12 thg 8, 2011

Hành trình ngàn năm của chữ Yit-Yue- 越 -Việt:

Yit, chữ Trung Hoa viết 越. Nếu giả thiết của hai tác giả Bình Nguyên Lộc và Nguyên Nguyên đúng, thì hành trình của chữ Yit-Yue-越-Việt dài khoảng 5000 cây số theo đường thẳng, từ Sơn Đông đến mũi Cà Mau, trong gần 5000 năm (13).

越được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách sử của người Trung Hoa, cho thấy họ biết rất rõ Yue là một ý niệm bền bỉ nơi những nuớc hay dân tộc thuộc chủng Yue.

- Yit trong Âu Việt 甌越,tức Tây Âu
- Yit trong Việt Vương Câu Tiễn 越王句踐 có nàng Tây Thi, thời Chiến Quốc, 496-465 TTL
- Yit trong Nam Việt 南越 của Triệu Đà, năm 257 TTL
- Yit trong Mân Việt 閩越
- Yit trong U Việt 於越,
- Yit trong Dương Việt 揚越
- Yit trong Đông Việt 東越
- Yit trong Sơn Việt 山越
- Yit trong Lạc Việt 雒越
- Quốc hiệu Đại Cồ Việt 大句越 của Việt Nam thời nhà Đinh năm 968
- Quốc hiệu Đại Việt 大越 của Việt Nam thời nhà Lý năm 1054,
- Quốc hiệu Việt Nam 越南 thời nhà Nguyễn Gia Long năm 1802.




- Tiếng Quảng Đông vẫn được gọi là Việt ngữ 粵語. Nhưng Việt viết 粵cho thấy người Tàu có hiểu biết rất sâu sắc và phân biệt các tộc Yịt ngày từ thời xưa [?].

Người Mường vẫn nhớ âm ban đầu là Yit, và byua cuả đám Yit này là byua Yit Yàng, mà họ cũng gọi là byua Hùng Wang. Ký ức người Nam bộ từ khi theo công chúa Ngọc Vạn năm 1623 đi mở nước ở miền Nam vẫn lưu giữ chữ Yiệc, Byiệc. Phát âm Yit của Mường và Yiệc của người Nam Bộ chính là một khoen trung gian vô cùng quan trọng nối với mắt xích ban đầu. Khi Yit được các ông nghè ông cống Đàng Ngoài tô son cài hoa thiên lý thành Việt thì họ hoặc ở chốn wê mùa hoặc đã tẩu vô Nam trước đó nên hổng có hay. Sông Pơ Đuông -có nghĩa lúa gạo- biến thành sông Đuống cho thấyYịt biến thành Việt cũng là điều dễ hiểu.

Trường hợp đám phiêu lưu giữ lại âm cổ xảy ra dài dài. Vùng Pensylvania bên Mỹ vẫn còn tiếng Anh cổ. Người Bạch Nga qua Úc đầu thế kỷ 20 vẫn dùng tiếng Nga thời Nga Hoàng.

Âm [v] nơi láng giềng

Cho tới bây giờ tiếng Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên, Indonesia,Thái, cũng không có âm [v]. Tiếng Thái, tiếng Ấn chỉ có âm hơi giống âm [w] trong chữ wind của tiếng Anh. Giống tiếng Việt xưa, tiếng Triều Tiên cũng có rất nhiều âm [b]: bulgogil = bò (thịt), bae = cái bè.

Tiếng Mường, Triều Tiên, Miến Điện, Lào Thái, Khmer, Chàm, Tày-Nùng đều có âm “bờ-yờ” - dưới dạng [p-ỳơ] - với b hay p đọc nhẹ và nhanh. Người miền Trung từ Qui Nhơn-Tuy Hoà trở vô vẫn có âm “bờ-yờ.” Tuy từ điển Chàm và từ điển Taberd không còn ghi âm “bờ-yờ”, nhưng ghi hay không là chuyện của giới khoa bảng, âm “bờ-yờ” vẫn được dân chúng bảo lưu, vì bà con ít khi dòm hành đến từ điển. Nhiều khi các học giả cãi nhau loạn xạ, dân lành vô tội tỉnh bơ, như yụ om sòm về con chim Lạc, về Lạc Vương/Hùng Vương trước 75 ở Saigon. Ít lưu ý đến các đề tài văn hoá/lịch sử không phải dấu hiệu hay, nhất là nơi một dân tộc lúc nào cũng tự hào có bốn ngàn năm văn hiến.

Âm [v] ở trong Nam

Người Byiệt Đàng Trong, nhất là người Nam bộ dù là xứ thuộc địa của Pháp, lại cầm cự lưu giữ được âm w, b-ỳơ.

Thời ông Phan Khôi, có phong trào học abc, “Chữ quốc ngữ chữ nước ta con cái nhà đều phải học”. Ông Phan Khôi xúi phe tóc dài kéo phe húi cua học quốc ngữ theo kiểu Lưu Bình Dương Lễ, nếu chưa thi đỗ thì chưa động phòng “Rồi các cô hẹn nhau, rày về sau, hễ các cậu, cậu nào viết quốc ngữ đúng thì các cô hãy cho bưng trầu rượu đến nhà; còn không, thì đuổi họ đi cho rảnh”.

Mấy cổ đuổi vô hay đuổi ra, ai mà piếc. Nhưng ở miền Nam yụ học chữ abc ngon lành hết piếc như ông Phan Khôi viết “Trong khi ấy thì ngoài Trung, Bắc kỳ, người An Nam ta đương còn nằm sấp xuống, cấn bụng trên ván, duỗi cẳng dài đuột đuột mà viết chữ Hán, từ bậc ông Cống ông Nghè cho đến chú Trùm trong xóm cũng vậy.

Kể cái công tập tành chữ quốc ngữ cho quen và rải rắc nó cho một ngày một rộng ra, ấy là phải kể cho xứ Nam kỳ.

Tôi muốn nói xứ Nam kỳ là thầy dạy quốc ngữ cho cả và dân An Nam, cũng không phải là quá đáng. Độc giả hãy nhớ, xứ Nam kỳ là thầy dạy quốc ngữ cho dân An Nam! “

Ổng nói dạy đây là dạy VIẾT. Nguời miền Nam, thời ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, hay ở chỗ viết vẫn trúng chánh tả. Nhưng vẫn nói giọng Nam bộ, tức giọng Byiệt cổ, trong đó có âm [b-yờ], dù cô Sáu mang thuỷ xoàn mặc quần sa teeng hay chú Ba pán pánh pò pông. Hồi gia đình tôi mới di cư vào Nam 1954, vẫn nghe bà ngoại chòm xóm la om “Úc, mày làm giống gì ngoải, hổng yìa cho em bú, nó nhè ngoại nó đòi byú nè…” Khoảng năm 1980-90, trên một chuyến phà Châu-đốc – Nam-Vang, lẫn trong tiếng võng đưa giữa đám bạn hàng, vẳng tiếng ru em đẫm màu Nam Bộ, rất “đậm đà bản sắc dân tộc” dù có thể bị các học giả biến sắc mặt bắt lỗi “nói”sai… chánh tả:

Đi đâu cho thíp theo cùng
Đói no thíp chiệu lặn lùng thíp cam
Yí yầu tìn có yở yang
Thì cho thíp gọi đò ngang thíp b-yề.
Yí yầu tìn béeng yiêng thề
Thì cho thíp được đền nghì trúc mai

Định mệnh ngoại hạng của Âm [v]

1. Ở từ điển Alexandre de Rhodes, không tìm thấy chữ Việt, Yiệc, hay Byiệc trong các vần V, W, B. Lý do: vào năm 1651, người và nước Việt Nam còn được gọi là An Nam.

2. Đến từ điển Taberd, trào vua Gia Long, mới có chữ Việt Nam=Regnum Anamiticum

3. Tự điển Mường Việt ghi chữ Yịt ở vần D = Dịt. Sử thi truyền khẩu Đẻ Đất Đẻ Nước (9) của người Mường “nói” byua Yịt Yàng. Nhưng khi ký âm abc lại “viết” vua Dịt Dàng. Nếu phát âm chữ Dịt đó theo giọng Bắc như tôi sẽ làm mất khoen nối giữa Yịt - Yiệc - Việt. Thì đừng nói thế hệ sau, ngay thế hệ này đã không hiểu chữ Yịt - Yiệc - Việt có ràng buộc quan trọng tới mức nào.

4. Chữ quốc ngữ phát xuất từ các xứ đạo Đàng Ngoài, nơi vâng lời là một đức, nên đám tân tòng tuyệt đối nghe theo lời chỉ dẫn của các thầy. Dần dần, quốc ngữ abc vượt ra khỏi khuôn viên nhà thờ. Nguời Việt Đàng Ngoài có lẽ quá hâm mộ chữ quốc ngữ abc nên đã

- thẳng tay loại trừ một số âm như: bl, tl, ml, kl, b-ỳơ, w

- tuyệt đối chấp nhận âm [v] coi như tiêu chuẩn

5. Phát âm Nam Bộ trước sau trung thành với tiếng Byiệc. Khi các thầy soạn tự điển Alexandre de Rhodes, không có giọng Nam Bộ dự phần vì chưa có miền Nam. Tuy vậy, chính người Nam Bộ đi tiên phong trong việc dạy chữ abc. Nhưng giọng Nam lại bị các học giả cho là…sai. Và người Nam lâu dần cũng tin tưỏng như thế vì từ ông Phan Khôi và ngay cả ông Bình Nguyên Lộc đều cho là “tiếng Bắc trúng hơn” dù giọng Bắc cũng “nói” sai tùm lum tà la với chữ viết. Ví dụ “nái xe nam neo nên nề nạng qua nạng nại nật nuôn/lái xe lam leo lên lề lạng qua lạng lại lật luôn” .

6. Dư luận vẫn cho rằng giọng Nam Bộ “lẫn t với c, lẫn có g với không g, lẫn dấu ngã với dấu hỏi” hoặc giọng Bắc “sai” khi không phân biệt s/x, ch/tr, n/l, r/d/gi…Đốt cái dư luận ấy đi!

Vì giới ngôn ngữ học hồi đó (và cả bây giờ) không tính tới thành phần hết sức pha trộn của dân Việt, mà sự khác biệt về dấu/giọng phản ảnh sự khác biệt nguồn gốc ban đầu.

Có thể tóm tắt: cho mãi đến khoảng đời nhà Trần, tại xứ Việt cổ không có một chi chủng thuần tuý nào gọi là chi chủng Việt Nam. Tức không có chi nào gọi là chi Việt Nam trong khối Bách Việt. Mà chỉ có hàng trăm chi trong Bách Việt cung cấp các nòi giống khác nhau cho giòng giống Việt, làm thành dân tộc Việt Nam ngày nay. Sách vở chính thức sau 1975 cho rằng có 54 dân tộc trên mảnh đất VN. Điều này cho thấy nguời Việt không phải là một dân tộc thuần chủng như hồi nào tới giờ lầm tưởng. Những dân tộc này cùng có chung một số từ, chứng tỏ thời gian cộng cư.

Ví dụ, chữ “va” (đọc là [Ya]) = thằng chả/gã nọ/anh ta, thời ông Hồ Biểu Chánh vẫn còn rất phổ biến trong Nam. Theo tác giả Nguyên Nguyên :

* phát âm [Ya] hay [bờ ya] hay [ba], giống với Hakka [za], Mã Lai [Dia] hay [Ia], Tagalog [niya], Sinhalese [Eya], và Polynesian [Ia] (11a),
* giọng Nam nói YA vì có gốc Mon-Khmer và Đa Đảo. Giọng Bắc nói VA vì tiếp cận/hợp chủng/hoặc cả hai, với người Hẹ Hakka.
* Người Hakka là nhóm chủ lực ở miền Bắc. Hakka cho cả hai âm [za] và [v]. Âm [v] là âm đặc thù của người Hakka thay cho âm W của người Hoa ở các khu vực phía trong kể cả Bắc Dương Tử (tiếng Bắc Kinh). Vì người Hakka có gốc ở miệt Sơn Đông nên cho đến ngày nay tiếng Tàu ở Sơn Đông vẫn có âm [v] thay cho âm W ở tiếng quan thoại/Bắc Kinh (11b).

============
nguồn: http://mythuat.proboards.com/index.cgi?board=chuy7878n2727900is7888nghngngy&action=print&thread=81

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét