12 thg 1, 2016

sưu tầm: chỉ là 1 giả thuyết


Ngàn năm khố

Published on November 23, 2014   ·   No Comments
Gần đây có bài báo phủ định tục đóng khố thời Hùng Vương, đồng thời nói rằng “đã đến lúc cần cấp tốc loại bỏ thứ văn hóa đóng khố ra khỏi nhận thức về trang phục thời đại Hùng Vương“. Tuy nhiên, trong chuyên khảo trang phục Ngàn năm áo mũ tôi đã nhiều lần đề cập đến việc cư dân vùng đồng bằng sông Hồng đóng khố từ rất sớm, muộn nhất là thời Đông Sơn. Có thể ấn chứng điều này qua hình tượng vũ công trên trống đồng và hình tượng người lính, dũng sĩ trên cán dao găm Đông Sơn…
Việt Nam 1914-17 - Tập đấu vật

Khảo tư liệu hình ảnh và tài liệu chữ viết tương quan, có thể thấy trước thời Nguyễn(thế kỷ XIX), tục đóng khố trong dân gian Việt Nam hết sức phổ biến. Dù rước kiệu vua hay rước linh cữu, phu khiêng kiệu thời Lê đều nhất loạt đóng khố. Điều này cho thấy việc đóng khố trong quan niệm của người thời Lê là hết sức bình thường. Người thời đó không cho rằng đóng khố là tập tục “thô bỉ”, “hủ lậu” như cách nhìn của vua quan triều Nguyễn. Truy xa hơn nữa, có thể thấy người Việt thời Trần, Lê, nhiều khi nóng bức, chỉ đóng mỗi cái khố và khoác chiếc áo dài quá gối ra bên ngoài.
Cần lưu ý, năm 1744 là thời điểm diễn ra cuộc cải cách trang phục toàn xứ Đàng Trong, xuất phát từ ý muốn độc lập so với Đàng Ngoài của Chúa Nguyễn Phúc Khoát (阮福闊, 1714 – 1765) cả về chính trị lẫn văn hóa, đặc biệt là trang phục. Đây là thời điểm xuất hiện bộ trang phục áo dài gài khuy kết hợp với quần dài. Mà đợi đến thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, bộ trang phục này mới được phổ biến rộng ra toàn quốc. Bên cạnh đó, vua Minh Mạng đã đặt ra những lệnh cấm y phục cố cựu của miền Bắc như áo tứ thân, áo giao lĩnh, váy đụp, đặc biệt là việc đóng khố. Tôi đơn cử một số tư liệu như sau :
◆ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (欽定大南會典事例) chép lời dụ của vua Minh Mạng vào năm 1837, cho biết : “Trước đây từ sông Gianh trở ra ngoài, y phục vẫn noi theo thói tục hủ lậu, nay đặc biệt chỉ dụ, lệnh phải thay đổi theo cách ăn mặc từ Quảng Bình trở vào trong để đồng nhất phong tục. […] Từ Quảng Bình trở vào Nam, quần áo mũ mão nhất nhất noi theo chế độ Hán Minh, trang phục tề chỉnh, so với tục cũ của người miền Bắc, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc áo giao lĩnh, dưới mặc váy tròn, đẹp xấu chẳng phải rõ ràng dễ thấy sao ?“.
◆ Quốc sử di biên (國史遺編) chép vào tháng 5 năm 1830 : “Bắc Thành Phó Tổng trấn Phan Văn Thúy lại nêu rõ điều cấm về quần áo. Cấm đàn ông đội mũ dài… áo giao lĩnh thụng tay và đóng khố quanh eo đùi. Đàn bà không được dùng vải, lụa ngắn quấn đầu, không được dùng thắt lưng to, nhỏ và mặc quần không đáy“.
◆ Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục (埜史略編大越國阮朝寔錄) còn cho biết : “… cấm đàn ông đóng khố, đàn bà không được mặc váy kiêm áo tứ thân ; nhất loạt đều dùng quần và áo năm thân theo lệnh của Hiếu Võ Hoàng đế năm xưa ở Thuận Hóa“.
Tác giả bài báo tôi đề cập ở trên cho rằng các ông vua Hùng đã phải có quần dài áo rộng, chứ không thể chỉ đóng khố được. Vả lại, có thể dân thường đóng khố, chứ đã là thủ lĩnh thì phải có trang phục đẹp. Tôi chỉ xin lưu ý trường hợp tộc người Dayak ở Malaysia, tộc người gần đây được cho là có nhiều nét văn hóa rất giống văn hóa Đông Sơn ở ta, dù vải vóc dư thừa nhưng thủ lĩnh của họ vẫn chỉ cởi trần đóng khố, đầu đội lông chim mà thôi.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thái độ khinh bỉ cái khố vì cho rằng đó là biểu hiện của sự lạc hậu, bán khai trên thực tế là cái nhìn lệch lạc sau khi đã bị ám ảnh bởi văn hóa trang phục Tàu. Thấy Tàu làm trang phục đẹp thì muốn mình cũng phải có trang phục đẹp, không muốn “tổ tiên” đóng khố và càng không muốn trang phục bị coi là giống Tàu, trên thực tế thể hiện sự tự ti, nhược tiểu, cố gắng bãi thoát khỏi Tàu nhưng lại càng giống Tàu và gần Tàu hơn bao giờ hết. Muốn thoát khỏi cái bóng của người ta nhưng lại sử dụng chính cái cách tư duy, cũng như quan điểm thẩm mỹ của người ta, rốt cuộc chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.
TONKIN - Concert ambulant
TONKIN - La vie aux champs - Agriculteur indigène portant sa herse
Lutteurs indigène
HANOI - FETE DU VILLAGE - LA LUTTE PARADE
La Lutte Annamite

THỜI VUA HÙNG KHÔNG CÓ “VĂN HÓA ĐÓNG KHỐ”

Bên cạnh những thông tin về vải vóc, ta còn thấy người thời Hùng Vương rất yêu thẩm mỹ. Trên bề mặt đồ gốm có tới 35 mẫu hoa văn đẹp, các loại vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi đeo cổ làm bằng đá ngọc cực kỳ tinh xảo. Đồ đồng, mà trống đồng Đông Sơn loại I ngày nay tuy đã sao đúc được nhưng chưa thể bằng nguyên bản. Một cư dân như vậy dứt khoát rất hiếm có ai dùng khố làm trang phục chính.
Nhiều năm nay không biết người ta nghĩ thế nào mà cho rằng Vua Hùng đóng khố, rồi như một thứ “văn hóa đóng khố” được gán cho thời Hùng Vương, tha hồ vẽ vời, nặn tượng, mặc biểu diễn. Có thể nói họ không hề để tâm tới những kết quả nghiên cứu của giới chuyên môn về vải vóc thời đại Hùng Vương.
Về khảo cổ học
– Ứng với truyền thuyết bà Âu Cơ dạy dân cấy lúa trồng dâu dệt vải, khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều dọi xe sợi trong các di chỉ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4.500 năm. GS.TS. Hán Văn Khẩn là một nhà khảo cổ học uy tín đưa ra kết luận : “Dọi xe chỉ tìm thấy khá phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Nó được làm bằng đất sét tương đối mịn hoặc tương đối thô… Dọi xe sợi có đường kính trung bình 0.6 – 2 cm…Như vậy, nghề dệt vải đã phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Cư dân văn hóa này ít nhất có hai loại vải mặc, đó là vải vỏ cây và vải dệt từ sợi”.
– Một số mộ táng thời Hùng Vương ở Lâm Thao (Phú Thọ) thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun cách nay 3.000 năm thấy rõ vết vải liệm trên hài cốt. Các mộ Châu Can (Hà Tây cũ), mộ Việt Khê (Hải Phòng) thuộc văn hóa Đông Sơn cách nay 2.800 năm đến thế kỷ II trước công nguyên, đều có vải liệm.
– Trên trống đồng Đông Sơn loại I cách nay 2.800 năm, khắc hình vũ công mặc áo dài nhảy múa.
– Năm 2005 hai tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt và Bùi Văn Liêm hợp tác với hai tiến sĩ khảo cổ học người Úc, khai quật ngôi mộ ở Đông Xá (Hưng Yên) có niên đại 2.100 (+ 60 năm). Trong ngôi mộ tìm thấy một tấm vải liệm còn nguyên vẹn, bên trong còn bọc vài lớp vải nữa… Họ kết luận : “Dữ liệu vải sợi của đội khảo cổ Việt Nam – Úc ở Đông Xá khẳng định rằng, nghề dệt vải đã phát triển trong thời đại kim khí ở Bắc Việt Nam (tức thời Hùng Vương – VKB) và rằng vải giữ vai trò trung tâm trong mộ táng Đông Sơn, không chỉ cho trang phục mà còn làm chiếu , vải bọc và vải liệm”.
Về sử học
– Sách Lịch sử Việt Nam tập I của Nhà Xuất bản Khoa học xã hội in năm 1971 đã viết : “Dấu vải in trên nhiều đồ đồng đồ gốm. Tượng người, hình người chạm khắc trên trống thạp đồng cho ta biết, y phục người đương thời đã rất phong phú. Người Lạc Việt mặc áo chui đầu cài khuy bên trái”.
– Sách Lịch sử Vĩnh Phú, Ty Văn hóa Vĩnh Phú xuất bản năm 1980 viết : “Ở các di chỉ khảo cổ tìm thấy nhiều dọi xe sợi bằng đất nung. Tại một số ngôi mộ táng ở Tứ Xã thấy có vải in lên hài cốt. Các hình khắc trên trống đồng cùng tượng đồng cho ta thấy thời đó mặc áo chui đầu cài khuy bên trái. Về cuối thời Hùng Vương tầng lớp trên may mặc khá xa hoa. Ở di chỉ Làng Cả (Việt Trì) tìm thấy bộ khóa dây lưng bằng đồng thau, mỗi bên tạc bốn con rùa trang trí đẹp, dự đoán của một vị quan võ”.
– Sử cũ nói rằng, ở thế kỷ I – II nhà Hán, nhà Ngô đô hộ nước ta, bắt dân cống nộp vải Cát Bá (một loại vải bông trắng mịn), vải tơ chuối, lụa tơ tằm. Đến nhà Đường đô hộ (thế kỷ VII) họ đánh thuế các nghề thủ công nhất loạt thu bằng vải, lụa, sa, the. Điều đó cho thấy, hàng dệt may mặc của xứ ta từ trước công nguyên đã rất phong phú và đẹp, hấp dẫn mạnh với người nước ngoài.
Với các bằng chứng khoa học như vậy, ba – bốn nghìn năm trước xứ ta đã là quê hương của bông gai tơ tằm vải lụa, thì làm gì có chuyện vua quan đóng khố đi ra ngoài hoặc triều hội.
Truyền thuyết kể rằng, Chử Đồng Tử quá nghèo hai cha con phải chung nhau chiếc khố. Đấy là vì Chử Đồng Tử quá nghèo, còn những người khác hẳn là có áo quần. Sự thật là người Việt tộc vẫn quen dùng khố làm đồ lót. Riêng những người làm nghề đánh bắt cá tôm dầm mình dưới đồng chiêm, đầm hồ là thường chỉ đóng khố cho thuận tiện. Bộ y phục cổ của dân tộc ta còn lưu truyền đến trước Cách mạng tháng Tám (1945) : Nữ trong đóng khố ngoài mặc váy, trong mặc yếm ngoài mặc áo ; nam trong đóng khố ngoài mặc quần lá tọa, áo chạy khuy con bọ bên nách trái. Quần lá tọa là loại quần hai ống rất rộng, tựa hồ như cái váy cắt một đường ở giữa lên đến đũng và khâu thành ống, không có cạp luồn dây rút mà dùng ngay phần cạp rộng gọi là lá tọa buộc khít bụng. Đó là nói về y phục của người dân bình thường, còn đối với vua quan thì dù dưới thời Hùng Vương hay thời nào họ đều may mặc bằng loại vải tốt nhất, sang trọng nhất. Đặc biệt, trên phương diện tín ngưỡng và nghệ thuật, trang phục còn được nâng cao hơn đời sống thực tế rất nhiều. Những vị thần được thờ bao giờ cũng có áo mũ hia bốt chỉnh tề bất kể lúc sống hoàn cảnh thế nào. Những nhân vật đưa lên sân khấu thường ăn mặc sang hơn ngoài xã hội.
Chúng ta hãy thử xem, cùng thời với các vua Hùng, người phương Bắc trừ vùng lưu vực sông Hoàng Hà, còn phần lớn vùng cao trồng trọt nương rẫy đời sống không thể bằng người Lạc Việt cấy lúa nước. Nhưng ngày nay bên Trung Quốc làm phim về thời đại đó, từ vua quan binh tướng đến dân thường đều có áo quần lộng lẫy để tự hào về dân tộc họ. Còn mấy nhà làm nghệ thuật của ta thì cứ kéo tụt tổ tiên xuống lạc hậu hoang sơ cởi trần đóng khố sai sự thật quá lớn, không rõ có động cơ gì ? Đã đến lúc cần cấp tốc loại bỏ thứ “văn hóa đóng khố” ra khỏi nhận thức về trang phục thời đại Hùng Vương, vì đó là một sai lầm nguy hại.
Vũ Kim Biên
Ngàn năm khố 1
Hình tượng vũ công trên trống đồng Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam) và trống đồng Văn Sơn (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc). Tác giả bài báo ”mơ mộng” thứ phục sức thể hiện phía dưới hạ thể là hai vạt áo dài, nhưng thực tế thì đó là 2 vạt của cái khố. Từ thời này tới thời có áo dài còn xa khướt.
Ngàn năm khố 2
Tộc người ở ba ảnh trên lần lượt từ trái qua phải : Bahnar, K’Tu, Rade. Tộc người ở cả ba ảnh dưới là người Dayak (Malaysia). Người trong ảnh đầu tiên bên trái là thủ lĩnh bộ tộc.
Ngàn năm khố 3
Hình tượng nam giới Đông Sơn đóng khố trên cán dao găm (lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).
Ngàn năm khố 4
Trái : Lính Giao Chỉ (xứ Đàng Ngoài) vẽ trong tập sách Boxer Codex của Philippines, 1509. Phải : Tranh thời Lê trung hưng (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).
Ngàn năm khố 5
Đám rước kiệu vua (trên) và đám rước linh cữu (dưới) thời Lê trung hưng (dẫn theo sách Ngàn năm áo mũ).
Ngàn năm khố 6
Trên : Lính thời Lê trung hưng thao diễn võ nghệ. Dưới : Hội đấu vật thời Nguyễn.
Trần Quang Đức

...
 ============================
  đăng bởi: hohyhung:
  http://hohyhung.blogspot.com/
 ============================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét