6 thg 12, 2012

UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương


(VOV) - Lúc 18h09 (giờ VN, 6/12), UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

  • Đền thờ Hùng Vương tại Phú Thọ
Đúng 18h09 phút (giờ Việt Nam, tức 12h09, giờ Paris, ngày 06/12), tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đoàn đại biểu Việt Nam có mặt đông đủ trong phòng họp tại trụ sở UNESCO đón nhận tin vui này, gồm đoàn đại biểu của tỉnh Phú Thọ; đoàn đại biểu Viện văn hóa và nghệ thuật Việt nam; đoàn Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cùng các cán bộ Phái đoàn Việt nam tại UNESCO. Như vậy, với tin vui này, Việt Nam hiện nay có tổng cộng 14 di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận.
Quyết định của UNESCO công nhận Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nêu rõ hồ sơ đáp ứng các tiêu chuẩn để được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại. Quyết định cũng nêu cụ thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.

Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

Ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam bày tỏ niềm vui và tự hào« Việc thế giới công nhận di sản này đánh giá cao tính nhân văn của các dân tộc ở Việt Nam là tục lệ thờ cúng tổ tiên. Đây như là một biểu tượng khuyến khích các dân tộc cũng có hành vi tương tự như vậy. Và một điểm nữa là tín ngưỡng này thể hiện tính đoàn kết của các cộng đồng. Trong tiếp xúc với chúng tôi bên lề cuộc họp, tất cả các đại biểu đều đánh giá cao tính nhân văn của hồ sơ này của chúng ta ».
Đoàn đại biểu Việt Nam đón tin vui (ảnh Thùy Vân)

Phát biểu trước Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 sau khi hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: « Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá và tâm linh bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển…»
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp, ông Hoàng Dân Mạc cho biết: « Trước mắt, chúng tôi phải tổ chức tốt Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm 2013 và về lâu dài, sẽ xây dựng một chương trình hành động báo cáo Chính phủ thông qua với một số nội dung chính trong đó thứ nhất là tuyên truyền quảng bá tín ngưỡng với bạn bè quốc tế, thứ hai kiểm kê đánh giá các di tích đền thờ Vua Hùng để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự và thứ ba rà soát lại trình tự thủ tục nghi lễ thờ cúng Vua Hùng để tạo sự thống nhất trong cả nước và thứ tư, di sản phi vật thể phải gắn với di sản vật thể và chúng tôi sẽ báo cáo chính phủ để trùng tu di tích đền Hùng để gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương».

Đại sứ Việt nam tại Pháp Dương Chí Dũng (thứ nhất từ phải sang), ông Hoàng Dân Mạc - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ (thứ 2, từ phải sang) và Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO(thứ 4, từ phải sang) đón nhận tin vui từ UNESCO (ảnh: Thùy Vân)

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng cam kết với Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 rằng: Việt Nam sẽ làm hết sức mình thực hiện nghiêm túc Công ước 2003 để cùng với Cộng đồng trao truyền, thực hành, giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy giá trị di sản này để di sản mãi trường tồn cùng dân tộc xứng đáng là di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của Nhân loại.
Với quyết định của UNESCO, từ nay Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã trở thành tài sản văn hoá của nhân loại. Đúng như nhiều lãnh đạo và chuyên gia về di sản của Việt Nam đã khẳng định, việc công nhận chỉ là bước đầu, chặng đường tiếp theo còn dài với nhiều việc chúng ta phải làm để phát huy và thúc đẩy các giá trị của di sản với chính người dân Việt nam, bảo tồn một cách đúng khoa học để di sản còn tồn tại mãi với những giá trị nguyên gốc của nó và thứ ba là quảng bá những giá trị di sản quý giá đó với bạn bè thế giới.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và đoàn kết dân tộc; đồng thời khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên. Chính những giá trị tiêu biểu đó giúp hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vượt qua vòng xét duyệt khó khăn, trở thành 1 trong 17 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện mới của thế giới.

Để hiểu rõ hơn về điều này, PV Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn Đại sứ Dương Văn Quảng - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.
PV: Thưa Đại sứ! Như vậy là UNESCO đã quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Thế giới. Là người trực tiếp tham gia vào quá trình trình và chỉnh sửa hồ sơ để thuyết phục các chuyên gia của UNESCO cũng như trực tiếp có mặt trong giây phút hồ sơ được công nhận, Đại sứ có cảm nhận như thế nào?
Đ.S Dương Văn Quảng: Đây là một tin vui, một vinh dự đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng. Niềm vui này đối với tỉnh Phú Thọ còn tăng lên gấp đôi vì năm 2011, Hát xoan của tỉnh Phú Thọ cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận thể hiện sự đánh giá cao của Thế giới đối với đời sống tâm linh của con người Việt Nam, đặc biệt, thể hiện qua sự thờ cúng tổ tiên. Các thế hệ Vua Hùng đã lập nên nước Việt Nam chúng ta và chúng ta coi Vua Hùng là tổ tiên chúng ta và chúng ta có ngày Quốc giỗ.
Đại sứ Dương Văn Quảng trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV

Trong bối cảnh hiện nay, hồ sơ này được công nhận đã chứng tỏ sức sống của văn hóa Việt Nam, và nó cũng chứng tỏ rằng văn hóa Việt Nam có khả năng hội nhập thế giới nói chung và vào nền văn hóa thế giới nói riêng.
PV: Có thể nói, phong tục thờ cúng tổ tiên không được thực hiện tại nhiều nước, đặc biệt là các nước phương Tây. Vậy trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, chúng ta có gặp nhiều khó khăn để làm bật những giá trị của di sản và thuyết phục các chuyên gia quốc tế của UNESCO hay không?
Đ.S Dương Văn Quảng: Đôi khi chúng ta không có nhận thức hết, chưa hình dung được nhất là văn hóa phi vật thể. Ví dụ tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là di sản văn hóa chứ không phải là di tích. Trong thờ cúng, có những phần chúng ta nhìn được, đó là những công trình để thờ cúng, ví dụ Đền Hùng là Di tích. Nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới là di sản.
Khi viết hồ sơ phải làm sao để chuyên gia có thể đọc và hiểu đây là di sản trong khi những chuyên gia đó không phải là người áp dụng thờ cúng, dân tộc họ không áp dụng phong tục thờ cúng tổ tiên. Ta phải đi dưới góc độ không nhìn thấy, sờ thấy nhưng cảm được giá trị của nó.
Qua quá trình chuẩn bị, trình các chuyên gia xem xét hồ sơ, tôi thấy chúng ta cần chú đến một số vấn đề sau: trước hết cần xác định được đâu là các di sản văn hóa phi vật thể thực sự có giá trị. Khi xác định được rồi phải xây dựng hồ sơ đáp ứng được những tiêu chí do Công ước 2003 đặt ra, đặc biệt Văn bản hướng dẫn Công ước được thông qua năm 2011, về cách lập hồ sơ. Những hồ sơ sau này trình lên muốn được công nhận phải xây dựng chu đáo, đầy đủ về chuyên môn, thủ tục, tài liệu để chứng thực đây thực sự là di sản văn hóa phi vật thể.
PV: Xin Đại sứ cho biết trong thời gian tới Việt Nam sẽ có những hồ sơ nào trình UNESCO xem xét?
Đ.S Dương Văn Quảng: Nền văn hóa của Việt Nam có rất nhiều sản phẩm văn hóa, những phong tục, tập quán, công trình văn hóa. Văn hóa phi vật thể không chỉ có hát, nhạc mà cả phong tục, lối sống, cách thức ăn mặc. Chúng ta không thể làm ồ ạt. Mỗi kỳ họp, chỉ xác định số lượng nhất định các hồ sơ được xét duyệt. Việt Nam là một trong những nước có khá nhiều hồ sơ đã được xét duyệt thì không được nằm trong dạng ưu tiên.

Người ta cũng cố gắng đảm bảo mỗi nước có một hồ sơ được xét duyệt trong năm đó. Điều quan trọng là Bộ văn hóa cũng như các tỉnh cần xác định đâu là những công trình văn hóa có giá trị, là di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở đó, chúng ta phải có lộ trình, chương trình để xây dựng hồ sơ.
Năm tới, Việt Nam có hồ sơ “Đờn ca tài tử”  đã được trình lên  Ban thư ký của Công ước 2003, nhưng theo quy định mới, hồ sơ này phải trình lại mới đủ và đúng các thủ tục./. 
PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.
nguồn: http://vov.vn/Van-hoa/UNESCO-chinh-thuc-cong-nhan-Tin-nguong-tho-cung-Hung-Vuong/238616.vov

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xứng đáng là di sản UNESCO

-Các chuyên gia của Tổ chức giáo dục, văn hóa và khoa học của Liên hợp quốc – UNESCO đánh giá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Điều này đồng nghĩa với việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ gần như chắc chắn sẽ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
Để một hồ sơ được công nhận là di sản của UNESCO, phần quan trọng nhất là bản kết luận mà Hội đồng các chuyên gia thẩm định trong nhiều tháng. Các kết luận này thực chất là các kiến nghị (CÓ, KHÔNG, GỬI TRẢ LẠI để hoàn thiện cho năm sau) của các chuyên gia cho UNESCO về việc có công nhận hồ sơ đó là di sản hay không và thông thường, Hội đồng UNESCO sẽ thông qua các kiến nghị này theo nguyên tắc đồng thuận. Có rất ít trường hợp, nếu có tranh cãi quyết liệt, UNESCO mới dùng đến hình thức bỏ phiếu. Vì thế, một khi hồ sơ ứng cử viên đã được nhóm chuyên gia độc lập đánh giá tốt thì gần như chắc chắn sẽ được UNESCO công nhận là di sản. Hồ sơ "tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" của Việt Nam đã được nhóm chuyên gia đánh giá là "INSCRIRE" - tức nên công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam là một trong 35 hồ sơ được xem xét và bỏ phiếu chọn làm di sản phi vật thể tiêu biểu của nhân loại trong kỳ họp thứ 7 của Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại UNESCO.
Để trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, các hồ sơ phải đáp ứng được 5 tiêu chí nghiêm ngặt do UNESCO đề ra như tính cấp bách hay tính đại diện, có sự thực hành tốt nhất trong đời sống, có sức lan tỏa và khích lệ… và chỉ cần 1 trong 5 tiêu chí đó không đạt, hồ sơ sẽ bị trả lại.
Đền thờ Hùng Vương tại Phú Thọ

Đại diện phụ trách báo chí của UNESCO, bà Cecile Duvelle đánh giá riêng về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống”, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam được đánh giá rất cao bởi tín ngưỡng thờ cúng này không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ, mà “người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đó là một cuộc hôn nhân tuyệt đẹp giữa những giá trị tâm linh và những giá trị khoa học”.
Với riêng tỉnh Phú Thọ, đây là năm thứ 2 liên tiếp địa phương này được vinh danh tại UNESCO. Năm 2011, hát xoan của Phú Thọ cũng đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, khác với hát xoan được cho là cần có những biện pháp bảo vệ cấp bách, “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” được đánh giá cao về tính đại diện, bền lâu bởi tín ngưỡng này đã được người dân Việt Nam thực hành, bảo vệ và trân trọng từ ngàn đời nay, thể hiện rõ nhất qua ngày Giỗ tổ vào tháng 3 âm lịch.
“UNESCO đã đi bước đầu tiên là quảng bá được cho các di sản nảy và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục sát cánh cùng các quốc gia trong việc nâng cao khả năng quản lý di sản, nhưng việc quan trọng nhất là các quốc gia cần phải tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản của chính mình” – bà Cecile Duvelle cho biết.
Mỗi năm, UNESCO dành ra khoảng 1% ngân sách hoạt động, tương đương khoảng 6,5 triệu USD nhằm giúp các quốc gia đào tạo kỹ năng quản lý di sản. Ngoài ra, các quốc gia thành viên của UNESCO còn tài trợ cho một Quỹ riêng nhằm bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể.
Thông tin chính thức về việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể thế giới sẽ được phát ra vào khoảng 2h sáng mai (giờ Việt Nam).
Quang Dũng (từ Paris)
nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/99824/tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-se-thanh-di-san-unesco.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét