam hay Hồ Biểu Chánh có rất nhiều câu kiểu như vậy). Các từ “ổng”, “bả” được dùng trong trường hợp này mang sắc thái nghĩa trung tính và không thể thấy có trường hợp nào trong nói năng đại loại: “Cha tui chả đi xóm rồi, bác kiếm chả có chuyện gì không?” Hoặc “Mẹ tui là giáo viên trường làng, tính tình mẻ hiền khô hà.” (!)

– Cũng có tình hình tương tự với các danh từ xưng hô mượn của người Hoa Triều Châu, [như: tía (cha), hia (anh), chế (chị), số (chị dâu), củ (cậu), ý (dì)…], với các từ hoán dụ chỉ người [như: tay, chân, nhà…] và với các danh từ chỉ thời gian, vị trí, số lượng khác ngoài chín từ “bên, chừng, đằng, hôm, hồi, năm, ngoài, trên, trong” đã trình bày ở trên.

– Riêng trường hợp từ “em”, đôi khi có được trẻ con hợp âm với “ấy” tạo thành từ “ẻm” nhưng thường bị người lớn uốn nắn, phủ định nên khó có thể trở thành một từ độc lập như 30 từ hợp âm một tiếng đã trình bày. Dưới đây là một đoạn thoại:

–  Em Hoà đâu nhỉ?

–  Thưa thầy ẻm bệnh nên nghỉ học ạ.

–  Em phải nói là bạn ấy (hoặc em ấy) bệnh nên nghỉ học chớ không nói là ẻm, nghe.

Về 13 từ ghép thì:

– 4 từ ghép chỉ người ngôi thứ ba số nhiều mà thành tố vốn là hai từ hợp âm chỉ người ngôi thứ ba số ít:

Ảnh chỉ (anh ấy + chị ấy – Ảnh chỉ giàu có cỡ mà góp tiền cứu trợ lũ lụt có bi nhiêu thôi sao?)

Cẩu mở (Cậu ấy + mợ ấy – Cậu em lấy mợ em năm Nhâm Thìn. Gia đình cẩu mở thiệt có phước. Nhà cửa con cái đề huề một cây.

Dỉ dưởng (Dì ấy + cậu ấy – Đó, anh coi, dỉ dưởng là người lớn mà ăn nói vậy đó. Coi có đặng không?)

Ổng bả (ông ấy + bà ấy – Ổng bả ăn ở thất đức thành ra trời đầy nên nay mới khổ như vậy đó chớ.)

– 2 từ ghép chỉ người ngôi thứ ba số ít mà người nói có ý khinh khi:

Thằng chả (thằng cha ấy, hắn, nó, hàm ý coi thường – Tui ghét thằng Năm lắm, thằng chả nói dối còn hơn cuội nữa.)

Con mẻ (con mẹ ấy, chỉ người nữ vắng mặt với hàm ý coi thường – Mày ngồi lê đôi mách với con mẻ làm gì, toàn chuyện bô lô ba la vô tích sự không hà.)

– 7 từ ghép chỉ thời gian (không có từ ghép chỉ vị trí) với ý nghĩa phong phú khác nhau, trong đó có một từ 3 tiếng:

Bữa hổm (bữa hôm ấy – Thứ bảy rồi tôi có đến thăm anh mà không gặp. – Bữa hổm tôi đi Thành phố thăm con anh à.)

Hồi hổm (hồi hôm ấy, chỉ một thời đoạn ban đêm hoặc ban ngày thuộc một ngày nào đó trong quá khứ – Hồi hổm trộm ghé nhà bà phải hôn?)

Hồi năm nẳm (hồi xa xưa, khoảng thời gian đã xa trong quá khứ – Tôi nhớ hồi năm nẳm ổng đã li dị với bà ta rồi mà, sao giờ hai người vẫn ở chung nhà?)

Hồi nẳm (hồi năm ấy, hồi xa xưa – Tôi đẻ con Ba năm Canh Tuất, hồi nẳm tôi nghèo lắm, không có tiền mua nổi vài lon gạo ăn nữa.)

Hổi giờ (từ hồi đó đến giờ – Hổi giờ nhà tôi vẫn vậy, có sang sửa gì đâu chị ơi.)

Hôm hổm (mấy hôm trước – Hôm hổm tôi có gặp ảnh ngoài lộ nhưng có nói được chuyện gì đâu.)

Hổm rày (từ hôm ấy đến nay, mấy bữa nay – Hổm rày bận quá anh ơi, họ đặt hàng Tết có cờ làm muốn thở không ra hơi nữa kìa.)

Có thể thấy, trong 13 từ ghép có 4 đại từ ghép hợp nghĩa song song chỉ người ngôi thứ ba số nhiều (ảnh chỉ, cẩu mở, dỉ dưởng, ổng bả), 2 đại từ ghép chính phụ ngôi thứ ba số ít chỉ người với hàm nghĩa khinh khi (thằng chả, con mẻ) và 7 từ ghép chỉ thời gian. Trong số này:

a. “ảnh chỉ”, “cẩu mở”, “ dỉ dưởng”, “ổng bả”  là các từ ghép hợp nghĩa song song nhưng nghĩa gộp của chúng không chỉ một tổng loại bao quát mà chỉ một tập hợp hai đối tượng được đề cập trong nội bộ từ. Có thể nêu một thí dụ minh họa: nghĩa của từ ghép “cơm áo” lớn hơn nghĩa của hai từ thành tố (cơm + áo) còn nghĩa của các từ ghép hợp nghĩa kiểu này chỉ đơn giản là sự hợp nghĩa của hai từ thành tố mà thôi: “ảnh chỉ” chỉ có nghĩa đơn giản là “ảnh + chỉ”, “cẩu mở” chỉ có nghĩa đơn giản là “cẩu + mở”, v. v…

b. “bữa hổm”, “hồi hổm”, “hồi nẳm” là ba danh từ ghép chỉ thời gian có cấu tạo gồm một danh từ đơn tiết chỉ thời gian ở phía trước (bữa, hồi) với một đại từ do hợp âm mà có ở phía sau (hổm, nẳm). Chúng diễn nghĩa của một ngữ danh từ (bữa hôm đó/ấy, hồi hôm đó/ấy, hồi năm đó/ấy);

c. “hổm rày”,”hổi giờ” là 2 từ ghép độc đáo của hiện tượng “ổng ảnh”. Hai từ ghép này có nghĩa chỉ một thời đoạn tương đối dài. Chúng có cấu tạo gồm một đại từ do hợp âm mà có ở phía trước (hổm, hổi) với một danh từ chỉ thời gian ở phía sau (rày, giờ). Chúng diễn nghĩa không chỉ là một phép hợp đơn giản (hôm đó/ấy + rày hay hồi đó/ấy + giờ) mà diễn nghĩa của cả một ngữ đoạn (từ hôm đó đến nay, từ hồi đó đến giờ). Sự hòa đúc nghĩa ở đây quả có bước phát triển về chất.

d. “hôm hổm” cũng là từ ghép độc đáo nữa của hiện tượng “ổng, ảnh”. Chúng có cấu tạo gồm một danh từ đơn tiết chỉ thời gian ở phía trước (hôm) với một đại từ do hợp âm mà có ở phía sau (hổm), nghĩa là giống với cấu tạo của các từ “bữa hổm”, “hồi hổm”, “hồi nẳm” (ở b.) nhưng diễn nghĩa khác hẳn. “Hôm hổm” không phải là sự ghép nghĩa giản đơn thành “hôm + hôm đó/ấy” mà có nghĩa là mấy hôm trước. Nghĩa của nó đã được hòa đúc và có một sự chuyển nghĩa về chất chứ không phải là dạng láy “hôm hổm” có thể được dùng giống như từ “hổm” (xem mục từ “hổm” ở phần các từ một tiếng).

e. “hồi năm nẳm” là từ ghép 3 tiếng duy nhất của hiện tượng ổng ảnh. Cấu tạo của nó gồm một danh từ chỉ thời gian ở phía trước (hồi) với một từ láy âm ở phía sau (năm nẳm). Nó diễn nghĩa hồi năm nào đó trong quá khứ nghĩa là xa lắm rồi, nói tắt nghĩa của nó là hồi xa xưa.

   Quả là nghĩa của 7 từ ghép chỉ thời gian có nghĩa khác nhau rất phong phú. Nhưng vẫn có thể nêu ra một câu hỏi là: tại sao trong hiện tượng “ổng ảnh” của tiếng Nam Bộ lại không có từ ghép chỉ vị trí? Có thể, vị trí (bên, đằng, ngoài, trên, trong) là một không gian cần xác định cả trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai nên không có từ ghép chỉ vị trí thuộc hiện tượng “ổng ảnh” trong tiếng Nam Bộ chăng? Dẫu sao vẫn cần có sự tìm hiểu tiếp nữa.

4. Về mặt ngữ âm:

Các trường hợp hợp âm tạo từ mới như trình bày ở trên chỉ xảy ra với các danh từ thuộc âm tiết mở (9 trường hợp), âm tiết nửa mở (6 trường hợp), âm tiết nửa khép (15 trường hợp), không thấy xảy ra ở các âm tiết khép và cũng không mở rộng ra ngoài phạm vi số lượng hạn định gồm 30 trường hợp. Cụ thể:

ÂM TIẾT MỞ Bà, Cha, Chị, Cô, Dì, Mẹ, Mợ, Trò, Va.
ÂM TIẾT NỬA MỞ Cậu, Hồi, Ngoại, Ngoài, Nội, Thầy.
ÂM TIẾT NỬA KHÉP Anh, Bên, Chàng, Chửng, Con, Dượng, Đằng, En, Hôm, Nàng, Năm, Ông, Thằng, Trên, Trong.
ÂM TIẾT KHÉP (Không có)
Các trường hợp hợp âm tạo từ mới như trình bày ở trên chỉ xảy ra với danh từ có thanh không dấu (12 trường hợp), thanh dấu huyền (11 trường hợp), thanh dấu nặng (7 trường hợp), không xảy ra ở các thanh có dấu sắc và dấu hỏi hoặc ngã và cũng không mở rộng ra ngoài số lượng hạn định gồm 30 trường hợp. Cụ thể:

THANH KHÔNG DẤU
(phù bình thanh)

Anh, Bên, Cha, Con, Cô,  En, Hôm, Năm, Ông, Trên, Trong, Va 
THANH DẤU HUYỀN
(trầm bình thanh)

Bà, Chàng, Chừng, Dì, Đằng, Hồi, Nàng, Ngoài, Thằng, Thầy, Trò
THANH DẤU NẶNG
(trầm khứ thanh)

Cậu, Chị, Dượng, Mẹ, Mợ, Ngoại, Nội
CÁC THANH CÒN LẠI (Không có)
Như vậy, trong tiếng Nam Bộ, hiện tượng hợp âm giữa một danh từ đơn tiết với từ “ấy” hay “đó” đi liền sau nó để tạo ra một đại từ có bộ mặt ngữ âm mới, được phát âm dưới dạng một âm tiết mang “thanh hỏi-ngã”, được viết in dưới dạng một chữ, có nghĩa gộp gồm hai nghĩa thành tố có những đặc điểm sau:

– Có số lượng hạn định. Số lượng chỉ có 43 trường hợp như đã trình bày, không có trường hợp nào phát sinh thêm cho dù có đủ các điều kiện để có thể hợp âm. Do vậy khó có thể nói đây “là hiện tượng hết sức phổ biến trong lời ăn tiếng nói của đồng bào miền Nam” [5, 51] và người miền Nam “chỉ cần biết dạng gốc, nắm vững quy tắc biến đổi và vận dụng cho hàng loạt trường hợp, căn cứ vào nhu cầu mà hoạt động nói năng, cách diễn đạt tư tưởng đòi hỏi” [5, 55] là có thể tạo ra các từ ngữ kiểu loại “ổng”, “ảnh”.

– Có quy luật nhưng không phải một quy luật phổ biến với vài ba ngoại lệ mà là quy luật có điều kiện hạn chế khiến cho hiện tượng hợp âm này khó thể sản sinh, phát triển thêm mãi nếu không nói là số lượng đang có biều hiện giảm thiểu. Cho nên thiết nghĩ quả là: “có hiện tượng hình vị nhỏ hơn âm tiết trong tiếng Việt” nhưng cũng chỉ dừng ở mức “hiện tượng” chứ chưa phải là một quy luật của tiếng Việt; cũng chưa nên khái quát hóa thành “xu hướng đơn lập hóa” của ngôn ngữ mà chỉ nên coi hiện tượng “ổng, ảnh” như là một thói quen ngôn ngữ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, một thói quen của phương ngữ thuộc phong cách khẩu ngữ, hiện hữu tuy ở một vùng rộng lớn với số dân đông đảo nhưng chỉ trong một số lượng hạn định, trong đó, có những trường hợp đang ít được dùng dần với những mẹo luật nhất định.

– Hiện tượng này thuộc bình diện ngôn ngữ. Đó chính là “lối nói lược-gộp khá độc đáo của tiếng Việt” [7, 71] ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, “theo hướng âm tiết hóa để trở thành các đơn vị mới” [7, 72]. Về mặt ngữ âm, nó hợp với quy luật phối âm của tiếng Việt nói chung, các từ hợp âm không mang thanh hỏi hay thanh ngã mà mang “thanh hỏi-ngã” kiểu như “ảnh” có độ dài “hoàn toàn bằng” với các ngữ kiểu như “anh í (Hà Nội), anh a (Huế)”, “là cách phát âm chuẩn dùng trong các tổ hợp hữu quan trong phương ngữ Nam Bộ” như Giáo sư Cao Xuân Hạo đã đo đạc thực nghiệm và chứng minh [1, 203 và 205]. Về mặt từ vựng – ngữ pháp, nó là hiện tượng hợp âm tạo ra từ mới và ghép từ mới đó với từ khác để hình thành một lớp đại từ gồm 43 trường hợp trong vốn từ của tiếng Việt. Có thể gọi chúng là “lớp đại từ thuộc nhóm ổng, ảnh trong tiếng Nam Bộ”. Nó có điểm khác với hiện tượng hợp âm thuộc bình diện lời nói kiểu như âm “chĩ” trong lời nói nhanh của người Hà Nội hay Bắc Bộ để chỉ “chị ấy” và cố nhiên, không tạo ra một từ “chĩ” thực thụ trong vốn từ chung của tiếng Việt như GS Cao Xuân Hạo đã chỉ ra. Cũng có thể nói thêm: trong “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” của Huỳnh Công Tín có ghi gần hết lớp đại từ thuộc nhóm “ổng”, “ảnh” nói trên; còn trong “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên cũng như các quyển từ điển tiếng Việt của các tác giả khác đều không có mục từ “chĩ”. Do vậy, vẫn có thể nói đây là hiện tượng của riêng tiếng Nam Bộ, rộng ra là của cả các tỉnh Nam Trung Bộ.

– Lớp đại từ nhóm “ổng, ảnh” này chỉ thấy có mặt tại các lời thoại trong tác phẩm văn chương và trong giao tiếp thường nhật. Chúng chính là lớp từ của phong cách khẩu ngữ. Không thấy các từ thuộc lớp từ hợp âm này có mặt trong văn viết (cố nhiên là trừ các lời thoại trực tiếp trong văn viết).

– Riêng với vùng Thanh Hóa, người dân bản địa phát âm phân biệt thanh hỏi và thanh ngã như người đồng bằng sông Hồng (nghĩa là phát âm phân biệt 6 thanh), chứ không phát âm hai thanh ấy bằng một “thanh hỏi-ngã” như người Nam Bộ và Nam Trung Bộ (chỉ phát âm 5 thanh). Nhiều người Thanh Hóa, trong nói năng và cả trong viết lách, vẫn có sự lầm lẫn, mắc lỗi khi sử dụng các từ có chứa âm tiết mang thanh hỏi hoặc thanh ngã (chẳng hạn: “hóm hỉnh” bị nói, viết lầm thành “hóm hĩnh”; “lẽ nào” bị nói, viết lầm thành “lẻ nào”…). Cho nên khó có thể cho rằng: “bã (bà ấy), lảng (làng đó), nhả (nhà ấy)…” trong âm nói của người Thanh Hóa là thuộc hiện tượng “ổng, ảnh” được nói đến trong bài viết này và như thế, thiết tưởng không nên nói đến “một nhóm riêng nữa của hiện tượng ổng, ảnh, gồm các danh từ có nghĩa chỉ cộng đồng kiểu thôn, làng, vùng, miền, họ,…” [7, 70].

Nam Bộ là vùng đất đang sinh sôi, phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội… trong đó có ngôn ngữ. Hiện tượng ổng ảnh vẫn cần được nghiên cứu thêm để góp phần hiểu hơn về vùng đất mới này. 

Tài liệu tham khảo
Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt Văn Việt Người Việt, Nxb Trẻ in lần thứ 3, 2003
Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện ngôn ngữ học, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992
Hoàng Thị Châu, Phương ngữ học tiếng Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2004
Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009
Nguyễn Đức Dương, Về hiện tượng kiểu “ổng”, “chỉ”, “ngoải”, tạp chí Ngôn ngữ số 1-1974
Nguyễn Văn Chiến, Sắc thái địa phương của các danh từ thân tộc trong tiếng Việt, tạp chí Ngôn ngữ số 2-1991
Phạm Văn Hảo, Để góp phần lí giải thanh hỏi trong lối nói phương ngữ “ổng”, “chỉ”, “ngoải”, tạp chí Ngôn ngữ số 4-1998
Trần Thị Ngọc Lang, Phương ngữ Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, 1995
Trần Thị Ngọc Lang (chủ biên), Một số vấn đề về phương ngữ xã hội, Nxb Khoa học xã hội, 2005.
Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội – Hà Nội, 1983.
(1)  Trong nói năng, người Nam Bộ có nói “hồi xửa”. Đây là nói tắt của “hồi xửa hồi xưa” nên có thể coi từ “xửa” không nằm trong lớp đại từ nhóm “ổng ảnh” này.

...
 ============================
  st & đăng bởi: hohyhung:
  http://hohyhung.blogspot.com/
 ============================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét