Phụ nữ và đàn bà
女 婦
Tiếng Việt có 2 danh từ "phụ nữ" và "đàn bà" đều chỉ nữ giới. Nhưng ý
nghĩa không hẳn giống nhau. Hôm nọ, đọc bài rất hay của Nhà phê bình văn
học Nguyễn Hưng Quốc (“Tính chính trị của ngôn ngữ”), thấy tác giả nhắc
đến đàn bà và phụ nữ làm tôi giật mình: “Để chỉ những người thuộc phái nữ, tiếng Việt có hai từ: ‘phụ nữ’ và ‘đàn bà’. Trong hai từ ấy, chữ ‘phụ nữ’ có âm hưởng lịch sự và trang trọng hơn hẳn chữ ‘đàn bà’. ‘Phụ nữ’ là từ có tính nghi thức (formal) để chỉ người hoặc những người mình kính trọng; “đàn bà” là từ bình dân, được dùng trong trường hợp hoặc thân mật hoặc khinh thường. Thế nhưng, “phụ nữ”, vốn là từ Hán Việt, trong gốc gác của nó, ở Trung Quốc, lại không sang và không nhã như trong tâm thức người Việt: Về từ nguyên, chữ ‘nữ’ được tượng trưng bằng hình ảnh một người đang quỳ với hai bàn tay chắp lại đầy cung kính (女); chữ ‘phụ’, chỉ đàn bà, được tượng trưng bằng hình ảnh một người nữ với cây chổi (婦), nghĩa là kẻ mà số phận bị buộc chặt vào các công việc nội trợ, chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc tệ hơn, trong bếp.”