27 thg 2, 2013

Tên riêng nước ngoài nên viết nguyên dạng hay phiên âm?


Tên riêng nước ngoài nên viết nguyên dạng hay phiên âm?
Giáo sư Hoàng Phê

Cách đây hơn 20 năm, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ" do Viện Ngôn ngữ học tổ chức, năm 1979, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã từng lưu ý: "Trong công việc này chúng ta phải kiên trì. Nếu cần tranh luận thì nên tranh luận rộng rãi và đến nơi đến chốn... Phải tranh luận đến lúc đúng sai thật rõ rệt. Nếu chưa được thì ta còn chờ, không vội. Cuối cùng, cuộc sống, nhân dân sẽ quyết định. Không nên vội, chớ vội, việc gì phải vội!... Có những cái, những hiện tượng mà cuộc sống có cái lý của nó để quyết định và khi mà cuộc sống, thời gian, nhân dân đã quyết định, thì đó là sự phán quyết cuối cùng". Những lời trên đến bây giờ vẫn giữ nguyên tính thời sự khi vận dụng vào vấn đề viết tên riêng nước ngoài.

Không có lý nào chúng ta lại làm khác thiên hạ

Viết tên riêng nước ngoài như thế nào là một vấn đề được nhiều người quan tâm và vấn đề không phải là mới. Tựu trung, có hai quan điểm, hai chủ trương đối lập: lấy âm là chính và lấy chữ viết là chính.
Đúng là tiếng nói có trước, chữ viết có sau, nhưng phải sau khi có chữ viết thì mới có ngôn ngữ văn hóa. Mà ngôn ngữ chúng ta nói ở đây là ngôn ngữ văn hóa. Với ngôn ngữ văn hóa thì chữ viết là chính, chính tả là chính, chứ không phải phát âm. Thử hình dung nếu dựa trên phát âm mà Nguyễn Trãi, sách báo miền bắc viết Nguyễn Chãi, sách báo miền nam viết Nguyểng Trải, thì còn gì là tiếng Việt văn hóa? Cho nên yêu cầu thống nhất chính tả là chính. Trên phạm vi quốc tế, ở thời đại ngày nay, cũng có yêu cầu nhất trí hóa tối đa cách viết nhân danh, địa danh ở dạng chính tả bằng chữ cái La-tinh. Từ mấy chục năm nay, Liên hợp quốc đã thành lập những tổ chức gọi là những Nhóm chuyên gia về địa danh cho toàn thế giới và cho từng khu vực địa lý - ngôn ngữ lớn, đã có nhiều hội nghị quốc tế về vấn đề nhất trí hóa tối đa cách viết bằng chữ cái La-tinh địa danh của tất cả các nước. Chúng ta có một thuận lợi rất lớn là chữ Việt dùng chữ cái La-tinh. Đã là tên riêng thì không thể có sự tùy tiện thay đổi cách viết, mà phải tôn trọng chính tả, dù chính tả đó có gì "không bình thường", như Ngụy Như Kontum, Hồ Dzếnh. Cho nên, tên riêng của chúng ta, các ngôn ngữ có chữ viết bằng chữ cái La-tinh trên thế giới thảy đều ghi như trong tiếng Việt, thường chỉ bỏ dấu gạch trên chữ Đ và các dấu thanh, thí dụ viết Nguyen Du, chứ không viết N'guyen Zou. Không có lý nào chúng ta lại làm khác thiên hạ, trong khi người ta coi trọng tên riêng của chúng ta thì chúng ta lại không coi trọng tên riêng của người ta, tùy tiện phiên âm, làm méo mó đi? Ngay trong nước ta, bên cạnh tiếng Việt, còn có ngôn ngữ các dân tộc thiểu số anh em, chúng ta cũng phải tôn trọng cách viết tên riêng của các ngôn ngữ này và đó cũng là nguyện vọng của các dân tộc. Mấy năm trước đây, trong bản thông báo chính thức "Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X" đã ghi tên các địa phương Đăk Lăk, Đăk Glei, Pleiku... và tên các vị trúng cử: Kbang, Chư Păk, Ayun Pa, A Nũk... Điều đó phản ánh một quan điểm đúng đắn về vấn đề này.

Không có vấn đề làm mất bản sắc tiếng Việt
Nhưng phải chăng có dùng chữ viết của tiếng Việt phiên âm thì mới Việt hóa được tên riêng nước ngoài, để giữ gìn bản sắc của tiếng Việt? Trước đây gần 20 năm, điều băn khoăn này đã được cố Giáo sư Phạm Huy Thông giải đáp rất rõ (Những đoạn trích của Phạm Huy Thông đều theo nguyên văn trong Về hai vấn đề chính tả hiện nay trong việc quy định chính tả, sách Chuẩn hóa chính tả và thuật ngữ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1983, tr.51-68): Không nên "nghĩ rằng phiên âm tên riêng nước ngoài là dân tộc hóa và không phiên âm là rời xa phương châm lấy tính dân tộc làm trọng. Phiên âm là để dễ đọc, chứ không phải để dân tộc hóa. Dễ đọc, nhưng làm giảm sức thông tin, trong khi đối với loại từ ngữ này không có yêu cầu dân tộc hóa. Thậm chí có thể coi dân tộc hóa là không có nghĩa", bởi vì về thực chất "tên riêng nước ngoài... thuộc phạm trù những ký hiệu quốc tế hơn là phạm trù những từ ngữ trong ngôn ngữ dân tộc", những ký hiệu này về thực chất không khác những ký hiệu viết thống nhất trong mọi ngôn ngữ, như "các dấu câu: phẩy, chấm..., những chữ cái Hy Lạp: a (alpha), p (pi)..., những ký hiệu toán học: x (nhân), > (lớn hơn)...", "đây không phải là một bộ phận của tiếng Việt để đòi hỏi phải có sắc thái dân tộc", phải được dân tộc hóa. Chủ trương phiên âm "có tham vọng dân tộc hóa những từ ngữ vốn không phải Việt... Tiếc rằng vì phá vỡ hệ thống chữ quốc ngữ..., chủ trương phiên âm là để tránh lai căng, mà thực tế lại chính do phiên âm làm cho lai căng chữ Việt". Những ý kiến rất đúng và sắc sảo của Giáo sư Phạm Huy Thông rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Tên riêng nước ngoài có dạng chính tả căn bản thống nhất trong các ngôn ngữ có chữ viết bằng chữ cái La-tinh, như các tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha... nhưng không phải vì vậy mà các ngôn ngữ này mất bản sắc của mình. Đối với tiếng Việt cũng vậy, ở đây không có vấn đề gọi là "lạm dụng từ ngữ nước ngoài", làm mất bản sắc của tiếng Việt". Cần đánh giá đúng tiếng Việt hiện đại.Từ hơn nửa thế kỷ nay, nó phát triển mạnh mẽ và lành mạnh; ngày nay có thể dùng tiếng Việt không mấy khó khăn trong tất cả các ngành văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Một ngôn ngữ chỉ mất bản sắc của nó khi cộng đồng sử dụng nó dùng những từ ngữ lai căng, hoặc với những quy tắc cú pháp lai căng. Việc dùng tên riêng nước ngoài là một vấn đề hoàn toàn khác; ở đây tuyệt nhiên không có vấn đề dùng tiếng nước ngoài thay cho tiếng Việt hoặc lạm dụng từ nước ngoài, làm mất bản sắc của tiếng Việt.

Không vì coi trọng yêu cầu này mà coi thường yêu cầu kia
Có thể nghĩ rằng chỉ có phiên âm thì mới tạo điều kiện cho "đông đảo người dân Việt Nam có thể tiếp nhận được thông tin". Giáo sư Phạm Huy Thông cũng thừa nhận "đúng là đọc nhớ, viết tên riêng nước ngoài theo nguyên dạng là khó, đối với quần chúng hiện nay ít biết ngoại ngữ", nhưng ông viết tiếp: "Thế nhưng quần chúng ta mãi thế sao?... Quần chúng những năm 1990, năm 2000 sẽ được chuẩn bị ngày càng ở mức độ cao để quen thuộc với những gì hiện nay bỡ ngỡ ít hay nhiều" và điều quan trọng là đối tượng ở đây không phải "là quảng đại quần chúng, mà trước hết là học sinh: thanh thiếu niên được luyện dần sẽ không hoang mang, không bỡ ngỡ" và một thực tế ngôn ngữ là "nhân dân ta hiện nay, nhất là tuổi trẻ, chẳng phải học tập gì, vẫn quen viết và nói đúng hay khá đúng Peugeot, Sharp, Espana".

Phiên âm là nhằm để cho bất cứ ai cũng dễ đọc, dễ nhớ. Nhưng có một sự khác nhau rất lớn giữa những người năm thì mười họa đọc sách báo mới gặp những từ không phải từ Việt như Einstein, Somerset Maugham, Victor Hugo không hiểu là gì, là tên ai, đọc rồi cũng quên đi và những người có nhiều dịp, thậm chí thường ngày đọc những từ đó trên sách báo của ta và của các nước, hoặc sử dụng trong các cuộc tiếp xúc với bạn bè, đồng nghiệp trong nước, ngoài nước, qua Internet...Với lớp người trên thì chúng ta viết Einstein hay Anhxtanh, Anh-xtanh, Ainstain, hay gì gì nữa không có gì là quan trọng và dễ thì họ đọc theo tiếng Việt, khó thì họ có cách đọc của họ theo lối đánh vần: (ông) E-I-N gì gì đó, hoặc chỉ đơn giản (ông) "gì gì đó", hoặc đơn giản hơn nữa, lướt qua mà không đọc. Còn với lớp người dưới thì quả là một vấn đề, phải luôn luôn nhớ rằng Einstein không chỉ có một tên, mà còn có thêm một tên, hai tên của người Việt Nam đặt cho (trong một từ điển hóa học, chỉ đọc lướt qua tôi đã từng nhặt được ba cách viết tên Einstein), mỗi một danh sách được nhân thành hai, ba danh sách. Thử nghĩ, nếu cũng như tiếng Việt, mỗi ngôn ngữ trên thế giới đều lại đặt thêm cho Einstein một vài tên nữa thì thật là loạn. Không có lý nào vì coi trọng cái gọi là "yêu cầu" của lớp người thật ra không yêu cầu gì (lớp người này lại đang ngày một ít đi do trình độ văn hóa của nhân dân ngày một nâng cao), mà coi thường, hy sinh yêu cầu của lớp người thật sự có yêu cầu và là một yêu cầu quan trọng (lớp người này lại đang ngày một đông thêm). Đó không phải là quan điểm quần chúng chân chính. Thật ra, ở đây có một sự đánh giá không đúng khả năng tiếp thu của quần chúng đông đảo, khi có nhu cầu, khi được tiếp xúc nhiều, thì họ tiếp thu rất nhanh, không hề phàn nàn, những từ như (xe) Dream, Sea Games, cũng như những từ AIDS, (bếp) gas... Có nhiều sách báo của chúng ta viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài, nhưng đâu có vì thế mà không bán chạy, là một chứng cứ.

Tôn trọng tối đa chính tả nguyên ngữ
Giải quyết vấn đề viết tên riêng tiếng nước ngoài, chúng ta đứng trước nhiều yêu cầu khác nhau, nhưng có hai yêu cầu chủ yếu, cơ bản, nhất thiết phải đáp ứng: đó là bảo đảm một sự thống nhất trong chữ Việt và một sự nhất trí tối đa với quốc tế. Hai yêu cầu này chỉ có thể đạt được trên văn tự, bằng giải pháp tôn trọng mức tối đa chính tả của tên riêng trong nguyên ngữ, đối với các ngôn ngữ có chữ viết bằng chữ cái La-tinh và với dạng chính tả bằng chữ cái La-tinh dùng thống nhất trên quốc tế đối với các ngôn ngữ khác. Mong muốn có một sự nhất trí nào đó về phát âm với trong nguyên ngữ chỉ là một ảo tưởng. Bằng giải pháp phiên âm chỉ đưa đến kết quả gây sự hỗn loạn. Thực tế là trong rất nhiều trường hợp, không mấy ai biết được đích xác cái gọi là "phát âm trong nguyên ngữ", ngay đối với những ngôn ngữ quen thuộc. Tiếng Anh đã phải có từ điển riêng hướng dẫn cách phát âm các tên người tiếng Anh. Cho nên phiên âm thì dễ mỗi người phiên âm một cách. Reagan, một thời báo này viết Ri-gân, báo kia viết Rê-gân. Victor Hugo, trên báo Văn nghệ có lần có người phiên âm Uy-gô đúng với phát âm trong tiếng Pháp đã bị phê phán là phiên âm sai (vì nghĩ là phải Huy-gô mới đúng!). Thường ngày chúng ta lại tiếp xúc với nhiều tên riêng mới lạ, báo thì phải đưa tin cho kịp thời, không biết trong nguyên ngữ phát âm như thế nào cũng phải nhanh chóng tạo ra một lối viết phiên âm trong tiếng Việt. Còn nhớ cách đây 17 năm, trong thời gian Ban chấp hành Hội Nhà văn á - Phi họp ở Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần lễ mà nhà văn Faiz Admad Faiz đã thấy mình có đến sáu tên phiên âm sang tiếng Việt, ba tên khác nhau trên báo Văn nghệ và ba tên khác nữa trên báo Nhân Dân (Faiz chẳng hạn đã được ghi thành Pha-ít, Pha-i-dơ, Phết)! Hồi đó nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã cho tôi biết rằng một số nhà văn á - Phi ngạc nhiên và không hài lòng thấy tên mình trên báo nay một khác mai một khác. Tên nhà cách mạng Pháp trong Cách mạng Pháp 1789 Robespierre, các từ điển tiếng Anh chú cách đọc rôp-spia (đọc theo kiểu Shakespeare trong tiếng Anh đọc sêch-xpia), nếu có chú thêm cách đọc rô-be-spi-e trong tiếng Pháp thì chỉ coi đó là chú phụ. Bắc Kinh, tiếng Anh vốn viết Peking, tiếng Pháp vốn viết Pékin, nhưng gần đây khi Trung Quốc chính thức ghi phiên âm Bắc Kinh bằng chữ cái La-tinh là Beijing (viết như vậy người Trung Quốc đọc là "pây-chinh"), thì ngay sau đó tiếng Anh, tiếng Pháp cũng đều chuyển sang viết Beijing là chính cho có sự nhất trí và các từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp đều chú cách đọc là "bây-jinh", đọc theo kiểu tiếng Anh, tiếng Pháp, không câu nệ; một số quyển từ điển có ghi chú thêm: "đọc theo tiếng Hán pây-chinh", có nghĩa là viết thì phải viết thống nhất Beijing, còn đọc có thể tùy, "bây-jinh", "pây-chinh" đều được. Cũng như Nguyễn Du, tiếng Anh, tiếng Pháp viết Nguyen Du, nhiều người nước ngoài đọc là "n'guen đu", "n'guen đuy" mà không ai thắc mắc vậy.

Không thể bảo đảm một sự nhất trí hoàn toàn
Không thể có một "tài liệu hướng dẫn cụ thể nào" dự kiến được tất cả những trường hợp phức tạp để xử lý cho có sự nhất trí cao. Gặp những tên riêng mới lạ, các phương tiện thông tin đại chúng, thông tấn xã, báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh làm thế nào phiên âm ngay cho "đúng quy định" để đưa tin cho kịp thời mà tránh được tình trạng thiếu nhất trí? Phải chăng phải thành lập một ban chuyên trách việc tra cứu, tham khảo để phiên âm, ban này phải làm việc mỗi ngày 24/24 giờ và không nghỉ ngày nào để có thể giải đáp ngay bất cứ lúc nào cho các cú điện thoại hỏi của báo, đài phát thanh, truyền hình? Mà có làm được như vậy chăng nữa cũng vẫn không thể bảo đảm một sự nhất trí hoàn toàn, bởi vì làm sao tránh được hiện tượng hôm qua trả lời khác, hôm nay nghiên cứu lại trả lời khác.

Trong một thời đại khoa học phát triển như vũ bão ngày nay, điều bức xúc của chúng ta là chúng ta lạc hậu, điều càng bức xúc hơn là trong không ít lĩnh vực khoảng cách của chúng ta với thế giới không rút ngắn, mà lại đang ngày một dài thêm. Nhiều ngành khoa học của chúng ta đang xuống cấp. Muốn khắc phục lạc hậu và tiến lên, thì phải hội nhập với thế giới, mở rộng cửa, tăng cường giao lưu với quốc tế, phát triển thông tin, mở rộng tầm mắt của chúng ta ra thế giới và nhìn xa về tương lai. Tốn công tốn sức tạo ra một hệ thống tên riêng nước ngoài và thuật ngữ khoa học riêng của Việt Nam, khác với cả thế giới, sẽ là một trở lực lớn cho việc nói trên, nhất là trong thời đại của Internet. Hệ quả không phải riêng thế hệ chúng ta, mà các thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu.

Không nên có sự can thiệp bằng một quy định, một luật
Vấn đề quả không đơn giản. ý kiến không nhất trí, nên có tình trạng cùng một tên riêng nước ngoài, cùng một thuật ngữ khoa học mà sách này, báo này viết một cách, sách kia, báo kia viết một cách, gây ra một tình trạng lộn xộn. Có thể nghĩ rằng: bàn đi bàn lại mãi rồi, không nên để tình trạng này kéo dài, mà Nhà nước nên sớm có một quy định. Dĩ nhiên, đó là cách giải quyết đơn giản nhất. Đơn giản, nhưng không ổn. Đây là một vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt. Mà chuẩn ngôn ngữ là một khái niệm phức tạp. Nó là kết quả của một sự đánh giá lựa chọn của xã hội đã có sự nhất trí ở một mức nhất định. Sự nhất trí này nhiều khi không dễ dàng, bởi vì có thể có những yêu cầu và quan điểm khác nhau, lắm khi mâu thuẫn với nhau.

Ngôn ngữ luôn luôn phát triển. Trong ngôn ngữ luôn luôn có những chuẩn cũ bị phá hoại, những chuẩn mới hình thành. Cho nên cũng nên tránh một sự chuẩn hóa tuyệt đối, cứng nhắc. Chuẩn là kết quả của một sự lựa chọn, nhưng nó không loại trừ sự lựa chọn. Chuẩn không loại trừ hoàn toàn sự vi phạm chuẩn, có khi chuẩn cũ và chuẩn mới song song tồn tại trong một thời gian, có hiện tượng gọi là "lưỡng khả". Mà chuẩn mới được hình thành thường chính là từ sự vi phạm chuẩn hiện có một cách có ý thức, có cân nhắc. Vì vậy, khi đang có nhiều ý kiến khác nhau thì không nên xác định chuẩn một cách vội vàng, chỉ dựa trên cảm tính, trên một tình cảm hoặc một định kiến nào đó, chứ không phải dựa trên một sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc, trên cơ sở thực tiễn đầy đủ.

Cho nên ở đây không nên có sự can thiệp của Nhà nước bằng một quy định (trừ trong ngành giáo dục), một "luật". Vì đã là một quy định, một luật thì mọi người nhất nhất phải tuân theo. ở đây không phải như vậy, không thể như vậy.

Chúng ta đang đứng trước một vấn đề ngôn ngữ không phải nhỏ, giải quyết đúng hay sai sẽ có tác dụng đến nhiều mặt hoạt động của chúng ta, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, vì ngôn ngữ gắn liền với mọi mặt của đời sống. Tốt nhất là nên để tiếng nói cuối cùng cho đời sống. Nên để cho thực tiễn đời sống tự nói ra kết luận.

(Thế giới mới)

...
 ============================
  đăng bởi: hohyhung:
  http://hohyhung.blogspot.com/
 ============================

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=3460%3Acach-vit-ten-rieng-khong-phi-ting-vit-vn-a-c-gii-quyt-t-28-nm-trc&catid=128%3Ahi-tho-xay-dng-chun-mc-chinh-t&Itemid=194&lang=vi


http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/12460/cach-viet-ten-rieng-khong-phai-tieng-viet:-van-de-da-duoc-giai-quyet-tu-.-.-.-28-nam-truoc&-33;.html

Đăng nhận xét