NGƯỜI THÔNG MINH NHẤT HÀNH TINH
(dành cho người quan tâm đến Toán, Vật lý và Triết học)
...Grigori Perelman, sinh năm 1966-đứng thứ 9 trong danh sách 100 thiên tài đang sống giữa chúng ta (bầu năm 2007 khi ông còn chưa được giải Clay vì lời giải bài toán “thiên niên kỷ” của Poincare , trong khi đó đứng đầu danh sách là Hoffmann, cha đẻ của “thuốc gây ảo giác LSD”). Tuy vậy theo tôi biết thì cộng đồng khoa học đã từ lâu công nhận ông là nhà khoa học thông thái nhất hành tinh, tôi tuy ngoại đạo nhưng cũng rất tò mò muốn biết con người này thực ra là ai, ngoài những thông tin “lá cải” về việc ông từ chối nhận giải thưởng 1 triệu đôla và ở ẩn đối với tất cả xã hội và sống nghèo đói. Đơn giản khi một con người đã tuyệt đỉnh thông minh, thì ngoài việc “lập dị” ra thì mỗi hành động của ông ta phải có cả một câu chuyện dài phía sau, chứ không phải kiểu “nổ” bất thình lình...Và qua cuộc đời ông, tôi thấy được một câu chuyện rất hay về các nhà toán học thời hiện đại, cũng như toán học cần thiết để làm gì, từ những cuộc tranh cãi “32 con gà” ngày nay cho đến thành tựu của Ngô Bảo Châu đều có ý nghĩa cao siêu hơn ta hằng nghĩ!
Đầu tiên phải nói thật, gây tò mò nhất đối với tôi là việc ngài Perelman là “chuyên gia từ chối các giải thưởng danh giá”. Hãy xem ông đã từ chối gì:
-1996 từ chối giải của Hiệp hội toán học châu Âu (EMC) dành cho các nhà toán học trẻ-giải thưởng này như một bảo đảm cho người lĩnh giải sẽ được nhận vào làm việc tại các trường đại học danh giá nhất của Âu, Mỹ và đảm bảo cuộc sông vật chất dài lâu.
-2006 ông từ chối nhận giải Fields danh giá -một "Nobel trong toán học" (lần kế tiếp Ngô Bảo Châu đã giành giải này cùng 3 nhà toán học khác tại Ấn Độ, 2010).
-2010 ông từ chối nhận giải thưởng của Viện toán học Clay với số tiền 1 triệu đô la do giải được 1 trong 7 bài toán “thiên niên kỷ”-đó là bài toán Poincare từ 1904 và 98 năm sau loài người mới có lời giải! 6 bài toán kia vẫn còn chờ đợi...
-2011 ông từ chối trở thành viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Nga. Tuy chỉ là danh hiệu trong nước, nhưng về giá trị vật chất còn lớn hơn cả những lần “từ chối” trước kia...
-1996 từ chối giải của Hiệp hội toán học châu Âu (EMC) dành cho các nhà toán học trẻ-giải thưởng này như một bảo đảm cho người lĩnh giải sẽ được nhận vào làm việc tại các trường đại học danh giá nhất của Âu, Mỹ và đảm bảo cuộc sông vật chất dài lâu.
-2006 ông từ chối nhận giải Fields danh giá -một "Nobel trong toán học" (lần kế tiếp Ngô Bảo Châu đã giành giải này cùng 3 nhà toán học khác tại Ấn Độ, 2010).
-2010 ông từ chối nhận giải thưởng của Viện toán học Clay với số tiền 1 triệu đô la do giải được 1 trong 7 bài toán “thiên niên kỷ”-đó là bài toán Poincare từ 1904 và 98 năm sau loài người mới có lời giải! 6 bài toán kia vẫn còn chờ đợi...
-2011 ông từ chối trở thành viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Nga. Tuy chỉ là danh hiệu trong nước, nhưng về giá trị vật chất còn lớn hơn cả những lần “từ chối” trước kia...
Vì sao như vây? Sinh ra ở Leningrad (CCCP), cậu bé Do Thái Perelman học ở một trường bình thường ở ngoại ô cho đến năm lớp 9, chỉ sinh hoạt ở nhóm học sinh giỏi toán tại Cung thiếu nhi thành phố. Năm 1982 cậu học sinh 15 tuổi này đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối ở cuộc thi Olimpic Toán quốc tế tại Hungary (khá giống Ngô Bảo Châu, trẻ hơn mấy tháng). Sau đấy cậu mới được vào học trường chuyên toán-lý 239 nổi tiếng của Leningrad. Vào đại học, vì được chọn trường, cậu suýt chọn trường nhạc (có chơi violin nhưng không cơ bản) nhưng sau nghe lời mẹ, lại đi vào khoa toán. Sau khi bảo vệ luận án tiến sỹ toán, cậu sang Mỹ đầu những năm 90 để làm việc tại một số trường đại học. Ngay lúc còn rất trẻ này cậu đã rất khác người: sống rất khắc khổ, thường xuyên chỉ ăn bánh mỳ, sữa và phomat. Ngay từ lúc này cậu đã bắt tay vào giải bài toán thiên niên kỷ của Poincare. Các phát hiện quan trọng lần lượt ra đời, ví dụ như một cách chứng minh ngoạn mục của Perelman cho “Lý thuyết về tâm hồn” (1994, hình học vi phân).
Lần “từ chối” đầu tiên năm 1996, Perelman không chịu nhận giải EMC cho các nhà toán học trẻ xuất sắc đồng nghĩa với chìa khóa vàng mở cánh cửa vào những vị trí làm việc danh giá và nhiều bổng lộc, nhưng đối với chàng trai 30 tuổi này “nó không quan trọng”! Ông bắt đầu cuộc đấu tranh không khoan nhượng nhưng tất nhiên không hề cân sức với lề thói quan liêu, giả tạo của làng toán học thế giới. Ví dụ sau này khi đi xin việc ở đại học Stanford bắt buộc phải nộp lý lịch, ông kiên quyết từ chối đưa C/v. Ông bảo: “Nếu họ biết các công trình của tôi, thì họ cần gì C/v của tôi? Còn nếu họ cần C/v của tôi, nghĩa là họ không đọc các công trình của tôi...”-thật tự tin, một tuyên bố của chàng trai hơn 30 tuổi!
Sau 1996 ông về nước, sống trong căn hộ một buồng với bà mẹ ở ngoại ô Sant Peterburg (Leningrad đã quay lại tên cũ)-bố và cô em gái đã ra sống ở nước ngoài. Người ta thường thấy người đàn ông trán hói, tóc dài, không già không trẻ đi bộ mua bánh mỳ, mua trứng hoặc đi tàu vào thành phố, ít khi giao tiếp với ai. Ông hoàn toàn không quan tâm đang ăn mặc gì, chẳng chịu cắt tóc, cạo râu, thậm chí không mấy khi cắt móng tay-tại sao như vậy chả ai biết, bởi vì ông chả nói chuyện với ai...
Năm 2002-2003 ông công bố 3 bài viết lập tức gây nên xáo động trong làng toán thế giới, ngay từ bài đầu tiên đã suy ra được rằng Perelman đã có lời giải bài toán thiên niên kỷ Poincare! Cách ông công bố cũng chả giống ai: khác với truyền thống là phải gửi đến tòa soạn các tạp chí toán học uy tín trên thế giới, thì ông đưa lên internet cho tất cả mọi người khảo nghiệm! Bài toán có đầu đề chỉ hai chục chữ này đòi hỏi cách giải siêu phức tạp, và Perelman phải kết hợp cả những hiểu biết rất sâu sắc về vật lý lý thuyết của mình mới đi đến thành công.
Nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới công bố những công trinhg nghiên cứu về lời giải của Perelman, và đăng trên các tạp chí uy tín,do đó danh tiếng của Perelman được càng nhiều người biết đến. Trên đường chứng minh định lý đó Perelman đã phát triển tiếp nghiên cứu của nhà toán học Mỹ Richard Hamilton, người đã phải dừng bước giữ chừng vì không đủ các công cụ toán học. Lạ một cái, Hamilton lại không tin là Perelman đã giải được bài toán Poincare, do đó đã đề nghị “ông trùm toán học Trung Quốc” Khâu Thành Đồng nghiên cứu tiếp. Thế là họ Khâu cùng hai đệ tử của mình là Tào Hoài Đông và Chu Hy Bình tuyên bố với toàn thế giới rằng chính họ mới đưa ra lời giải trọn vẹn của giả thuyết Poincare, và “công lao của Perelman nếu có thì cũng nhiều nhất là 20% mà thôi!”.
Thế là nhiều trường đại học lớn lập những nhóm chuyên tập trung để phân tích về lời giải bài toán thiên niên kỷ, trong đó tất nhiên có cả Viện toán Clay. Trong thời gian hàng chục triệu đô la được bỏ ra để tìm chủ nhân của cách giải bài toán hóc hiểm này, thì Perelman như ông đã kể lại, thi thoảng kiếm chút tiền còm qua việc được mời nói chuyện ở nước ngoài về chính cách giải bài toán của mình. Sự thật khoa học không thể bôi đen, nhất là trong thời đại internet, và đến 2006 thì tất cả, trong đó có cả Richard Hamilton đi đến kết luận, chính PERELMAN MỘT MÌNH đã giải quyết vấn đề trọn vẹn! “Bang hội toán gốc Trung Quốc” đành xấu hổ rút lại lời tuyên bố của mình, tuy vậy vẫn cay cú dọa kiện những ai đã vạch mặt họ, kể cả Viện toán Clay.
Trong thời gian này, Perelman một mặt không mấy khi quan hệ với xã hội bên ngoài, mặt khác khá tích cực hợp tác với các đồng nghiệp quốc tế để làm sáng tỏ vấn đề, tất nhiên là qua...internet. Những cuộc chiến ngoài toán học, theo ông là quá vô bổ và thấp hèn, khiến ông mệt mỏi và từ 2005 tự ra khỏi trường đại học, ông thực tế đã chính thức xa rời giới khoa học. Khi cả nước nhận tin ông sẽ được giải Fields 2006 lập tức ông nổi tiếng kinh khủng, xung quanh căn hộ của mẹ con ông bao giờ cũng có bọn “kền kền” báo chí lấp ló, và ôg không còn dễ đi bộ mua thực phẩm như trước nữa. Tuy vậy ông kiên quyết không hề thay đổi: ăn mặc lôi thôi, không cắt tóc cạo râu, chẳng cắt móng tay và chưa bao giờ có vợ con. Môn thể thao yêu thích là bóng bàn và cờ vua lâu lắm rồi chẳng chơi cùng ai, chỉ còn âm nhạc ông chơi trên violin chứng tỏ sự tồn tại của ông trong xã hội...
Tình trạng Perelman có thể từ chối giải Fields là “cú sốc” cho giới lãnh đạo trong làng toán. Chính chủ tịch Hội đồng toán học thế giới John Ball đến tận nơi và 2 ngày trời tìm cách đề xuất với ông các phương án khác nhau, kể cả “nhận giải mà không cần đến”. Tuy vậy Perelman vẫn khăng khăng không đến, ông “giận” giới toán học đã quá quan liêu và kẻ cả, làm ông và bao người khác tốn công tốn sức trong cuộc tranh chấp với “phe Tàu”. Ông giải thích: “Những người lập dị (như ông) không hề vi phạm chuẩn mực đạo đức” và “tôi dừng lại, để cho mọi người thấy tôi không phải là vật nuôi trong vườn bách thú”. Không nhận giải-đó là chính kiến của ông! Đối với người ngoại đạo như chúng ta, ông đơn giản là người “từ chối bắt tay Nhà vua Tây Ban Nha (Fields 2006 được trao tại Tây Ban Nha)-nhưng giới khoa học thì đều hiểu thông điệp của Perelman. Chẳng đi nhận giải, ông đã làm toán học trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết!
Ông vẫn sống như một ẩn sỹ, chỉ đôi lần ông trả lời phỏng vấn báo chí Nga, nhưng sau đó dừng hẳn, vì “không tin tưởng”. Người ta quay được một phim ngắn về cuộc sống ngày thường của ông bằng cách xông cả đoàn quay phim vào nhà ông, đẩy bật bà mẹ già ra và quay ông đang vô cùng ngơ ngác. Sau đó ông chỉ đồng ý quay một phim tài liệu ngắn nữa của đài truyền hình Nhật NTK, còn lại người ta biết về ông càng ngày càng ít đi!
Khi công trạng của ông đã được làm rõ, ngay cả Viện toán Clay (đơn vị xét và trao giải) cũng như cộng đồng quốc tế kêu gọi ông công bố công trình của mình lại trên tạp chí toán học uy tín bất kỳ nào, và trong vòng 2 năm không ai phản bác được, thì sẽ đủ tiêu chuẩn xét trao giải cho tác giả. Thế nhưng không ai thuyết phục được ông làm cái điều tưởng chừng đơn giản và hiển nhiên đó –tạp chí toán học uy tín đối với giới toán học như một dấu “OTK” về chất lượng, nhưng riêng Perelman kiên quyết không cần đến cái sự OTK đấy...
Cuối cùng Viện toán Clay chịu thua, công nhận ông là người xứng đáng được trao giải 1 triệu $ vào năm 2010, khi mà theo một số nguồn tin thì Perelman đã tiêu hết tiền tích cóp thời còn “làm toán”, ông rất khát tiền. Ông suy nghĩ 3 tháng trời, rồi sau đó đưa ra câu trả lời làm tất cả mọi người phải kinh ngạc: “Tôi có rất nhiều nguyên nhân để đi nhận hay không đi nhận giải thưởng này, do đó tôi đã cân nhắc khá lâu, nhưng tôi quyết định không nhận nó. Nếu nói thật ngắn gọn về nguyên nhân, thì đó là sự không đồng ý với cách điều hành của giới toán học quốc tế. Tôi không thích các quyết định của họ, tôi thấy không công bằng. Tôi đánh giá đóng góp của ngài Richard Hamilton hoàn toàn không thua kém đóng góp của tôi trong việc giải bài toán”. Đây là một ví dụ tuyệt vời về tinh thần hiệp sỹ trong khoa học: ông đề cao chính Hamilton, người đã không tin tưởng ở ông, và đã cùng với nhà toán học Trung Quốc Khâu Thành Đồng cứ luẩn quẩn mãi ở cái lời giải và việc đó đã làm khổ ông mấy năm về trước!
Từ chối nhận 1 triệu $ (hơn một năm sau các nhà tổ chức mới quyết định dùng số tiền này để hỗ trợ các nhà toán học trẻ) Perelman nổi tiếng vô cùng, biết bao người tìm cách hỏi ông tại sao lại không nhận tiền khi bây giờ ông nghèo rồi, thì chỉ một lần ông trả lời: “Tôi cái gì cũng có đầy đủ”. Câu chuyện cũng kết thúc có hậu cho Richard Hamilton: năm 2011 ông này cùng với một người nữa được nhận giải “Nobel châu Á”-giải Shaw và 1 triệu $ cho những thành tự toán học, mà trên cơ sở đó Perelman đã giải quyết thành công bài toán thiên niên kỷ. Hamilton đã đi nhận giải...
Việc ông từ chối làm Viện sỹ viện hàn lâm khoa học Nga năm 2011 khá dễ hiểu, vì sau này ông xin visa 10 năm đi Thụy Điển. Nhưng để hiểu ông và bài toán của ông hơn, tôi xin tóm tắt một trong rất ít các cuộc phỏng vấn của ông-ngay cuộc phỏng vấn này (với một nhà làm phim Israel-qua quan hệ Do Thái của mẹ ông giới thiệu) đến nay cũng là đề tài tranh luận, rằng có nó thật không hay là bịa nốt. Những ý chính ông đã nói ra:
-thời niên thiếu làm toán đối với ông như môn thể dục cho trí não. Hồi đó chỉ có bài khó, bài dễ chứ chưa gặp bài nào không giải được. Bài toán ông thấy khó nhất hồi đó do ông tự đặt ra: Chúa phải đi với vận tốc bao nhiêu mới có thể lướt trên mặt nước mà không chìm, đúng như trong Kinh thánh. Ông giải với những khái niệm về tô-pô học- “tôi thích tô-pô vì nhiều ứng dụng thực tế của môn học đó! Giải nhất toán quốc tế của tôi chỉ có rất ít ý nghĩa”.
-bất kỳ một lý thuyết toán học đúng đắn nào đều sẽ tìm ra áp dụng thực tế của nó, ít ra là Perelman tin như vậy và từ trước tới nay đều thấy như vậy! Ví dụ tiêu biểu: George Bul muốn định đề hóa triết học, cuối cùng pháp mình ra lý thuyết hàm số Bul, trên cơ sở đó con người mới tạo ra được máy tính, tàu vũ trụ...
-Định lý Poincare có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn. Nó giải thích cho nhiều quá trình trong việc hình thành vũ trụ, và sắp tới sẽ rất quan trọng trong công nghệ nano.
-những phát mình mới đây trong khoa học nano đều vớ vẩn hết, cũng như nhiều hình dung sai lầm về việc hình thành vũ trụ. Vũ trụ xuất hiện ban đầu từ một điểm vô cùng nhỏ, sau đó là các khoảng không xuất hiện để vũ trụ to ra nhanh chóng. Định lý Poincare chính là “Công thức của vũ trụ”-dựa vào đó ta có thể có cách thu vũ trụ lại thành một điểm ban đầu. Tôi chính là người biết điều khiển các khoảng không đó!
Bình luận thêm của tác giả: nghe thì có vẻ là “học thuyết âm mưu” nhưng thực sự những hiểu biết siêu đẳng của Perelman có nguy cơ đe dọa loài người và vũ trụ. Không phải ngẫu nhiên mà tình báo Nga cũng như nhiều nước khác không thể rời mắt khỏi ông. Và Perelman-con người với trí tuệ xuất chúng và hoàn toàn tỉnh táo này-phải biết làm gì, nói gì, hành xử ra sao để ít nhất là bảo vệ được bản thân và bảo vệ được nhân loại. Có cần thiết để chúng ta điều khiển được vũ trụ không, nếu ngay một trái đất này mà chúng ta còn làm cho bung bét hết cả? Đừng tin tất cả những gì ông tuyên bố, mặc dù đúng là “tôi là con người điều khiển được vũ trụ, vậy tại sao tôi còn phải chạy theo 1 triệu đôla gì đấy để làm gì?”
P.S. Mới đây Stephen Hawking-nhà vật lý đương đại và là một trong những bộ óc sáng lạn nhất hành tinh đã tuyên bố :”các thí nghiệm với hạt Higgs có thể tiêu diệt không gian, thời gian!” và “bozon Higgs có thể dẫn đến việc phá tan chân không, làm cả vũ trụ chuyển sang trạng thái vật lý mới” - tác giả nhớ lại cuộc nói chuyện hầu như là duy nhất mấy năm trước của Perelman, ông đã nói về hiện tượng này trước đó lâu rồi. Chứng tỏ Perelman đã nói hoàn toàn tỉnh táo và nghiêm túc-ông biết “Công thức của vũ trụ”!
Còn chúng ta thì vẫn phân vân với 32 gà và 4 chuồng...
...
============================
đăng bởi: hohyhung:
http://hohyhung.blogspot.com/
============================
1 nhận xét:
"Mới đây Stephen Hawking-nhà vật lý đương đại và là một trong những bộ óc sáng lạn nhất hành tinh đã tuyên bố :”các thí nghiệm với hạt Higgs có thể tiêu diệt không gian, thời gian!” và “bozon Higgs có thể dẫn đến việc phá tan chân không, làm cả vũ trụ chuyển sang trạng thái vật lý mới”
cho mình xin link nguồn thông tin này đc ko bạn?
Đăng nhận xét