1 thg 1, 2019

Tên ta, sao lại bỏ hết dấu? (không để dấu đầy đủ)

Tên ta, sao lại bỏ hết dấu?

Chuyện dài nhiều tập
Người Việt mình không tôn trọng chính mình thì ai tôn trọng mình?!?
hayzzz!



“Không hiểu tại sao tên của tôi trong bản tóm tắt tiếng Anh của Hội thảo lại không có dấu? Chính vì vậy mà các vị lãnh đạo cơ quan tôi không chấp nhận đây là bài của tôi. Vì cái tên NGUYEN THANH HUNG không có căn cứ nào để chỉ đó là Nguyễn Thanh Hùng hay Nguyễn Thành Hưng trong cơ quan (ngoài Nguyễn Thanh Hùng còn có 2 người cùng tên Nguyễn Thành Hưng). Đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo cho tôi xin một giấy xác nhận đó là tên tôi để tránh mọi phiền phức”. Đó là thư đề nghị của một tác giả có báo cáo trong một hội thảo quốc tế gửi về Ban Tổ chức. Ngặt một nỗi, hội thảo xong đã mấy tháng, Ban Tổ chức nọ (do 3 cơ quan phối hợp) đã tự giải tán, ai về nhà nấy, chẳng có ai đủ tư cách đứng ra giải quyết việc này. Anh chàng Hưng nọ đành về cơ quan, đề nghị hai đồng nghiệp còn lại làm chứng, xác nhận họ không phải là tác giả báo cáo.
Tiếng Việt ta hiện đang dùng bảng chữ cái theo mẫu tự Latin để ghi âm từ. Tuy nhiên, ngoài các con chữ (dùng để biểu thị âm vị) lại còn các ký hiệu để biểu thị 6 thanh điệu: ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng (còn gọi là “dấu giọng” hay “âm vị siêu đoạn tính”). Khi dịch văn bản sang các ngôn ngữ khác dùng hệ chữ Latin (Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha…), nếu gặp tên riêng (người Việt), người ta thường bỏ hết các dấu thanh điệu. Ví dụ: Phạm Ngọc Thưởng = Pham Ngoc Thuong, Lê Thị Hương Trà = Le Thi Huong Tra, Đào Trọng Lịch = Dao Trong Lich… Đa số mọi người đều cho rằng đây là điều bắt buộc, phải làm thế mới hợp với văn bản tiếng nước ngoài (nhất là tiếng Anh). Và cũng đa số người đọc đương nhiên chấp nhận, nhất là khi tên Việt mình viết theo kiểu Tây nom cũng “Tây” hơn thật.
Tên riêng (nhân danh, địa danh, sơn danh…), như có lần chúng tôi đã nói, thuộc phạm trù danh từ riêng, cần phải được tôn trọng như nó vốn có, kể cả việc thể hiện trong chính tả (không chuẩn hóa để điều chỉnh cách viết như các từ trong ngôn ngữ toàn dân, như I ngắn Y dài, các tổ hợp âm tiết hơi khác lạ…). Hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới hiện nay khi dùng mẫu tự Latin đều cố gắng giữ nguyên dạng tên riêng. Nhưng ngày trước, do điều kiện kỹ thuật không cho phép (máy đánh chữ hay kho chữ ở nhà in tipo ở nước ngoài không sẵn con chữ tiếng Việt) nên người ta đành phải bỏ dấu khi in tên người Việt. Nhưng trong văn bản của ta, do ta soạn thảo, thì không có lý do gì mà đến tên mình thì lại đem bỏ phắt đi các dấu thanh điệu kia đi, biến thành cái tên khác. Như thế không chỉ làm khó cho ta (không luận rõ tên trong trường hợp có thể xảy ra nhiều khả năng: Phan Dai Tinh có thể đọc là: Phan Đại Tĩnh, Phan Đại Tỉnh, Phan Đại Tính, Phan Đại Tịnh, Phan Đại Tình, Phan Đài Tinh… Dương Thu Hương có thể đọc là Dương Thu Hương, Dương Thu Hường, Dương Thu Hưởng hay Đường Thu Hương… Rắc rối dễ nhận thấy nhất hiện nay là khi ra sân bay, một hành khách chậm làm thủ tục hoặc chậm ra máy bay có khi được nhân viên hãng hàng không đọc nhắc nhở bằng nhiều tên với các thanh điệu khác nhau, đề phòng trường hợp đọc sai mà bỏ sót (Xin mời hành khách Cao Văn Luân, Cao Văn Luận, Cao Vân Luấn… nhanh chóng ra cửa khởi hành…).
Trong văn bản các nước hiện nay, trong xu hướng Latin hóa (với ngôn ngữ dùng hệ chữ Slavơ, hay chữ tượng hình, chữ Phạn, người ta dùng cách chuyển tự) thì tên riêng nước ngoài có thêm dấu phụ đều được viết chính xác, nhất là trong các từ điển bách khoa, bách khoa toàn thư. Địa danh nước ta (Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu…) hay tên riêng (Trần Hưng Đạo, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng…) đều được viết chính xác các dấu. Ngày trước, dấu thanh điệu có khi còn phải đánh bằng tay thủ công, bây giờ với mã Unicode thì mọi trở ngại khi xưa đều được giải quyết… ngon lành. Các tên riêng Việt, với người nước ngoài là hơi lạ mắt, nhưng họ vẫn phán đoán và phát âm được gần đúng, ấy là chưa nói, nhiều “ông Tây bà đầm” biết tiếng Việt (hoặc học được đôi chữ Việt) cũng có thể phát âm gần với nguyên ngữ. Nhưng dù họ có phát âm “lơ lớ” thì chính chữ viết kia sẽ là căn cứ nhận diện.
Điều lạ là đối với nhiều người ở ta, trong khi cố tình “Tây hóa” cách viết tên người Việt nhưng lại tìm mọi cách để viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài với những con chữ khá đặc biệt (để thể hiện sự tôn trọng nguyên ngữ).
Quan điểm giữ nguyên ngữ trong việc thể hiện tên riêng nước ngoài đang được đa số báo chí Việt Nam (trong đó có Báo Lao Động) ủng hộ và thực hiện. Đó là một xu hướng bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Nó không chỉ đảm bảo được tính khách quan của tên riêng cần được tôn trọng mà còn rất tiện lợi, không gây phức tạp trong việc thể hiện trên văn bản.
[ nguồn: https://baomoi.com/ten-ta-sao-lai-bo-het-dau/c/19445373.epi ]
...
 ============================
  đăng bởi: hohyhung:
  http://hohyhung.blogspot.com/
 ============================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét