16 thg 3, 2016


Khám Phá Mới Di Truyền Học Về Lịch Sử Con Người Ở Đông Á


Lời nói đầu: Trong bài “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam” của Cung Đình Thanh, đăng trong Tập san Tư Tưởng số 2 đã cho thấy, từ các tư liệu nhân chủng học, khảo cổ học, một bộ phận của con người thời tiền sử ở Việt Nam (hiện nay) đã đi lên hướng Bắc vào địa phận Trung Quốc và đã cống hiến vào nền văn hoá cổ đại Trung Hoa. Xưa kia, giáo sư Joseph Needham, tác giả bộ sách “Science and Civilization in China” đã khẳng định điều đó. Nhưng có rất ít người Việt, ngay cả các nhà sử gia và khảo cổ học trong và ngoài nước, biết và tìm hiểu nghiên cứu xung quanh sự kiện đáng kể trên. Có thể, người Việt đã bao nhiêu thế kỷ chịu ảnh hưởng của văn minh Hán Hoa, ăn sâu vào cá tính và có thái độ cho rằng mình thua kém nên chỉ thu thập văn minh và văn hoá phương Bắc và không tin rằng văn hoá Trung quốc thật sự đã được đóng góp đáng kể từ các dân tộc Bách Việt ở phương Nam.

Bài này được tổng hợp và thu thập từ các cuộc nghiên cứu khoa học gần đây và mới nhất ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỹ 21 về nhân chủng học và nguồn gốc con người ở Đông Á và Đông Nam Á. Bây giờ sự kiện đã rõ về nguồn gốc con người và dân tộc ở Việt Nam, một cái nôi cổ của con người ở Á châu.
Hinh_TDH_tacpham_16611880064
Trong lịch sử của nhiều dân tộc, thỉnh thoảng có những khám phá qua các dữ kiện mới , nhất là ở các thời đại sơ khai mà sử liệu không có hay ghi lại rất ít. Nhiều khi các sự nghiên cứu và hiểu biết với tư liệu và sự kiện mới đã cho thấy một số tư tưởng truyền thống trước đây về nguồn gốc hay văn minh của một dân tộc có nhiều thiếu sót và thậm chí sai lạc. Đâu ai biết ảnh hưởng rộng lớn của đạo Phật, cũng như của hoàng đế Asokha ở Ấn Độ cho đến khi Princep ở thế kỷ 19 đã giải má các bia ký cổ đại phát hiện ở các vùng xa xôi biên cương từ Bắc đến Nam.
Sự tiến bước của nhiều ngành trong khoa học cũng đã được sử dụng (như dùng Carbon 14 để định tuổi,..) và đóng góp cho sự tìm hiểu và phát hiện mới trong lịch sử, mở rộng thêm kiến thức về sự phát triển hay tiến hóa văn hoá, văn minh của một dân tộc.
Di truyền và kỷ thuật sinh học hiện nay đang tiến mau lẹ với những khám phá hầu hết bộ mã di truyền người (genome), từ đó truy căn ra nguồn gốc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, bẩm sinh.. Người ta nói thế kỷ 21 là thế kỷ của kỷ nghệ thông tin và kỷ nghệ sinh học.
Có thể nói các vật chất như dữ liệu, bia ký, sử sách.. qua thời gian sẽ hao mòn biến đổi, thất lạc hay biến đổi theo cách suy nghĩ của mổi thời đại, nhưng trong con người vẫn còn tìm tàng tồn trữ các mấu chốt của gene truyền từ thế hệ này qua các thế hệ khác. Sự phân phối (và biến dạng) của các gene ở các vùng địa lý khác nhau cũng cho ta thấy các kết quả của sự di dân trong từng chặng lịch sử.
