3 thg 1, 2013

Người Việt với văn minh lúa nước


Trong lịch sử ăn uống dân tộc, người Việt đã hình thành một nghệ thuật ẩm thực riêng, như một phép ứng xử văn hóa trong sự tận dụng môi trường tự nhiên Việt Nam, nhằm phục vụ cho cuộc sống về thể chất của mình.

Là một dân tộc nông dân chuyên nghề trồng lúa, đã hàng nghìn năm chuyên cần, chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người Việt có một quan niệm về ăn uống rất thiết thực, bởi người Việt cho rằng: “Có thực mới vực được đạo”. “Trời đánh còn tránh miếng ăn”. “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền”…Đây là quan niệm ăn uống thuần Việt, và rất phương Đông, khác với phương Tây coi việc ăn như điều kiện cần, như phương tiện để có sức làm việc: “Ăn để sống chứ không sống để ăn”.
người Việt lấy lúa gạo làm nguồn lương thực cơ bản.
Người Việt lấy lúa gạo làm nguồn lương thực cơ bản.
Do vậy, đối với người Việt, ăn uống là văn hóa sống. Mọi hành xử trong cuộc sống xã hội của người Việt dường như lấy ăn làm đầu (trong từ vựng Việt cũng vậy, có nhiều từ cấu thành từ ăn làm đầu: ăn uống, ăn ngủ, ăn mặc…
Người Việt sống bằng cách nương nhờ, tận dụng ưu thế tự nhiên dành cho mình. Môi trường tự nhiên tươi đẹp, phồn thịnh của một xứ nóng ẩm, mưa nhiều, đậm đặc yếu tố sông nước đã tự nhiên xui khiến người dân chọn nghề trồng lúa để sinh sống. Nên cũng rất tự nhiên, người Việt lấy lúa gạo làm nguồn lương thực cơ bản, trồng rau củ và đánh bắt cá theo mô hình tự cung tự cấp. Do đó, cơ cấu bữa ăn của người Việt, về bản chất, là cơ cấu nghiêng lệch về thực vật, đó là cơ cấu: cơm- rau-thủy sản.
Sự thiên lệch về thực vật đã khiến cho lúa gạo trở thành yếu tố đầu bảng của bữa ăn người Việt và cơm đã thành tên gọi của bữa ăn Việt: đó là bữa cơm. Người Việt thường mời nhau đến nhà ăn cơm, xơi cơm…Gạo tẻ, chứ không phải gạo nếp là thứ lương thực nền tảng của bữa cơm Việt.
Rau quả, được coi là vị trí thứ 2, sau cơm. Có thể ví cả Việt Nam như một khu vườn rộng, hoặc cánh đồng lớn phong phú sắc màu hoa quả, mùa nào thức ấy, rất phong nhiêu. Hai thứ rau quả đầu bảng trong mâm cơm người Việt, cho đến hôm nay, vẫn là rau muống và dưa cà: “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.
Khác với các nước phương Tây hoặc Bắc Trung Hoa thời cổ (bữa ăn thiên về thịt), bữa ăn của người Việt, thịt hầu như vắng bóng, để nhường cho thủy sản, nhất là cá. Đã đành người Việt thích ăn thủy sản, nhất là cá, song, người dân còn đặc biệt thích thứ nước chấm được làm từ cá, đó là nước mắm. Không có nước mắm, bất thành bữa cơm Việt. Người Việt đi đâu cũng mang theo nước mắm để ăn cơm, và họ đã lan tỏa cái văn hóa nước chấm đặc biệt này qua biên giới Việt, khiến một số người nước ngoài cũng nghiện nước mắm, như nghiện phở Việt. Khi dịch những từ này, các dịch giả thấy tốt nhất là để từ nguyên, không dịch và cũng không để dấu: nuoc mam Viet, pho Viet…
Song, trong hàng trăm năm giao lưu với phương Tây, riêng về ẩm thực, người Việt cũng chịu ảnh hưởng từ phương Tây trong cách ăn uống, như một tích hợp văn hóa Đông-Tây lành mạnh. Một số người còn bị “Tây hóa”, chỉ thích ăn cơm và uống rượu Tây, mà từ khước rượu ta (rượu gạo nấu theo cách thủ công), nước chè, nước vối, nước ngô.... Bánh mỳ, patê, súp, xúc xích, bơ, sữa, các món quay, món nướng, các loại rượu mạnh, rượu vang… là cách ăn uống đã bước vào Việt Nam hàng trăm năm nay. Hiện, chúng thâm nhập vào bữa cơm Việt một cách tự nhiên. Bữa ăn Việt đang biến tấu rất nhanh theo sinh hoạt hiện đại, bắt nhịp theo trào lưu ẩm thực thế giới với những món ăn nhanh.
Vấn đề ẩm thực của người Việt hiện đại, từ đó, đã đặt ra những bài toán cần giải quyết, khi người dân bị ngộ độc thực phẩm, hoặc ăn nhiều thịt đến mức béo phì, đẩy cơm ra khỏi vị trí cơ bản của bữa cơm Việt hay lại theo về những món đồng quê truyền thống, và coi đó là đặc sản của ẩm thực hiện đại. Vì vậy, văn hóa ẩm thực Việt hiện đại cũng đang đặt ra những thách thức cho sự phát triển.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái



nguồn: http://vnexpress.net/gl/cpm/song-vui-khoe-xua-va-nay/2012/07/nguoi-viet-voi-van-minh-lua-nuoc/


xem thêm: 
http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_minh_l%C3%BAa_n%C6%B0%E1%BB%9Bc


============================
đăng bởi: hohyhung:
http://hohyhung.blogspot.com/
============================


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét