20 thg 9, 2011

Tản mạn về chữ Việt cổ


           Từ hàng nghìn năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đều khẳng định: Việt Nam có chữ viết từ rất sớm, trước chữ Hán cả nghìn năm và hoàn toàn khác chữ Hán. Các nhà nghiên cứu, Anh, Tiệp xác nhận: “Ngay từ trước công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh - loại chữ ghép chữ cái thành từ”. Điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như: lưỡi cày, lưỡi xéo, đặc biệt là trống đồng…cùng các hình vẽ chữ viết trên đá cổ Sa Pa, Xín Mần. Pá Màng… theo một hệ thống nhất quán, tất cả đều thể hiện đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện dần thành bộ chữ “khoa đẩu”.

                - Khái lược về chữ Việt cổ:

               Ở Việt Nam, từ lâu, những nhà nghiên cứu như: Trương Vĩnh Ký, Vương Duy Trinh, Lê Huy Nghiệm, Lê Trọng Khánh, Hà Văn Tần, Trần Trọng Thêm, Phạm Ngọc Liễn, Đỗ Văn Xuyền… cùng đông đảo các nhà nghiên cứu Việt kiều đã có những thành công đáng kể. Qua các di chỉ khảo cổ, đặc biệt là các di chỉ thuộc nền văn minh Đông Sơn, trống đồng Lũng Cú, các bản khắc đá cổ… các nhà khoa học đã có những luận cứ chắc chắn, khoa học chứng minh cho sự tồn tại của chữ Việt cổ - chữ “khoa đẩu” mà thuở xưa Hùng Quốc Vương cho khắc trên lưng rùa bản tóm tắt lịch sử nước ta tặng cho vua Nghiêu để tỏ tình hòa hiếu – (Theo cổ sử Trung Quốc “vào thời Vua Nghiêu ( năm 2357 trước công nguyên) có sứ giả Việt Thường đến kinh đô tại Bình Dương (phía bắc sông Hoàng Hà - tỉnh Sơn Tây ngày nay) để dâng một con thần quy, vuông hơn ba thước, trên lưng có khắc chữ Khoa Đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau”. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy Lịch. Sách Lĩnh Nam Chích Quái của ta cũng ghi rõ điều này. Trong một bản Ngọc phả từ thời vua Trần Thái tông cũng ghi: “Nghiêu thế, Việt Thường thị kiến thiên tuế thần qui, bối hữu Khoa đẩu” nghĩa là thời vua Nghiêu, nước Việt Thường tặng rùa thần nghìn tuổi, lưng có chữ Khoa đẩu). Đó chính là bộ chữ ẩn trong bộ chữ “hỏa tự” do Tri châu Phạm Thận Duật tìm thấy ở Tây Bắc năm 1855 - 1856, cùng nhiều tài liệu khác có cùng cấu trúc đồng dạng – (Vương Duy Trinh năm 1903 là Tổng đốc Thanh Hóa, ông viết trong “Thanh Hoá quan phong” in năm 1903 đã cho rằng chữ Thái là chữ Việt cổ còn sót lại ở Tây Bắc. Vương Duy Trinh viết: “Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn (biên giới xa) nên dân ta còn lưu giữ được thứ chữ ấy. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp (186) bắt bỏ hết để học Hán tự”. Bộ chữ Thái thổ tự của Phạm Thận Duật phát hiện năm 1855 cũng ở vùng Tây Bắc).

          Các nhà khoa học cho rằng văn tự này có thể là một biến thể của chữ “Khoa đẩu” hay “Hoả tự” đã ghi trong cổ sử. Thứ chữ đã tồn tại trong nền văn hoá tiền Việt - Mường. Do không được sử dụng phổ biến, bộ chữ này bị đóng băng, không phát triển theo kịp những biến âm trong tiếng nói người Việt hiện đại. Đến thế kỷ 16 khi đạo thiên chúa truyền vào nước ta, một nhóm trí thức người Việt đã cùng các giáo sĩ phương tây La Tinh hoá bộ chữ này thành chữ Quốc ngữ mà ta đang dùng ngày nay. Bộ chữ khoa đẩu ấy hình thành và phát triển đồng hành với dân tộc Lạc Việt cả về thời gian, không gian và quá trình lịch sử. Bộ chữ ấy dùng để ghi tiếng nói của người Việt cổ trước công nguyên, tồn tại song hành cùng ngôn ngữ Việt, thích ứng với đặc điểm ngôn ngữ Việt. Cũng chính vì tìm được cách giải mã chữ Việt cổ mà các nhà nghiên cứu hiện nay có thể đọc được dễ dàng những trang sách chữ Quốc ngữ có tuổi hàng mấy trăm năm, nay chỉ còn lưu giữ giải rác trong dân và trong thư viện Lisbon, Pari, Roma… mà đến thế kỷ 16 khi đạo thiên chúa truyền vào nước ta, một nhóm trí thức người Việt đã cùng các giáo sĩ phương tây La Tinh hoá bộ chữ này thành chữ Quốc ngữ mà ta đang dùng ngày nay.

         Đặc biệt theo: “Những tín hiệu thu được từ bản lược đồ địa danh ngôn ngữ Việt cổ” của giáo sư Lê Trọng Khánh, thì không gian phân bố của chữ Việt cổ vô cùng rộng lớn, góp phần vào việc vạch phương hướng tìm hiểu cương vực và nguồn gốc người Việt cổ. Như vậy “Chữ viết đóng góp quyết định vào nền văn minh Việt cổ” và: “Sự đồng nhất ngôn ngữ trên chữ viết và địa danh cổ càng khẳng định tính chất bản địa của người Việt cổ có nguồn gốc Đông Sơn và rất gần với nhau. Vấn đề này có liên quan đến việc phân bố dân cư cổ đại có nguồn gốc chung trên một địa bàn. Sự đồng nhất ngôn ngữ trên chữ viết và địa danh cổ, tổ tiên trực tiếp của chúng ta ngày nay. Người Lạc Việt đã sáng tạo văn minh Đông Sơn, có ảnh hưởng rất lớn đối với các dân tộc khác trước công nguyên” – (Lê Trọng Khánh). Cũng chính vì vậy mà bao năm Sỹ Nhiếp ra lệnh triệt phá, tàn sát, bộ chữ “khoa đẩu” của người Việt cổ vẫn có một sức sống bất diệt. Do tính chất khoa học và tiến bộ đặc biệt của bộ chữ Việt cổ đã được sáng tạo theo kiểu Alphabet, nên chỉ cần điều chỉnh đôi chút, các dân tộc Bách Việt đã có thể sử dụng để ghi tiếng nói của dân tộc mình, cũng như của Tổ Tiên Bách Việt.

              Một trong những thành tựu rực rỡ nhất mà ông cha ta xây dựng nên từ thời tiền sử là thành tựu giáo dục. Thời Hùng Vương chúng ta đã có một hệ thống giáo dục với các trường học, các thầy cô giáo và các học sinh. Cha ông ta đã phát minh ra giấy viết. Các nhà nghiên cứu đã dầy công tìm hiểu và có được chính xác được tên tuổi 18 thầy giáo từ thời Hùng Vương từ thời Hùng Vương thứ 6 và nhiều tên tuổi các học trò nổi danh trong lịch sử. Theo một cuộc điều tra của Pháp những năm 30 về hệ thống đền, đình ở nước ta - tài liệu vẫn còn lưu trữ ở Viện Hán - Nôm, thì toàn miền Bắc và miền Trung có hơn 40 đền thờ các thầy cô giáo và những học trò thời trước Hán, tức là thời Hùng Vương đến thời An Dương Vương. Tại thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) nằm trong địa phận của Kinh đô Văn Lang xưa, có đền Thiên Cổ Miếu, nơi tương truyền thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, đời Hùng Vương thứ 18, dạy hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Cho đến nay, qua những chứng tích còn lại, đấy là ngôi đền thờ thầy cô giáo, tôn vinh sự học cổ nhất ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cũng thống nhất được bộ chữ Quốc ngữ được các giáo sỹ phương tây cùng những trí thức Việt Nam La Tinh hóa tên cơ sở bộ chữ “Khoa đẩu”, mà công đầu là của hai giáo sỹ Bồ Đào Nha: Cha Gaspan do Amaral và Cha Antonio Barbosa cùng đội ngũ những trí thức người Việt bằng những căn cứ khoa học không thể chối cãi đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước thừa nhận. Trên cơ sở công trình đó, sau này Alexandre de Rhodes hệ thống hóa và chỉnh lý hoàn thiện thêm.
             Như vậy, các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước qua hệ thống di chỉ khảo cổ, qua khảo cứu ngôn ngữ: thư tịch cổ, địa danh ngôn ngữ… đã khẳng định chắc chắn: Chữ Việt cổ đã từng tồn tại và phát triển ở trình độ cao từ rất sớm.

          - Đôi điều suy nghĩ:

            Các công trình nghiên cứu chữ Việt cổ mới mang tính tự phát, xuất phát từ cái tài, cái tâm của một số nhà khoa học; chưa có sự tổ chức tham gia của nhiều nhà khoa học và chuyên nghành liên quan; chưa có các hội thảo khoa học đúng nghĩa mang tầm quốc gia về vấn đề này. Bởi vậy ngay trong giới nghiên cứu cũng chưa có tiếng nói chung, con đường đến đích cũng vì thế mà dài thêm và không tránh khỏi có những vấn đề còn phải bàn bạc.
           Gần đây có những công trình rất đáng chú ý, như: “Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu”, của giáo sư Lê Trọng Khánh. Bằng những cứ liệu khoa học và khảo cứu ngôn ngữ mang tính bản địa đặc thù và nhất quán, giáo sư đã chỉ ra được sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ từ thấp lên cao. Song công trình chưa đưa ra được hệ thống chữ cái, cấu trúc ngữ pháp, cách nói và viết của người Việt cổ. Song công trình cả cuộc đời ấy có giá trị to lớn, đặt nền móng cơ sở vững chắc cho các công trình nghiên cứu tiếp của các học giả khác. Trong công trình này có những phần đặc biệt quí giá như: “Những tín hiệu thu được từ bản lược đồ địa danh ngôn ngữ”. Theo giáo sư nghiên cứu địa danh cổ là cơ sở để suy nghĩ về nguồn gốc người Lạc Việt. Và cùng từ lớp địa danh cổ này, khẳng định một vấn đề quan trọng, người Lạc Việt là cư dân bản địa, bắt nguồn từ một cộng đồng người cổ, vốn đã sinh sống trong tiền sử trên đất nước ta. Người Lạc Việt từ Hai Bà Trưng trở về trước, trong ngôn ngữ có lớp từ cơ bản là thống nhất; chính sự xâm nhập của người Hán – là yếu tố cơ bản có tác động đến sự chuyển hóa dần dần tiếng nói của người Lạc Việt thành những nhóm ngôn ngữ có yếu tố khác nhau trong lịch sử.
Những dẫn liệu về địa danh cổ không dừng lại ở giới hạn sử liệu khô khan mà còn nêu lên nguyên nhân cơ bản lịch sử, đặc biệt từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, phương Bắc đã chiếm đất và đồng hóa một bộ phận người Lạc Việt ở Lưỡng Việt và làm phân liệt về tộc người thành các bộ phận khác nhau
            Giáo sư vẫn ao ước có một sự tài trợ đúng mức về tinh thần và vật chất để hoàn thành công trình: “Yếu tố Mường – Việt trong ngôn ngữ Thái”, thêm một cứ liệu cho công trình chữ Việt cổ. Ở tuổi 88 trí tuệ còn rất minh mẫn, sức khỏe còn tốt, bầu nhiệt huyết với văn hóa dân tộc vẫn tràn đầy..!
           Ông Đỗ Văn Xuyền ở thành phố Việt Trì, năm nay đã gần 80 tuổi, đã mấy chục năm nghiên cứu về chữ Việt cổ. Theo ông là đã giải mã được bộ chữ Khoa đẩu, dùng bộ chữ ấy ghi lại được các mặt đời sống xã hội từ cổ đại cho đến hiện đại. Ông cũng dày công tìm được hệ thống thầy cô giáo thời Hùng Vương trên khắp đất nước và khao khát công trình được nghiệm thu, chữ Việt cổ được công khai thừa nhận và được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.
           Dư luận quan tâm rất cảm phục cái tài, cái tâm của các nhà nghiên cứu chữ Việt cổ, song không khỏi băn khoăn: cứ liệu để khẳng định sự tồn tại của chữ Việt cổ qua di chỉ khảo cổ còn quá ít, chưa đủ sức thuyết phục. Chữ “khoa đẩu” tìm được giống chữ Thái Việt Nam tới trên 70%, nhưng việc chứng minh chữ Thái có nguồn gốc từ chữ Khoa đẩu chưa đủ tính thuyết phục, trong khi đại đa số các nhà nghiên cứu chữ Thái đều thống nhất: 8 loại hình kí tự cổ khác nhau của người Thái đều bén rễ từ một gốc chữ Sanscrit (Ấn Độ) thông qua mẫu tự Khmer. Ngay cách đọc các chữ cái khoa đẩu cũng giống người Thái đọc. Vậy ngày xưa ngôn ngữ nói và viết của người Việt cổ như thế nào? Hiện nay còn bao nhiêu phần trăm còn trong ngôn ngữ nói hiện đại? Chữ khoa đẩu mà có nhà nghiên cứu dùng ghi âm được mọi mặt sinh hoạt trong xã hội hiện đại, vậy xã hội mà khi chữ khoa đẩu cực thịnh đã phát triển tới mức nào so với xã hội hiên nay. Trong khi chữ Khoa đẩu đã bị xóa sổ cách đây mấy nghìn năm?... Ngay một số hoành phi, câu đối được trình bầy bằng chữ “Việt cổ” ở nơi nào đó phải chăng cũng là duy ý chí, bởi đã lấy gì đảm bảo chắc chắn thứ chữ đó là chính xác – (bởi vậy nơi nào đó đã dùng “chữ Việt cổ” trong các đền thờ... thì nên chú giải đó là “chữ Việt cổ của ông A hay ông B”)!

            - Thay lời kết:

          Sự tồn tại và phát triển của chữ Việt cổ là một sự thật khách quan, được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước thừa nhận, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Việc nghiên cứu, tìm và giải mã được chữ Việt cổ có tác dụng to lớn giúp ta hiểu thêm về lịch sử nước nhà, tăng cường lòng tự hào dân tộc. Công trình chữ Việt cổ của các nhà nghiên cứu, dù thành công ở mức nào cũng rất đáng trân trọng. Bởi tất cả những tư liệu quí báu đó như những đốm lửa làm nên ngọn lửa, soi sáng cho chúng ta trên con đường tìm được, giải mã được, khẳng định được chữ Việt cổ của Tổ Tiên! Song việc nghiên cứu, thành quả nghiên cứu phải được soi sáng dưới ánh sáng khoa học, không thể duy ý chí dẫn đến những hệ quả thiếu tích cực.
            Mong sao công trình chữ Việt cổ của các nhà nghiên cứu được chú trọng và đầu tư đúng mức trong lúc còn chưa quá muộn.

Trần Vân Hạc (?)

(sưu tầm)
_________________

1 nhận xét:

hohyhung nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

Đăng nhận xét