Giáo sư Geoffrey Chambers, một khoa học gia ở Đại học Victoria, Tân Tây Lan, trong năm 1998, đã chứng minh bằng di truyền qua các nghiên cứu về sự liên hệ của các giống dân ở các đảo từ Tân Tây Lan đến Phi Luật Tân, Nam Dương, các đảo ở Tây Polynesia và Đài Loan, để kết luận rằng người Maori ở Tân Tây Lan đã xuất phá từ tận Đài Loan đã di dân bằng thuyền từ bao thế kỷ trước(3). Hiện nay người thổ dân Đài Loan (thuộc chủng Malayo-Polynesian), mặc dầu là thiểu số, vẫn còn giữ các phong tục cổ xưa. Đầu năm 2000, đăng trong tạp chí Nature (11), các nhà khoa học về di truyền ở Ái Nhĩ Lan (Ireland) đã có những khám phá về nguồn gốc cổ đại con người ở Ireland qua sự nghiên cứu di truyền của các dân Ireland ở miền cực Tây Ireland. Họ cho thấy rằng những người đầu tiên ở Ireland đi từ bắc Tây Ban Nha, vùng xứ Basque, cách đây khoảng 10,000 năm khi thời cuối băng hà (Ice Age) chấm dứt.
Về sự liên hệ tổng quát của các chủng tộc và nguồn gốc của các giống dân, giáo sư Cavalli-Sforza là nhà di truyền học đã có nhiều nghiên cứu sâu rộng nhất. Sự tìm hiểu nghiên cứu về sự liên hệ di truyền của các chủng tộc do các nhà nghiên cứu , Cavalli-Sforza và Lin, thực hiện gần đây (5)(7) đã cho thấy sự di dân của con người từ Phi châu đến Á châu qua Nam Á. Rồi từ đấy có hai nhánh đi khác nhau: một đi lên Đông Á và Bắc Mỹ và một đi xuống Châu Đại Dương.
Vừa đây trong ngành di truyền học, có những nghiên cứu về sự liên hệ qua di truyền của các nhóm người ở Trung quốc để tìm hiểu sự đa dạng và nguồn gốc của các giống dân. Bài nghiên cứu này phân tách rõ hơn quá trình di dân của con người homo sapiens sapiens ở vùng Đông Nam Á và Đông Á sau khi đã di từ Phi châu.
Trong bài nghiên cứu của ông Chu, J.Y và đồng nghiệp đăng trong tạp chí Hàn Lâm Quốc gia (Mỹ) (1), ông đã dùng 28 nhóm bộ mẫu di truyền người từ các tỉnh khác nhau ở Trung Quốc. Mỗi nhóm mẫu này ông dùng khoảng 15 đến 30 vi vệ tinh (microstatellites). Vi vệ tinh là những khúc di truyền DNA ngắn, nằm khắp trong hệ di truyền người (genome), thường được dùng trong phân tích nghiên cứu tiến hóa, vì các vi vệ tinh này có rất nhiều, dễ dùng và chúng được truyền lại theo hệ lý thuyết Mendelian.
Theo thống kê Trung Quốc, thì có chính thức 56 dân tộc khác nhau ở Trung quốc, với người Hán là đông nhất (1.1 tỉ) và 100 triệu các giống dân khác trong đó gần phân nữa sống ở vùng Vân Nam. Người Bắc Hoa và người Nam Hoa, mà biên giới thuận tiên và thông thường được coi như là vùng ở giữa sông Hoàng Hà và Dương Tử, ta đã biết từ trước là khác nhau về di truyền qua các nhóm máu và các dấu (marker) protein nhiều hình thái (polymorphism). Người Bắc Hoa thường cao hơn và mắt nhỏ trong khi người Nam Hoa gần gủi với các loại người phía Đông Nam Á.
Ông Chu và đồng nghiệp dùng 4 nhóm Hán và 24 nhóm thiểu số, ông cũng thử các mẫu di truyền từ 4 người Đông Á, 2 người thổ dân Mỹ da đỏ, 1 người thổ dân Úc, 1 Tân Guinea, 4 người Caucasoid, và 3 người Phi với cùng tập hợp (set) vi vệ tinh, như là các nhóm chuẩn đối chứng (control population). Họ tổng kết sự khác biệt về gene qua hai cây hệ di truyền (phylogenetic)
Cấu trúc chính của cây giống như các kết quả trước đây dùng các phương pháp cổ điển không dùng phương pháp dấu DNA. Gốc của cây, phân chia theo khoảng cách di truyền, tẻ đôi ra hai nhánh người Phi và không Phi, và tất cả các giống dân Đông Á tập chung trong một cụm nhóm (cluster). Các láng giềng di truyền gần nhất của nhóm Đông Á là người da đỏ Mỹ châu, sau đó là thổ dân Úc và Tân Guinea. Những kết quả này phù hợp với thời điểm định cư của người ở Úc (từ 60,000 đến 50,000 ngàn năm trước đây) và ở Mỹ (từ 30,000 đến 15,000 năm cách đây).
Các mẩu (sample) di truyền từ nhóm Nam Trung Quốc được phân loại thống kê trong 3 nhóm nhỏ, gọi là nhóm S1, S2 và S3. Các nhóm này khác nhau về số lượng các dân tộc thiểu số ở vùng Vân Nam trong mổi nhóm và khác về sự phân phối ngôn ngữ giữa các nhóm. Đặc biệt chỉ có một nhóm dân nói tiếng Hán Hoa từ tỉnh Hồ Nam (Henan) là nằm trong nhóm nhỏ S2.
Các mẩu của những người từ phía bắc Trung Quốc trong nghiên cứu này được phân loại thống kê vào hai cụm nhóm nhỏ, gọi là N1 và N2. Nhóm N1 gồm 6 mẩu của người nói tiếng Altaic , một mẩu Hán ở phía Bắc Trung Quốc và một mẩu Hán từ Vân Nam. Nhóm N2, gồm các mẩu của 4 dân tộc thiểu số (trong đó chỉ có một dân tộc thiểu số từ tỉnh Ninxia nói tiếng Hoa), là đã được biết rõ từ xưa theo lịch sử là có nguồn gốc từ Bắc Đông Á. Kết quả không ngờ trong phân tích thống kê khoảng cách di truyền thì nhóm N2 này gần gủi trên cây di truyền với nhóm phía Nam S2. Ông Chu và đồng nghiệp cho rằng có thể những người trong nhóm N2 đã hợp chủng với những giống dân ở phía Nam.
Chúng ta có thể học được và rút ra những điều gì qua công trình nghiên cứu của ông Chu và các đồng nghiệp?. Nhất là về nguồn gốc của con người ở Bắc Đông Á và Nam đông Á. Vấn đề nguồn gốc này đã là đề tài nghiên cứu, tranh luận va bàn cải trong nhiều năm trước đây và hiện nay. Giáo sư Piazza ở Đại học Torino, Ý, đã dùng kết quả nghiên cứu của nhóm ông Chu để đưa ra nhận xét và làm sáng tỏ những khúc mắc về các vấn đề trên (2). Về nguồn gốc của con người Trung quốc qua các cuộc khảo cứu của các học giả trước đây, có thể tóm tắt được bằng 3 mô hình.
Mô hình thứ nhất giả thuyết rằng nguồn gốc của dân Hoa Nam là từ dân cư ở phía Đông Bắc Hoa di dân về phía Nam, sau đó hợp chủng với người Australoid (thổ dân Úc và người Papuan) trước đó đã đến định cư ở vùng Đông Nam Á. Sự hợp chủng này (theo giả thuyết là cách đây khoảng 30,000 đến 50,000 năm trước đây) tạo ra các dân tộc ở phía Nam Trung Quốc.
Mô hình thứ hai cho rằng dân cư ở Bắc Trung quốc là hậu duệ của dân từ phía Nam đi lên. Và mô hình thứ ba cho rằng cả hai giống người ở Hoa Bắc và Hoa Nam tiến hóa và phát triển độc lập với nhau từ cuối thời kỳ Pleistocen (khoảng hơn 10,000 năm trước đây).
Những mô hình này có thể tương ứng với nhau, tuỳ theo góc độ xem xét thời gian. Mô hình thứ nhất phù hợp với bản đồ ngôn ngữ ở Trung Quốc. Chúng ta có thể luận ra theo mô hình này là ở Bắc Trung Quốc trước đó đã được định cư bởi người nói tiếng Hoa và những ngôn ngữ thuộc hệ Hán-Tạng, trong khi đó các vùng ở Hoa Nam được định cư bởi các người nói tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Austro-Asiatic, Austranesian, Mèo – Dao và Thái. Sau đó, hệ ngôn ngữ Hán-Tạng (trong thời nhà Chu, cách đây khoảng 3,000 năm) thay thế lần lần hầu hết các ngôn ngữ khác ở Hoa Nam, theo một quy trình tiến hành giống như quy trình phân tán của các tộc nói tiếng Ấn-Âu qua châu Âu.
Mô hình thứ ba phù hợp với tư liệu khảo cổ, là có ít nhất 3 trung tâm độc lập mà nông nghiệp và văn hoá thời đá mới xuất hiện ở Trung Quốc. Những vùng này là một ở phiá Bắc (văn hóa Dương-Shao, trung lưu sông Hoàng Hồ, cách đây khoảng 8,000 năm) với các gia súc lợn, chó và mể cốc (millet) là thức ăn chính. Vùng thứ hai, ở dọc bờ biển phía Nam, kể cả Đài Loan (văn hóa Ta-Pen-Keng, cũng khoảng 8,000 năm trước đây), mà sản phẩm chính là lúa gạo. Và vùng phía hạ lưu sông Dương Tử (văn hoá Qing-Lien-Kang, khoảng 1,000 năm sau 2 vùng trên), mà lúa gạo được canh tác và lợn, chó được gia súc hóa. Có điều thú vị là sự phân phối địa lý của các nền văn hóa đá mới này trùng với sự phân phối điạ lý của các họ gốc Hán ngày nay. Họ của người Hán Hoa , chỉ truyền theo dòng cha, rất tiện lợi và hiệu quả để làm dấu di truyền. Ở Trung Quốc, họ đã có từ thời nhà Hạ (khoảng 2100-1600BC), và hầu hết đã có trước những biến động xâm lăng từ phương Bắc sau đó.
Sau cùng, mô hình thứ hai phù hợp với các dữ kiện di truyền từ kết quả nghiên cứu của ông Chu và đồng nghiệp. Các dữ kiện khác về di truyền, cũng như từ răng, sọ của người cổ cũng ủng hộ mô hình thứ hai này (mặc dù chúng cũng không trái với mô hình thứ ba). Sự khác biệt có thể giải thích là khung thời gian mà 2 mô hình được mang ra áp dụng.
Kết quả nghiên cứu của ông Chu là con người ở Đông Á là do di dân đến từ Đông Nam Á (sau đó lên Bắc Á, Mỹ) và một phần nhỏ từ Âu và Trung Á đến. Hình 1 tóm tắt các cuộc di dân đến Đông Á. Chúng ta cũng biết là một trong những cái nôi cổ của con người ở Đông Nam Á là di tích ở Hoà Bình. Vậy thì rất có căn cứ và cơ sở là người Hoà Bình đã di dân về phương Bắc và là một thuỷ tổ của con người ở Đông Á (Bắc và Nam Trung quốc).
Ông Chu và đồng nghiệp sau đó cũng kết luận là “nguồn gốc con người khởi từ Phi Châu đã cấu tạo nên phần lớn số lượng di truyền của con người ở Đông Á”.
“.. Từ hai cây hệ di truyền với các tâm điểm và giống dân khác nhau, các giống dân từ Đông Á luôn luôn truy ra từ một nguồn gốc chung duy nhất, chứng tỏ có một thuỷ tổ chung.
Điều này không có loại ra khả năng có một nguồn gốc con người ở Đông Á độc lập với con người ở nơi khác, tuy nhiên trong sự nghiên cứu này của chúng tôi không phát hiên hay nhận thấy sự cống hiến về di truyền của giống dân ở Đông Á cho các giống dân quanh vùng. Vì thế có thể an toàn mà kết luận lànguồn gốc con người hiện đại xuất phát từ Phi Châu, đã cấu tạo nên phần lớn trong hệ di truyền của con người ở Đông Á. Một cây hệ di truyền với cấu tạo rất khác sẽ được cấu tạo nếu giả thuyết nguồn gốc độc lập (với vùng khác) của con người ở Đông Á cống hiến lớn lao trong hệ di truyền của các dân tộc ở Á châu hiện nay. Bởi vì phương pháp dùng trong nghiên cứu này chỉ có thể phát hiện ra những cống hiến lớn (major contribution) về di truyền từ các nguồn chỉ định. Có thể sự phân tách dựa vào haplotype sẽ phát hiện ra những cống hiến nhỏ (minor contribution) từ nguồn gốc con người độc lập ở Đông Á “
Điều này cho thấy sự sai lầm của giả thuyết mà các học giả trước đây ở Trung Quốc cho rằng con người ở Đông Á tiến hóa độc lập với các nơi khác, bắt đầu từ Homo erectus đến con người hiện nay (Homo sapiens sapiens) (9). Họ dựa vào thuyết tiến hoá đa địa phương (multiregional evolution).
Thuyết này cho rằng con người tiến hoá độc lập với nhau ở các vùng địa phương khác nhau. Thuyết này gần đây đã được cho thấy là sai lạc trong các nghiên cứu nhân chủng và di truyền (6). Trong bài nghiên cứu của ông Krings và đồng nghiệp về người cổ Neandertal ở Âu châu và con người hiện nay cho thấy các chuổi DNA mitochondial của hai giống người này đều khác nhau. Ông Krings kết luận rằng người Neandertal đã tuyệt chủng và không có đóng góp vào hệ di truyền của con người hiện nay. Con người ở Âu châu hiện nay không phải là hậu duệ của người Neandertal. Kết quả này cũng vừa được kiểm chứng bởi nghiên cứu di truyền ở mẫu người cổ Neanderthal vùng bắc Caucasus do ông Ovchinnikov và đồng nghiệp vừa công bố (12)(13).
Từ cây di truyền trong công trình nghiên cứu của ông Chu, ta có thể giải thích thích đáng nhất là thuỷ tổ của những người nói tiếng Altaic (Buryat, Yakut, Uyghur, Mãn Châu, Hán, Đại Hàn và Nhật) ở Đông Á và Bắc Trung Quốc là cư dân đi từ Đông Nam Á hơn là từ Trung Á. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây của Cavalli-Sforza về sự di dân từ Phi châu qua Á Châu và Đông Á (7).
Ngoài sự khác nhau rõ ràng về di truyền của người Hoa bắc và Hoa Nam. Sau đây là một phần kết luận của bài nghiên cứu của ông Chu và đồng nghiệp:
Vì thế, có nhiều cơ sở cho thấy rằng tổ tiên của những dân cư nói tiếng Altaic bắt nguồn từ nhóm dân cư ở Đông Á đã đến trước đây từ Đông Nam Á, mặc dầu không thể chối cải là các dân tộc nói tiếng Altaic hiện nay đã hợp chủng với những dân cư tới muộn hơn từ Trung Á và Âu châu (xem hình 1, những mủi tên nhỏ đậm). Khả năng sự di dân trước hơn nữa ở phía Bắc từ Trung Á đến Tây bá lợi Á (Siberia) và Đông Á thì rất hoài nghi vì thời kỳ hậu băng hà chỉ bắt đầu lùi đi cách đây chỉ 15,000 năm (xem hình 1, mũi tên gạch chấm).
Kết luận này có thể kiểm chứng bằng cách dùng một logic qui nạp (inductive) giản tiện. Nếu thuỷ tổ những người nói tiếng Altaic là từ phương Bắc thì sự liên hệ di truyền của các giống dân trong vùng được thể hiện theo cây hệ di truyền trình bày ở cuối hình 2. Cây hệ di truyền từ cuộc nghiên cứu này của chúng tôi rõ ràng phù hợp với cây hệ di truyền trình bày ở phía trên hình 2. Trong sự phân tích này, giống dân Altaic được đại diện bởi người Buryat và Yakut. Những giống dân Nam Trung quốc (Nam Hoa) là những dân tộc từ vùng Vân Nam và Đài Loan đã không có hợp chủng với các dân cư Altaic. Giống dân từ vùng Trung Đông không có được trong nghiên cứu này.
Bây giờ chúng ta đã thiết lập có cơ sở là dân cư ở Đông Á đã có các sự cống hiến di truyền từ các nguồn: Đông Nam Á, Altaic from Đông Bắc Á, và Trung Á (hay Âu châu). Sẽ rất là thú vị nếu tính được thành phần cống hiến từ các nguồn trên. Tiếc rằng trong sự nghiên cứu này chỉ gồm đa số là các dân tộc thiểu số. Một nghiên cứu sau này bao gồm tất cả giống dân trên toàn cỏi đất nước (Trung Hoa) là cần thiết để biết được hình ảnh về thành phần cống hiến của mổi nguồn là bao nhiêu phần trăm. “Công trình nghiên cứu vừa đây của ông Chu là một bước tiến lớn trong sự hiểu biết về sinh học và văn hóa ở một nơi quan trọng trên thế giới hiện nay. Tiếp tục công trình nghiên cứu của ông Chu, trong năm qua (1999), ông Li Yin ở Đại học Standford (5) đã nghiên cứu vùng di truyền ở chromosome 21 ở người và khám phá ra là đúng ra có ít nhất 3 đợt di cư dân từ châu Phi thời tiền sử. Đợt đầu tiên từ Phi châu đến Nam Á và sau đó Châu Đại Dương. Đợt hai từ Phi đến Đông Nam Á (qua Nam Á), ròi từ ấy chia ra hai hướng đi lên Đông Á và Bắc Mỹ và đi xuống Châu Đại Dương. Đợt ba từ Phi châu đến Tây và Trung Á rồi đi lên Âu châu, Bắc Mỹ và đi xuống Nam Á Ấn độ.
Đầu năm 2000, ông Walter và đồng nghiệp (14) đã khám phá ra các dụng cụ đồ đá cách đây khoảng 125,000 năm ở sân san hô trồi từ biển Đỏ dọc bờ biển Eritrea. Điều này chứng tỏ người xưa từ Phi Châu đã bắt đầu thích hợp với môi trường biển trong giai đoạn đó, và bắt đầu di dân dọc theo bờ biển đến Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á.
Ông Su, Xiao và đồng nghiệp (15) đã công bố kết quả trong nghiên cứu về các điểm mốc gene ở Y-chromosome của các dân ở Đông Á và Đông Nam Á. Kết quả cho thấy các gene ở Đông Nam Á rất đa dạng và nhiều biến đổi (polymorphic) hơn ở các giống dân khác ở bắc Đông Á. Điều này chứng tỏ con người đã định cư tại Đông Nam Á trong thời Băng Hà trước khi di dân lên hướng Bắc. Theo ông Oppenheimer (16) thì trong thời kỳ Băng Hà, trước khi mực nước biển bắt đầu tăng lên cách đây khoảng 20,000 năm, Đông Nam Á nối liền với Indonesia và Úc châu hiện nay. Từ Đông Nam Á, con người cũng đi xuống Úc châu.
Từ thời Băng Hà đến nay, mực biển đã lên đến hơn 100m. Kiểm chứng theo hình chụp từ vệ tinh cho thấy thềm lục địa ở độ sâu 100m dưới mực biển hiện nay trãi rộng toàn bộ biển Đông Việt Nam và nối với các đảo ở Indonesia và Úc châu (xem hình 3 dưới đây).
Hiện nay chưa có nghiên cứu di truyền học nào về các dân tộc tại Việt Nam. Dĩ nhiên sẽ có những khám phá lý thú về sự liên hệ giữa người Việt, Mường, Tày, Nùng, Thái, Chàm. Đó là chưa kể đến những sự kiện ta có thể khám phá về các cuộc di dân ở các vùng trong nước Việt từ nhiều thế kỷ trước qua nhiều đợt di dân xuống phía Nam. Cũng như sự liên hệ di truyền giữa các vùng địa phương ở Việt Nam.
Chúng ta có thể nghiên cứu với kỷ thuật di truyền hiện đại về sự liên hệ giữa các người cổ phát hiện được ở Việt Nam từ văn hoá Hoà Bình, thời đại đá củ, đá mới, và kim khí với con người Việt hiện nay cũng như với các sắc dân khác trong khu vực Đông Nam Á và Trung Hoa. Những khám phá về sự liên hệ trên sẽ giải đáp nhiều khúc mắc hiện nay trong dân tộc học, ngôn ngữ học.
Hiện nay chỉ một số ít công trình nghiên cứu của các nhà di truyền học Việt nam cộng tác với phòng thí nghiệm ở Âu châu (Pháp) so sánh di truyền giữa người Kinh Việt nam và một số dân Á châu đã được công bố (17)(18)(19). Đây là một bước tiến đầu tiên trong ngành di truyền học Việt Nam.
Phụ lục về di truyền học ở Trung quốc
Các cư dân sống ở những vùng xa, hẻo lánh hoặc các nơi cô lập ít có tiếp xúc với các giống dân khác là những cơ sở rất tốt và quý giá trong việc tìm hiểu nghiên cứu di truyền vì họ vẫn còn giữ gìn được các căn di truyền chính mà không bị mất hay loãng đi qua hợp chủng với các giống dân khác. Các nước như Iceland, Phần Lan là những “kho dữ liệu” di truyền quý giá mà các nhà khoa học gần đây đã để ý tới và nghiên cứu về sự tiến hóa và các căn bệnh.
Vì các điều kiện địa lý cũng như lịch sử, Trung Quốc cũng có nhiều dân tộc thiểu số sống cô lập ở nhiều vùng hẻo lánh từ Tân Cương đến Vân Nam. Các công ty dược phẩm phương Tây bắt đầu chú ý tới các nghiên cứu về di truyền người và bệnh ở Trung Quốc.
Hai trung tâm nghiên cứu về Dự án toàn bộ hệ di truyền người (Human Genome Project) gần đây đã được chính phủ thành lập ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Một trong những chương trình đang thực hiện là bảo toàn các mẩu di truyền (it’ nhất là 50 mẩu) cho mổi dân tộc thiểu số cũng như các nhóm Hán ở Bắc lẫn Nam. Đa số việc thực hiện của chương trình nghiên cứu này là tập trung ở phía Tây Nam của tỉnh Vân Nam. Thủ phủ Côn Minh, nơi có 25 dân tộc thiểu số sinh sống, trở thành trung tâm thử nghiệm lấy mẩu qua Viện Y Sinh học, trực thuộc Hàn Lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc.
Trong hai năm vừa qua, chương trình đã thu nhập và bảo toàn nhanh chóng nhiều mẩu di truyền người vì người ta biết rằng hiện nay Trung Quốc tiến nhanh về kinh tế và phát triển. Do đó chẳng bao lâu các nhóm cư dân sẽ lưu động phân tán và qua hôn nhân với các nhóm dân khác sẽ mất đi các nét di truyền đặc biệt. “Cửa sổ cơ hội” vì thế dần dần sẽ biến mất.
Kể từ khi Trung Quốc mở cửa ra bên ngoài từ năm 1979, ngành di truyền học ở Trung Quốc đã đi được một bước dài . Từ từ Trung Quốc đã bỏ đi được di sản của lý thuyết Lysenko chống lại khoa học thực nghiệm di truyền Mendel. Di sản Lysenko đã làm lụn bại nền khoa học di truyền ở nhiều nước Xã hội Chủ nghĩa từ thập niên 50 đến 80. Hiện nay Trung Quốc đã thấy được di truyền học và công nghệ sinh học (biotechnology) là ngành kỷ nghệ có tầm vóc chiến lược trong lãnh vực dược phẩm, canh nông, y khoa nên đã hổ trợ thiết lập các viện, trung tâm nghiên cứu.
Gần đây chính phủ đã ra luật và điều lệ nghiêm ngặt về các công trình nghiên cứu hợp tác giữa trong nước và nước ngoài liên quan về di truyền học. Sự chấp thuận được gắn liền với các điều kiện là sự phân chia tiền bản quyền hay lợi nhuận từ các bằng sáng chế qua các công trình nghiên cứu chung. Vì thấy khả năng thương mại sau này của các công ty công nghệ sinh học trên thị trường nội địa và thế giới , nên chính phủ đã khuyến khích hổ trợ thành lập các công ty khởi đầu như ở phương Tây để tiên phong khai thác thị trường mới này. Hiện nay các công ty phương Tây đã mở dịch vụ công nghệ sinh học và cung cấp thiết bị cho các cơ sở và phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Tham khảo
(1) Chu, J. Y. et al, Genetic relationship of populations in China, Proc. Natl. Acad. Sci, USA 95, 11763-11768 (1998)
(2) Piazza, A., Human evolution: Towards a genetic history of China, Nature Hot Topics Asia, Vol. 395, Nọ 6703, 15 Oct. 1998.
(3) Sydney Morning Herald, “Maori ancestors traced to Taiwan”, 11 August 1998.
(4) Dickson, D., Back on track: the rebirth of human genetics in China, Nature Hot Topics, Vol. 396, No 6709, 26 Nov. 1998
(5) Li Yin, et al., Distribution of haplotypes from a chromosome 21 region distinguishes multiple prehistoric human migrations, Proc. of Natl. Acad. Sci., USA, vol 96, pp. 3796-3800 (1999)
(6) Krings M et al., Neandertal DNA sequences and the origins of modern humans, Cell, Vol. 90, pp. 19-30 (1997)
(7) Cavalli-Sforza, L. Genes, people and languages, Proc. Natl. Acad. Science,
USA, vol. 94, pp. 7719-7724 (1997)
(8) Cavalli-Sforza, L. The Chinese Human Genome Diversity Project, Proc. Natl. Acad. Science, USA, vol 95, p. 11501-11503 (1998)
(9) Wang, L. Acta Anthopol. Sin., 5, pp. 243-258, 1986
(10) New York Times, Science shows Y the Irish are from Spain, 22 March 2000.
(11) Hill, Ẹ et al., Y-Chromosome variation and Irish origins, Nature, Vol. 404, p. 351-352, 23/3/2000.
(12) Ovchinnikov I. G et al., Molecular analysis of Neanderthal DNA from the northern Caucasus, Nature, Vol. 404, p.490-493, 2000.
(13) Hoss, M. Ancient DNA: Neanderthal population genetics. Nature, vol. 404, p. 453-454, 2000
(14) Walter, R. et al. Early human occupation of the Red Sea coast of Eritrea during the last interglacial. Nature, Vol. 405, p. 65-69, 2000.
(15) Su, B., Xiao J., Underhill P., et al. Y-Chrmosome evidence for a westward migration of modern humans into Eastern Asia during the last Ice Agẹ, American Journal of Human Genetics 199, Dec.;65(6):1718-1724.
(16) Oppenheimer, S., Eden in the East, the drowned continent of Southeast Asia, Phoenix, 1998.
(17) Vu-Trieu, A., Djoulah S., Tran Thi C. et al, HLADDR and DQB1 DNA polymorphism in a Vietnamese Kinh population from Hanoi, European Journal of Immunogenetics, 1997 Oct.;24(5):345-356
(18) Ivanova R., Astrinidis A., Lepage V. et al., Mitochondrial DNA polymorphism in the Vietnamese population, European Journal of Immunogenetics, 1999 Dec.;26(6):417-422
(19) Ballinger, S.W., Schurr T.G., Torroni A. et al, Southeast Asian mitochondrial DNA analysis reveals genetic continuity of ancient mongoloid migrations, Genetics 1992 Jan.;30(1):139-152
Hình 1 – Giả thuyết về những con đường di dân đến Đông Á
Hình 2 – Sự liên hệ trên cây di truyền dưới hai giả thuyết khác nhau
Hình 3 – Ảnh vệ tinh vùng Đông Nam Á dưới độ sâu 100m của thềm lục địa
Nguyễn Đức Hiệp


(st) theo http://www.sggdpost.com/
...
 ============================
  đăng bởi: hohyhung:
  http://hohyhung.blogspot.com/
 ============================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét