3 thg 12, 2012

Hải quân Việt - Trung từng phối hợp tác chiến thời Nguyễn - Thanh


Thuyền bọc đồng thời Minh Mệnh được chạm trên Cao đỉnh - Nguồn: Covathue.com


Lịch sử ghi nhận đã từng có cuộc phối hợp hành quân giữa hải quân hai nước Việt - Trung từ thế kỷ XIX. Lúc bấy giờ bọn cướp biển Trung Quốc, Việt Nam cấu kết với nhau, thường cướp phá tại vùng biển tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc và duyên hài miền bắc Việt Nam. Vua Ðạo Quang nhà Thanh sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Lô Khôn chuẩn bị cuộc hành quân ; cùng thông báo cho vua Minh Mệnh nước ta, đề nghị một cuộc hành quân hợp đồng hai nước.


Với những tư liệu lịch sử còn chép lại trình bày dưới đây, có thể đánh đổ lập luận của nhà biên khảo Hàn Chấn Hoa (Trung Quốc), cho rằng thuyền của nhà Nguyễn sai đi hàng năm không thể đến được đảo Hoàng Sa (Paracel). Nói một cách rõ hơn, với tốc độ 1 ngày 1 đêm chạy được 300 km, vậy qua thời gian 3 ngày 3 đêm như Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Ðôn chép, thuyền của Việt Nam thừa sức đến được quần đảo Hoàng Sa.


Kết quả của cuộc hành quân phối hợp cho thấy, hải quân nhà Nguyễn (Việt Nam) khi đó hiệu quả và lợi hại hơn nhiều so với các chiến thuyền của nhà Thanh.


Hồ Bạch Thảo


Mục đích bài viết này không chỉ đơn thuần so sánh hơn thua về hải quân hai nước, đây là một công trình khoa học nhắm vạch ra điều sai trái của nhà biên khào Trung Quốc Hàn Chấn Hoa, trong tác phẩm Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên (1). Qua tác phẩm này họ Hàn đã phủ nhận việc nhà Nguyễn nước ta từng cho quân lính hàng năm đến quần đảo Hoàng Sa tức Paracel, với lý do là thuyền của nước ta không có khả năng đến đó, và cái mà sử nước ta gọi là Hoàng Sa chỉ là đảo gần bờ như Lý Sơn mà thôi. Ông viết (2) :

hbt

Xin dịch như sau :

Căn cứ sử sách chép, triều Nguyễn Việt Nam từng đặt đội Hoàng Sa, mỗi năm định kỳ trước tháng giêng, tháng hai, đến quần đảo Hoàng Sa, thu thập những đồ vật tại thuyền bị chìm, cùng đánh bắt hải sản. Ðội Hoàng Sa sử dụng loại thuyền nào để đến Hoàng Sa ? Cứ PHỦ BIÊN TẠP LỤC (3) chép rằng đội Hoàng Sa “ mỗi năm tháng giêng nhận chỉ thị sai đi, được ban cho 6 tháng lương, đáp thuyền câu (điếu thuyền) nhỏ của tư nhân, ra biển 3 ngày 3 đêm, bắt đầu đến đảo này ”, đến tháng tám về đến cửa Eo (nay là cửa biển Thuận Hoá) để nạp đồ vật đã thu thập được. Mỗi năm vào tháng giêng, tháng 2 là mùa gió đông bắc, từ đô thành nhà Nguyễn tại Thuận Hóa ra khỏi cửa biển Thuận An, đáp “ thuyền câu nhỏ ” đi ra. Thuyền nhỏ lúc bấy giờ chạy rất chậm, dùng “ 1 ngày 1 đêm ” làm đơn vị hành trình, không giống như thuyền lớn ra biển lấy canh làm đơn vị hành trình ; vì vậy PHỦ BIÊN TẠP LỤC chép “ đi 3 ngày 3 đem đến đảo này ”.

Loại “ thuyền câu nhỏ ” này được sai phái đến thu thập “ đồ vật trên thuyền ”, còn gọi là thuyền điện xá. Theo sách HẢI NGOẠI KỶ SỰ của Sư ông Thích Ðại Sán đời Thanh chép rằng “ nước Ðại Việt thời Quốc vương trước, hàng năm sử dụng thuyền điện xá đến chỗ thuyền hư lấy vàng, bạc, khí mãnh.” Sư ông Ðại Sán vào năm 1694 từng đáp loại thuyền này để đi từ Thuận Hóa đến Hội An. Ông đã mô tả thuyền điện xá một cách cụ thể sinh động “ Viên Giám quan điều động thuyền điện xá màu hồng tên là bát đầu để vận tải hành lý ” “ đầu thuyền một vị quan ngồi, đuôi là người cầm lái. Mỗi thuyền có 14 người chèo, ở giữa đặt 4 cột long giá màu đỏ hồng ; có 1 cái mõ lớn đặt ngang, 1 tên quân ngồi gõ [làm hiệu], các tay chèo nghe theo để chèo theo nhịp, thuyền đáng đi trái thì quẹo trái, đáng phải thì quẹo phải ; hoặc theo hiệu lệnh, hoặc dừng chân, không có động tác nào sai chạy, đều theo hiệu lệnh của mõ ”. “ Thuyền dài mà hẹp, giống như thuyền rồng, đầu và đuôi ngang, sơn màu đỏ, không chứa bếp ; lấy làm lạ rằng thức ăn cho nhiều người ăn uống lấy từ đâu.”

Loại thuyền nhỏ dùng sức người để chèo, không có chỗ nấu ăn, lại không có thiết bị lớn để trử nước, chỉ có 1 thạp trử nước uống, đi không quá lâu đã tìm địa phương để lấy nước. Nhân vậy, đáp loại thuyền này, từ duyên hải Trung bộ Việt Nam xuất phát, chỉ có thể đến các đảo gần Việt Nam mà thôi, nhưng không có khả năng đến các đảo xa bờ biển Việt Nam như Tây Sa.

Qua đoạn văn trích dẫn có thể nói Hàn Chấn Hoa không rành về vấn đề hàng hải, nên bảo rằng nhà Nguyễn sử dụng các loại thuyền câu, thuyền điện xá, không có khả năng vượt biển ra đến đảo Hoàng Sa. Sử dụng loại thuyền gì tùy theo nhiệm vụ thích hợp, thuyền chở Sư ông Thích Ðại Sán từ thành Phú Xuân ra đến đảo Chiêm Bà, qua dòng sông nước cạn, không thể dùng thuyền lớn như lâu thuyền, nên phải dùng thuyền điện xá. Cũng vậy, thuyền đến đảo Hoàng Sa, có nhiều đá ngầm, thuyền lớn thường bị đụng, không dễ dàng cập vào bờ, nên sử dụng thuyền câu, thuyền điện xá là hợp lý. Hãy nhìn xem những thuyền được Minh Mệnh cho khắc vào Cửu đỉnh [9 đỉnh] tại thành nội Huế ; trong đó có lâu thuyền [thuyền 2 tầng] được khắc trên Nhân đỉnh, như vậy nào phải Việt Nam không có loại thuyền lớn.

Riêng Thanh Thực Lục đã chép nhiều lần việc hải quân nước ta giúp nhà Thanh bắt cướp biển và được Thanh triều khen thưởng rất hậu. Ðặc biệt trong bộ Thanh Thực Lục thời Ðạo Quang và Ðại Nam Thực Lục Ðệ Nhị Kỷ triều Minh Mệnh đều chép về một cuộc hành quân phối hợp giữa hai nước để dẹp cướp biển ; qua cuộc hành quân này có thể chứng minh được khả năng thuyền Việt Nam.

Cuộc hành quân xảy ra đầu năm 1833, vị trí tại vịnh Bắc Bộ, giới hạn bởi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng thuộc Việt Nam, và các tỉnh Hải Nam, Quảng Ðông Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay. Ðể biết rõ đầu đuôi cuộc thủy chiến , các mục sau đây được lần lượt nghiên cứu :

- Lý do mở cuộc hành quân.

- Thành phần và diễn tiến cuộc hành quân.

- Tàu thuyền Trung Quốc bị thất lạc.

- So sánh khả năng tác chiến cùng kỹ thuật hàng hải hai nước.

A. Lý do mở cuộc hành quân :


Lúc bấy giờ bọn cướp biển Trung Quốc, Việt Nam cấu kết với nhau, thường cướp phá tại vùng biển tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc và duyên hài miền bắc Việt Nam. Vua Ðạo Quang nhà Thanh sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Lô Khôn chuẩn bị cuộc hành quân ; cùng thông báo cho vua Minh Mệnh nước ta, đề nghị một cuộc hành quân hợp đồng hai nước. Nhà vua cũng dặn viên Tổng đốc trong thư thông báo, dùng những lời đắc thể khéo léo để thuyết phục vua Minh Mệnh :

Ngày 30 Nhâm Dần tháng 11 năm Ðạo Quang thứ 12 [20/1/1833]

“ Lô Khôn [Tổng đốc Lưỡng Quảng] dâng bản tâu rằng vùng ngoài biển của 2 phủ Liêm Châu và Quỳnh Châu tiếp giáp với biển Việt Nam, là nơi thuyền giặc cướp tụ tập, tỏa ra cướp phá ; hiện thông sức chặn đánh, giết và bắt được nhiều tên giặc cướp, nhắm tảo thanh mặt biển.

[Vua ban dụ :]…. “ Sự liệu biện ổn thỏa hợp lý, nhưng mặt biển Hoa, Di tuy liên tiếp nhau, nhưng cương vực chia ra, tình hình phải nắm rõ ràng, mới trọn vẹn được. Thuyền giặc trên biển cướp bóc, vốn phải nghiêm mật truy bắt, nhưng sào huyệt giặc tại đất Di, đáng thông tư mật cho nước này ra lệnh quan Di, mang thuyền bè, tập trung binh lực, hẹn ngày hội tiễu ; khiến đầu đuôi đều bị khiên chế, hợp sức diệt trừ, tảo thanh mặt biển. Viên Tổng đốc thông sức ngay cho Lý Tăng Giai [Ðề đốc] phối hợp với các đạo, phủ, phân vùng ngăn bắt ; một mặt truyền hịch dụ viên Quốc vương đồng tâm hiệp lực tiễu trừ yên tĩnh, đối với nội địa vốn đã hữu ích, tại nước ngoài cũng miễn trừ sự cướp phá. Lô Khôn là người hiểu việc, soạn hịch văn biết dùng từ đắc thể, cần hiểu thị một cách khắc thiết, khiến viên Quốc vương tin phục, hợp lực đánh bắt, nhanh chóng xong việc. (Tuyên Tông Thực Lục quyển 226, trang 28-30)


B. Thành phần và diễn tiến cuộc hành quân :


Qua các tư liệu còn lưu lại, thấy cuộc hành quân chia làm 3 cánh :

- Cánh thứ nhất của Trung Quốc dưới quyền chỉ huy Phó tướng Lý Nguyên, Du kích Lâm Phượng Nghi, Ðô ty Dư Thanh đã bắt được Ðầu sỏ Dương Tựu Phú và tịch thu một số thuyền tại vùng biển Bạch Long Vĩ.

- Cánh thứ hai của Việt Nam do viên Thổ mục ở Vạn Ninh là Phan Huy Bích chỉ huy, chạm giặc ; giặc vừa đánh vừa lui. Thuyền của Bích đuổi một ngày một đêm, đến bãi Vụ Thủy thuộc hải phận đảo Hải Nam ; đánh đắm một thuyền giặc, chém được tên đầu đảng nhà Thanh là Ngô Á Tam và bắt sống được tên đầu đảng là Phạm A Bát. Riêng tên đầu đảng Nguyễn Bảo tức Trần Gia Hải nhảy lên bờ, rồi trở về Việt Nam, cuối cùng cũng bị lực lượng Phan Huy Bích bắt sống.

- Cánh thứ ba của Trung Quốc do Ðề đốc Lý Tăng Giai và Tham tướng Lâm Khai Cương chỉ huy, thì hoàn toàn thất bại. Cả hai gặp bão, cố gắng lắm mới ghé vào được đảo Hải Nam; riêng hai chiếc mễ thuyền (米艇) (4) của doanh Ðề Tiêu Trung và doanh Dương Giang Hữu thì bị thất lạc.

Sau đây là thực lục về cuộc hành quân :

Ngày mồng một Bính Thân tháng 3 năm Ðạo Quang thứ 13 [20/4/1833]

Dụ các Quân cơ đại thần :

“ Bọn Lô Khôn dâng tấu triệp về việc giết và bắt sống bọn đầu sỏ cướp, biển trở nên yên tĩnh, cùng biện lý tình hình hiện nay.

“ Xem tờ tâu xong ; thấy dân gian người Việt Nam Trần Gia Hải, cùng bọn phỉ nội địa Dương Tựu Phú, Phùng Sinh Ðinh Chí, Ngô Tam Cẩu, trước đây tại vùng núi Cẩu Ðầu, biển Di kêu gọi tụ tập. Nhân thiếu lương bèn ra khỏi sào huyệt, định đến nội địa cướp phá.

Cùng lúc bọn Phó tướng Lý Nguyên, Du kích Lâm Phượng Nghi, điều động binh thuyền đến vùng Bạch Long Vĩ giao giới biển Di gặp thuyền phỉ hơn 10 chiếc tiến đến. Bọn Lâm Phượng Nghi ngăn chặn vây bắt, súng đạn giao tranh, phá tan 1 chiếc thuyền phỉ, bọn phỉ rơi xuống nước hơn 30 tên. Ðô ty Dư Thanh bắt sống đại Ðầu mục Dương Tựu Phú, cùng tịch thu pháo súng ; bọn phỉ còn lại bỏ chạy, quan quân truy kích đến núi Thanh Lam thuộc biển Di, giết tên cừ khôi Phùng Sinh Ðinh Chí, cùng bọn phỉ Vương Á Cẩu ; lại đánh phá 3 chiếc thuyền phỉ, tịch thu 4 chiếc, bắt sống bọn Ðầu mục Lương Thượng Thiêm hơn 20 tên, đánh bị thương bọn đảng phỉ Lý Á Cát rơi xuống biển chết.

“ Lại cứ theo thuyền buôn của bọn Tống Kính Lợi truy đuổi giặc đến biển Di, nhận ra được thuyền của tên đầu đảng Trần Gia Hải. Di mục Việt Nam cũng mang binh thuyền đuổi đánh, bọn giặc phỉ rơi xuống biển chết hơn một nửa ; đuổi đến bãi Vụ Thủy, thuyền của Trần Gia Hải đụng phải đá ngầm bị vỡ, giết tên giặc cướp nổi danh Ngô Tam Cẩu và Ðoàn Lý Hàm, cùng nhiều tên phỉ khác. Trần Gia Hải đem vợ và đồng bọn hơn 10 người chạy trốn vào trong núi. Hai thuyền của Thắng Phát, Hoàng Á Hỷ ; sau khi thấy thuyển kia bị vỡ, bèn hướng phía nam chạy thoát. Viên Thổ mục đem tên giặc phỉ Phan Á Bát lấy cung rồi giải giao đến. Tên đầu đảng giặc Mạc Á Cát ngầm trốn về Ðông Hoàn bị bắt, giải đến.

“ Việc liệu biện nhanh chóng đáng khen. Trần Gia Hải tuy trốn được, nhưng cũng như cá trong trong nồi, thú trong bẩy, không lâu cũng bị bắt. Hai thuyền của Hoàng Gia Hỷ, Thắng Phát; tuy bị súng bắn bị thương, chạy thoát về phía nam, chờ khi thời tiết hết mây mù, phải trừ tuyệt gốc rễ, tùy cơ mà rình bắt, chớ để lọt lưới…

Ðề đốc Lý Tăng Giai, trên biển mấy lần gặp gió bão, hầu như bị chìm, cuối cùng ghé vào được huyện Xương Hóa, phủ Quỳnh Châu, may mắn sống còn. Viên Tham tướng Lâm Khai Cương, bị bão làm tổn hại thuyền, trôi đến huyện Trừng Mại, Quỳnh Châu mới ghé được, xem lời tâu mới hơi yên ủi. Còn mễ thuyền (米艇) (4) số 2 của doanh Ðốc? [Ðề] Tiêu Trung và mễ thuyền số 2 của Dương Giang Hữu thì chưa thấy tăm hơi, lệnh bọn Lô Khôn thông sức cho các huyện duyên hải tìm tòi rõ ràng rồi tâu đầy đủ. Các quan văn võ viên biền tham dư chiến dịch này, đợi kết thúc, tra thực những viên ra sức có công tâu lên, đợi Trẫm thi ân, nhưng không được mạo lạm. ” Ðưa dụ này truyền để hay biết. (Tuyên Tông Thực Lục quyển 233, trang 1-3)

Riêng Ðại Nam Thực Lục nước ta chép sự việc nêu trên vào tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 14 [1833] ; nội dung cho biết thêm viên chỉ huy chiến thuyền nước ta là Thổ mục châu Vạn Ninh Phan Huy Bích và sau chiến thắng tại bãi Vụ Thủy, quân của Bích tiếp tục trở về Quảng Ninh truy lùng, bắt sống được đầu đảng Nguyễn Bảo tức Trần Gia Hải và đồng bọn :

“ Giặc trốn tại Quảng Yên là Nguyễn Bảo, liên kết với đoàn thuyền giặc Thanh, ra vào ở vùng biển Hoa Phong, Vân Ðồn. Viên thổ lại mục ở Vạn Ninh là Phan Huy Bích, đem thủ hạ và hương dõng đi tuần thám, gặp giặc ; giặc vừa đánh vừa lui. [Bọn Bích] đuổi một ngày một đêm, đến bãi Vụ Thủy thuộc hải phận Hải Nam, phủ Quỳnh Châu nhà Thanh, đánh đắm một thuyền giặc chém được tên đầu đảng nhà Thanh là Ngô Á Tam và bắt sống được tên đầu đảng là Phạm A Bát. Còn tên Bảo nhảy lên bờ, chỉ kịp một mình trốn thoát. Các thuyền khác chạy về phía đông, đều bị quan quân nhà Thanh bắt.

Thự Tuần phủ Lê Ðạo Quang đem việc đó tâu lên. Vua rất khen ngợi, thưởng Phan Huy Bích Tòng bát phẩm bá hộ và 500 quan tiền.

Vua bảo bộ Binh rằng : “ Bọn phỉ ấy bị dồn đến bước đường cùng, đều do sức quân hương dõng của nước ta , quan nhà Thanh nhờ đó mới được thành công, chẳng hay lũ người nhà Thanh ở những thuyền gặp nạn, có nghe biết không ! Vua liền sai ty thuộc ở bộ, đi ra vụng Trà Sơn dò hỏi.

Sau đó Phan Huy Bích lại săn bắt được Nguyễn Bảo, đem nộp. Giặc biển yên hết. Vua xuống chỉ khen thưởng, cho Phan Huy Bích Chánh thất phẩm thiên hộ, thưởng thêm 100 lạng bạc, 200 quan tiền.” (Ðại Nam Thực Lục, bản dịch của Viện Sử Học, tập 3, trang 459).

Thanh Thực Lục, qua văn bản dưới đây, cũng xác nhận việc Thổ mục Việt Nam đã bắt được Trần Gia Hải, vùng biển giữa Trung Quốc và Việt Nam trở nên thanh bình :

Ngày 25 Bính Thân tháng 3 năm Ðạo Quang thứ 13 [14/5/1833]

Dụ Nội các :

“ Bọn Lô Khôn do dịch trạm dâng tấu triệp khẩn rằng đã bắt được tên cướp quan trọng người Việt Nam là Trần Gia Hải, quét sạch sào huyệt phỉ, mặt biển Hoa Di thanh bình.

“ Vụ án về gian dân Viêt Nam Trần Gia Hải tức Nguyễn Bảo, cùng với bọn du phỉ nội địa là Dương Tựu Phú đều tại núi Cẩu Ðầu thuộc biển Di hô hào tụ tập, bắt nhiều người nhập bọn, tổng cộng thuyền có 36 chiếc, cướp bóc bốn phương. Trước đó bị Du kích Lâm Phượng Nghi mang binh thuyền đến biển Di vây bắt, Ðô ty Dư Thanh đã bắt sống được Dương Tựu Phú và nhiều tên đồng đảng. Thuyền của Trần Gia Hải đâm vào đá ngầm bị hư, mang vợ và đồng bọn chạy trốn vào núi. Nay cứ tấu xưng Thổ mục Việt Nam bẩm báo đã bắt sống được Trần Gia Hải tức Nguyễn Bảo, cùng đồ đảng Nguyễn Văn Quân gồm đàn ông đàn bà 11 tên, áp giải vế châu đồn giam cấm ” (Tuyên Tông Thực Lục quyển 233, trang 1-3)

C. Tàu thuyền Trung Quốc bị thất lạc :


Theo văn bản Thanh Thực Lục ngày 20/4/1833 nêu trên, cho biết trong cuộc hành quân, nhà Thanh bị thất lạc 2 chiếc mễ đĩnh : 1 chiếc thuộc doanh Ðề Tiêu Trung và chiếc khác thuộc doanh Dương Giang Hữu. Nhưng cuối cùng tìm được 1 chiếc, chỉ còn mễ đĩnh số 2 của doanh Ðề Tiêu Trung, chở 70 quan quân và trọng pháo thì vô âm tín. Vua Ðạo Quang ra lệnh Tổng đốc Lưỡng Quảng thông báo cho Quốc vương Việt Nam, nhờ tìm giúp :

Ngày 11 Tân Tỵ tháng 5 năm Ðạo Quang thứ 13 [28/6/1833]

Dụ Nội các :

“ Lô Khôn tâu rằng ‘Thuyền quân tại biển gặp gió, đã tra tìm lâu nhưng không có tung tích, xin thông báo cho Việt Nam để tìm khắp nơi.’

“ Ðề đốc Quảng Ðông Lý Tăng Giai mang tướng binh như bọn Lâm Khai Cương, tuần dương bắt cướp vào tháng 12 năm ngoái. Tại vùng biển Tây Lộ gặp gió bão, hai người trước [Lý Tăng Giai], sau [Lâm Khai Cương] đều dạt vào cảng ; duy mễ đĩnh hiệu số 2 thuộc doanh Ðề Tiêu Trung chở 70 người cùng vũ khí trọng pháo, tra ra không có tung tích. Vùng biển Trúc Sơn, châu Khâm, tiếp giáp với biển Di [Việt Nam] ; ngoại trừ Lô Khôn đã thông sức cho viên Thông phán châu Khâm gửi văn thư cho viên Thổ quan châu Vạn Ninh, dò tìm tại vùng biển trong lãnh thổ nước này. Lại ra lệnh thông báo cho Quốc vương Việt Nam, ra lệnh cho các trấn mục tại ven biển tra tìm khắp nơi. Nếu như chiếc mễ đĩnh phiêu dạt đến lãnh thổ nước này thì báo tin gấp, và ra lệnh thuộc hạ hộ tống đến nội địa. Tra rõ có bị thương, gặp khốn khó không, tâu rõ để theo lệ mà liệu biện ”. (Tuyên Tông Thực Lục quyển 237, trang 13-14)

Cuối cùng nhà Thanh được Việt Nam thông báo cho biết chiếc mễ đĩnh này trôi dạt đến vùng biển Trà Sơn, tỉnh Quảng Nam, rồi ghé được vào. Người bị nạn được chu cấp, nước ta giúp sửa chữa lại mễ đĩnh, rồi dùng thuyền hộ tống về nước ; thuyền ghé tại cảng Hổ Môn, ngay cửa sông Châu giang, tỉnh Quảng Ðông:

Ngày 14 Quí Sửu tháng 6 năm Ðạo Quang thứ 13 [30/7/1833]

Dụ Nội các :

“ Ngày hôm nay bọn Lô Khôn do dịch trạm khẩn dâng tấu triệp ‘Nước Việt Nam gửi văn thư phúc đáp về việc bắt cướp, cùng cho biết thuyền quân bị thất lạc đã ghé tại nước này, được tu sửa rồi dẫn về.’

“ Vào ngày 25 tháng 12 năm ngoái, mễ đĩnh hiệu số 2 của doanh Ðề Tiêu Trung, Quảng Ðông chở gồm 70 quan binh, gặp bão, phiêu dạt đến biển Trà Sơn (5) [Quảng Nam], Việt Nam ; rồi ghé vào. Ðược viên Quốc vương cho tiếp cứu, ưu đãi cấp đồ nhu dụng, sửa lại thuyền, ở tại nơi này lâu đến 4 tháng. Viên Ngoại ủy Lương Quốc Ðống, nhân gặp bão, lam chướng nên qua đời, được nước này sai quan liệu lý, tăng thêm phần tế, tặng. Ðến lúc thuyền quân khởi trình, các binh sĩ đều được thưởng, cùng phái Y sĩ theo, phái binh phụ chèo, thêm súng ống phòng ngự. Ðến ngày mồng 4 tháng 5 năm nay đến Hổ Môn [虎門] ” (6).

“ Nước Việt Nam xa cách nơi trùng dương, vốn là nước cung thuận ; nay viên Quốc vương nhân thuyền nội địa gặp bão phiêu dạt đến, lưu lại khoản đãi, mọi sự đều chu tất, lòng thành tận lễ, thực đáng khen. Lệnh giáng sắc khen, lại thưởng viên Quốc vương 4 tấm đoạn mãng bào, 4 tấm thiểm đoạn, 4 tấm thải đoạn, 4 tấm tố đoạn, để biểu thị sủng ái. Lần này viên Quốc vương đem những hàng để dằn thuyền, cùng những hàng sẽ cho xuất khẩu trong tương lai, đều được ban ơn miễn thuế. Vẫn tuân theo chương trình cũ, cho mở thuyền mua bán để khỏi đình trệ. Những vật ban thưởng như lụa đoạn cho viên Quốc vương, lệnh bộ Lễ nhắm vào thánh 7 năm nay, khi Sứ thần nước này từ kinh đô trở về, thì tiện dịp cho mang về. Những viên quan do nước này sai đến như bọn Lê Văn Khiêm, lệnh cho Tổng đốc, Tuần phủ ưu đãi thưởng cấp. Bộ liên hệ gửi văn thư cho viên Quốc vương hay biết ”. (Tuyên Tông Thực Lục quyển 238, trang 18-20)


D. So sánh về khả năng tác chiến và kỹ thuật hàng hải hai nước :


Ðể so sánh được công bình, cần lưu ý đến thành phần và lực lượng của hai bên.

Về phía nhà Thanh gồm lực lượng hải quân tỉnh Quảng Ðông, dưới quyền chỉ huy của viên Ðề đốc Lý Tăng Giai ; được trang bị các loại mễ đĩnh chở bảy, tám chục thủy thủ, có gắn trọng pháo. Cần lưu ý tỉnh Quảng Ðông ngày nay diện tích 18 vạn km2, dân số 79 triệu, xấp xỉ với nước Việt Nam. So với thời nhà Thanh, diện tích hiện nay bé hơn, vì đã cắt phần đất phủ Liêm Châu xưa cho tỉnh Quảng Tây.

Phía Việt Nam là lực lượng lính địa phương thuộc châu Vạn Ninh, phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên ; nhìn trên bản đồ, lãnh thổ châu Vạn Ninh chưa bằng 1/100 tỉnh Quảng Ðông. Viên Châu mục sau khi đoạt chiến công được thăng Bát phẩm, như vậy trước đó chỉ giữ chức Cửu phẩm, là hàm thấp nhất trong phẩm hàm của triều Nguyễn. Quân Viêt Nam sử dụng thuyền gì, sử liệu không đề cập đến ; nhưng đây chỉ là lực lương địa phương của châu huyện, chắc chỉ được trang bị loại thuyền câu, hoặc thuyền điện xá là cùng. Loại thuyền này, như lời Hàn Chấn Hoa, đã được trích dẫn ở phần trên ; từng chở Sư ông Thích Ðại Sán, và được thủy thủ nước ta dùng để đến đảo Hoàng Sa.

Với số quân ít hơn, chỉ huy bởi viên chức cấp thấp, thuyền bè không lớn ; nhưng chiến công đoạt được vượt trội quân nhà Thanh, để đến nỗi vua Minh Mệnh có nhận xét rằng ‘…Bọn phỉ ấy bị dồn đến bước đường cùng, đều do sức quân hương dõng của nước ta, quan nhà Thanh nhờ đó mới được thành công…’ (7).

Bàn đến kỹ thuật hàng hài, cần lưu ý rằng cuộc hành quân cùng thời gian, cùng chung vùng biển, cùng chia sẻ  chung thời tiết. Phía nhà Thanh thì 2 thuyền của Ðề đốc và Tham tướng đều bị bão trôi dạt đến hai địa điểm khác nhau tại đảo Hải Nam ; hai chiếc mễ đĩnh bị thất lạc, một chiếc trôi dạt đến tận bán đảo Sơn Trà, Quảng Nam ! Riêng thuyền của Châu mục Vạn Ninh, Việt Nam đuổi giặc bén gót, băng qua biển đến đảo Hải Nam, cuối cùng bắt được thuyền giặc. Với kết quả tương phản, tự nó đã nói lên được kỹ thuật hàng hải của hai nước.

Còn về tốc độ thuyền, sử liệu cho biết thuyền của Châu mục Phan Huy Bích vừa đuổi, vừa đánh giặc cướp, chạy từ ven biển tỉnh Quảng Yên đến đảo Hải Nam mất 1 ngày 1 đêm. Tra bản đồ thấy khoảng cách giữa hai địa danh này gần 300 km, cũng qua bản đồ, từ bờ biển miền Trung Việt Nam đến quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km. Với những con số vừa trình bày, có thể đánh đổ lập luận của nhà biên khảo Hàn Chấn Hoa nêu ở trên, cho rằng thuyền của nhà Nguyễn sai đi hàng năm không thể đến được đảo Hoàng Sa (Paracel). Nói một cách rõ hơn, với tốc độ 1 ngày 1 đêm chạy được 300 km, vậy qua thời gian 3 ngày 3 đêm như Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Ðôn chép, thuyền của Việt Nam thừa sức đến được quần đảo Hoàng Sa.

Tổng kết với tư liệu lịch sử vừa trích dẫn, là những bằng chứng hùng hồn, giúp từng bước một, bẻ gãy mọi lập luận sai trái của nhà biên khảo Hàn Chấn Hoa trong Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên.

Hồ Bạch Thảo

Chú thích

1. Hàn Chấn Hoa, Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên. Nhà xuất bản Hạ Môn Ðại Học Nam Dương Nghiên Cứu Sở : Trung Quốc, 1885.

2. Ngã quốc Nam Hải sử liệu hối biên, sách đã dẫn, trang 21.

3. Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Ðôn.

4. Mễ đĩnh : một loại thuyền đi biển đời Thanh, sản xuất tại vùng huyện Ðông Hoàn, Quảng Ðông ; với đặc điểm chắc chắn và nhanh, trọng tải 2500 thạch.

5. Trà Sơn : địa danh là Sơn Trà, sử nhà Thanh chép ngược lại ; đây là một bán đảo, thời nhà Nguyễn thuộc tỉnh Quảng Nam, nay thuộc thành phố Ðà Nẵng.

6. Hổ Môn : tên trấn, tại cửa sông Châu Giang, thuộc huyện Ðông Hoàn tỉnh Quảng Ðông.

7. Ðại Nam Thực Lục, bản dịch của Viện Sử Học, tập 3, trang 459.

(sưu tầm)

xem thêm:

Bí mật hải quân nhà Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét