25 thg 1, 2018

CỘI NGUỒN KINH DỊCH VÀ CÁC VẤN ĐỀ CỦA TƯƠNG LAI.


THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
 
***
CỘI NGUỒN KINH DỊCH VÀ CÁC VẤN ĐỀ CỦA TƯƠNG LAI.
Nguyễn Vũ Tuấn Anh.


Văn hiến Việt Nam, chìa khóa khám phá chân lý cuối cùng của vũ trụ, cho sự phát triển bền vững.
Kính thưa quí vị
Hôm nay, chúng ta họp mặt nơi đây, để trao đổi và khám phá bản chất và cội nguồn của kinh Dịch với hệ thống ký hiệu quen gọi là Bát quái. Chúng ta cũng dễ dàng thống nhất ý kiến về tính bí ẩn huyền vĩ của bộ sách gọi là Chu Dịch này, vốn được coi là "tứ đại ký thư" của nền văn minh Đông phương. Vào thế kỷ trước, chính phủ Trung quốc, vốn tự nhận là cội nguồn của văn minh Đông phương, đã phổi hợp với UNESCO cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc, bốn lần tổ chức hội thảo  quốc tế về kinh Dịch, nhưng vẫn chưa thể khám phá được bản  chất và cội nguồn của nó.
Nhưng để tìm ra bản chất đích thực của sự kiện và vấn đề thì quy mô tổ chức không phải là yếu tố quyết định. Mà nó còn lệ thuộc vào phương pháp tiếp cận, khám phá bản chất hiện tượng.Cho nên, mặc dù với quy mô nhỏ hơn và bất cập về nhiều phương diện, chúng ta vẫn đủ tự tin để tổ chức một cuộc hội thảo về những bí ẩn của nền văn minh Đông phương.
Nếu cuộc hội thảo khoa học về kinh Dịch lần này của chúng ta thành công với những kết luận của nó, thì đây chính là một đóng góp quan trọng, vì làm sáng tỏ bản chất của nền văn minh Đông phương kỳ vĩ và đầy huyền bí, đang sừng sững thách đố trí tuệ của toàn thể nhân loại.
Ra ngoài khoa học, bà Vanga nhà tiên tri nổi tiếng người Bungari đã nói:
"Một lý thuyết cổ xưa sẽ quay trở lại với nhân loại trong tương lai".
Lý thuyết cổ xưa đó nằm ở đâu trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại và nó có thật hay không? Phải chăng đó chính là một lý thuyết thống nhất vũ trụ còn tiềm ẩn trong lịch sử văn minh nhân loại, mà con người chưa khám phá ra? 
Từ những vấn đề được đặt ra, chúng tôi tin tưởng vào ý nghĩa của việc tìm kiếm những bí ẩn của nền văn minh Đông phương huyền vĩ. Mà một trong những bí ẩn lớn nhất chính là "Cội nguồn kinh Dịch",  để chúng ta có mặt nơi đây ngày hôm nay.
Chúng ta cũng đã biết rằng: mục tiêu của những khoa học gia hàng đầu, vẫn quan sát và tìm kiếm để tạo ra một lý thuyết thống nhất cho con người nắm bắt và làm chủ được cuộc sống của mình. S.W Hawking đã giúp lý giải cho động cơ của các nhà khoa học:

“Nếu chúng ta thực sự tìm ra được một lý thuyết tối hậu về vũ trụ, thì điều đó có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn hoàn toàn rằng quả chúng ta đã tìm ra được một lý thuyết hoàn chỉnh. Song nếu lý thuyết chặt chẽ về mặt toán học và luôn đưa ra được những tiên đoán phù hợp với quan sát, thì chúng ta có thể tin một cách hợp lý rằng đó là một lý thuyết đúng đắn. Nó sẽ kết thúc một chương dài và vinh quang trong lịch sử đấu tranh trí tuệ của con người để tìm hiểu vũ trụ. Đồng thời nó cũng cách mạng hóa sự hiểu biết các định luật vũ trụ của con người bình thường".
Tuy nhiên, cũng chính Hawking đã viết
“Đến thời điểm này, đa số các nhà khoa học quá bận rộn vào việc phát triển những lý thuyết để trả lời câu hỏi như thế nào và chưa bận tâm tới câu hỏi vì sao? Mặt khác, những triết gia là những người mà công việc là đặt ra câu hỏi vì sao, lại không đủ điều kiện để thông tuệ được các lý thuyết hiện đại.” 
Và để tiếp tục cho những vấn được đặt ra, tôi xin được bắt đầu trình bày với tiêu mục:

I.Thế giới tìm hiểu những giá trị của văn minh Đông phương.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu, tài liệu và hội thảo về Kinh Dịch trên khắp thế giới, nhưng kết quả vẫn là sự huyền bí kỳ vĩ của nền văn minh Đông phương, sừng sững thách đố trí tuệ nhân loại trong sự hội nhập của lịch sử các nền văn minh..
Giáo sư Lê Văn Sửu – một học giả có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa cổ Đông phương của Việt Nam – đã nhận xét trong tác phẩm "Nguyên lý thời sinh học cổ phương Đông" của ông như sau:
"Gần đây có rất nhiều nhà khoa học ở đủ mọi ngành và ở nhiều nơi trên thế giới, với các phương tiện hiện đại có nhiều đặc tính ưu việt như: tinh vi, nhanh chóng, chính xác trong tay, họ đã và đang nghiên cứu nền tảng của di sản văn minh phương Đông này. Thế nhưng, sự tiếp cận thực chất của nó còn đang là một khó khăn to lớn".
Người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai.
Cái sai lớn nhất, chính là con người trong lịch sử nền văn minh đã mặc định kinh Dịch thuộc về nền văn minh Hán. Chính vì sự mặc định này, cho nên hệ quả tất yếu của nó là: Mặc nhiên xác định những yếu tố cấu thành nên nội dung của những giá trị phương Đông là những thành tựu của nền văn minh này và coi là đối tượng nghiên cứu, không cần biết đúng hay sai, ngay trong nội hàm của nó. Hay nói cách khác: Sự hiểu sai về nguồn gốc của nền tảng tri thức, tạo nên một hệ thống tri thức sản phẩm của nó là kinh Dịch, đã tạo ra sự bế tắc - khi không thể hiểu được những phạm trù, thuật ngữ khái niệm... cấu thành nên hệ thống tri thức của kinh Dịch. Tất nhiên, khi ngay cả nội hàm những cấu trúc và câu từ mô tả trong kinh Dịch, còn mờ mịt khó hiểu thì không thể có khả năng hiểu toàn bộ hệ thống.
Cái sai thứ hai chính là phương pháp nghiên cứu. Nhận định của Giáo sư Lê Văn Sửu trong cuốn "Nguyên lý thời sinh học cổ phương Đông" của ông, đã cho thấy định hướng một phương pháp nghiên cứu sai.
Kinh Dịch là sản phẩm của tư duy tổng hợp trừu tượng, những quy luật tương tác của tự nhiên, vũ trụ, cuộc sống và con người có thể tiên tri. Hay nói rõ hơn: Kinh Dịch là sản phẩm của hệ thống tư duy trừu tượng và là thành tố trong cấu trúc của một hệ thống lý thuyết. Trong khi đó, tất cả các phương tiện kỹ thuật, chỉ hỗ trợ cho sự nhận thức trực quan những trạng thái tồn tại của vật chất của con người.
Nói một cách đơn giản hơn: Chúng ta không thể đi tìm bản chất các ký hiệu Bát quái bằng kính hiển vi. Dù đó là kính hiển vi hiện đại nhất.
Và đó là nguyên nhân để những phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho nhận thức trực quan của việc khám phá cấu trúc thế giới vật chất, không phải là điều kiện đủ để thẩm định một hệ thống lý thuyết đúng hay sai.
Chúng tôi xác định rằng:
Bất cứ một học thuyết, một hệ 
thống lý luận nào, dù nhân danh khoa học hay tôn giáo, đều phải có những điều kiện cho sự hình thành và phát triển của nó.
Những tiêu chí xác định một học thuyết, một hệ luận thuộc về nền văn minh nào phải gồm tối thiểu ba yếu tố sau đây:
1/ Lịch sử phát triển và hình thành học thuyết được mô tả một cách hợp lý thuộc về lịch sử của nền văn minh đó.
2/ Tính hệ thống, hoàn chỉnh, nhất quán và hợp lý nội tại của một học thuyết hình thành trong một nền văn minh.
3/ Nền tảng tri thức của một nền văn minh là cơ sở cho sự hình thành một học thuyết thì nó phải có khả năng phục hồi lại học thuyết đó.
Trên cơ sở những tiêu chí này, chúng tôi trình bày lần lượt các vấn đề liên quan để chứng minh quan điểm của chúng tôi và là cơ sở để tìm về cội nguồn kinh Dịch và bản chất của nó.
Chúng tôi xin bắt đầu từ tiêu chí thứ 1:
I1.Lịch sử phát triển và hình thành học thuyết mô tả một cách hợp lý thuộc về lịch sử của nền văn minh đó.
Từ vấn đề này, chúng tôi lần lượt trình bày lịch sử kinh Dịch mô tả qua bản văn chữ Hán và rất phổ biến từ hàng ngàn năm qua, như sau:
I. I. 1/ Hà Đồ và Thiên thiên Bát quái.
Theo truyền thuyết được ghi nhận trong các bản văn cổ chữ Hán:
Vua Phục Hy - được coi là xuất hiện vào khoảng 6500 cách ngày nay - đi tuần bên sông Hoàng Hà, thấy con Long mã xuất hiện. Trên lưng Long Mã có những vòng xoáy. Căn cứ vào vòng xoáy trên lưng Long Mã, vua Phục Hy làm ra Hà Đồ và tạo ra Tiên thiên bát quái.
Tuy nhiên đồ hình Hà Đồ và Tiên Thiên Bát quái chính thức xuất hiện vào cuối thời Tống - 1000 năm cách ngày nay - do Thiệu Khang Tiết công bố. Tức là nó chỉ chính thức xuất hiện vào 5500 năm sau khi được coi là do vua Phục Hy phát hiện theo truyền thuyết.
I.I. 2/ Lạc Thư.
Theo truyền thuyết được ghi nhận trong các bản văn cổ chữ Hán:
Vua Đại Vũ - được coi là 4000 năm cách ngày nay, (tức 2500 năm sau vua Phục Hy phát minh ra Hà Đồ phối Tiên Thiên Bát quái)  - đi trị thủy ở sông Lạc Thủy, thấy một con rùa thần, trên lưng , đầu tứ chi và đuôi có những chấm lạ. Dựa trên những chấm này, vua Đại Vũ phát minh ra đồ hình Lạc Thư và làm ra Hồng Phạm cửu trù. Trù thứ nhất chính là sự mô tả Ngũ hành.
I. 1. 3/ Hậu Thiên bát quái và bản văn Chu Dịch.
Theo truyền thuyết được ghi nhận trong các bản văn cổ chữ Hán:
A/ Vua Văn Vương - được coi là 3000 năm cách ngày nay , (Tức sau vua Đại Vũ 1000 năm và vua Phục Hy 3500 năm) - bị vua Trụ Vương giam ở ngục Dữu Lý 7 năm (Có sách chép 2 năm). Trong thời gian bị giam giữ, đã căn cứ vào đồ hình Lạc Thư của vua Đại Vũ, phát minh ra Hậu Thiên Bát quái và viết Soán Từ mô tả tính chất 64 quẻ Dịch Hậu Thiên bát quái.
B/ Con của Chu Văn Vương là Chu Công Đán soạn ra Hào Từ.
 C/ Khổng tử - được coi là 2500 năm cách ngày nay , (Tức sau vua Phục Hy 3500 năm; sau vua Đại Vũ 1500 năm và cha con Chu Văn Vương 500 năm - soạn ra Thuyết quái, Thập Dực, Thoán từ thượng hạ truyện. Đến đây cuốn Chu Dịch được coi là hoàn tất theo truyền thuyết được ghi nhận trong các bản văn cổ chữ Hán.
 I. I. 4/ Một điều rất đáng lưu ý là: Theo những bản văn cổ sưu tầm được thì cả những đồ hình như "Tiên Thiên Bát quái phối Hà Đồ" (Được coi là do vua Phục Hy sáng tạo từ trên lưng Long Mã); "Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư" (Được coi là do vua Văn Vương sáng tạo từ Lạc Thư trên con rùa thần), đều chỉ được công bố vào đời Tống do các Đạo gia thực hiện.
Tức là khoảng cách thời gian, từ khi ghi nhận sự sáng tạo của Phục Hy và Văn Vương, đến khi những đồ hình này được chính thức công bố vào đời Tống, lần lượt là:
A/ Đồ hình Tiên Thiên Bát quái phối Hà Đồ (Do vua Phục Hy sáng tạo), đến thời Tống là hơn 5000 năm (?!).
B/ Đồ hình Hậu Thiên Bát quái phối Lạc Thư (Do vua Văn Vương sáng tạo), đến thời Tống là hơn 2500 năm (?!).
I. II - Lịch sử hình thành kinh Dịch theo bản văn chữ Hán - Những vấn đề được đặt ra.
Như vậy, ở phần 1. I, chúng tôi đã trình bày lịch sử kinh Dịch theo truyền thuyết và các văn bản cổ chữ Hán. Trên cơ sở này chúng tôi ứng dụng tiêu chí thứ nhất để phân tích các vấn đề liên quan
Những vấn đề được đặt ra cho lịch sử kinh Dịch mà nền văn minh Hán tự nhận là của họ, có những điều hoàn toàn không thể thuyết phục dưới bất cứ một góc nhìn nào, là:
I.II,1/ Nguyên nhân sự phát hiện ra Bát quái - căn nguyên của kinh Dịch, lại bắt nguồn từ hai linh vật thần thoại là con Long Mã trên sông Hoàng Hà và con Thần Quy trên sông Lạc Thủy.
I.II,2/ Khoảng cách thời gian lịch sử quá dài cho tính ứng dụng và lưu truyền, là:
A/ Từ thời vua Phục Hy đến thời Chu Văn Vương là hơn 3000 năm, đồ hình Tiên thiên Bát quái phối Hà đồ đã dùng để làm gì trong cuộc sống và xã hội, để có điều kiện tồn tại vượt thời gian như vậy?
B/ Từ thời kinh Dịch được coi là hoàn chỉnh vào thời Khổng tử, đến khi hai đồ hình 'Hà đồ phối Tiên Thiên Bát quái" và "Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư", lại chỉ chính thức xuất hiện vào thời Tống. Tức là cách thời Không Tử đúng 1500 năm. Vậy từ thời Khổng Tử cho đến Tống, người ta dùng kinh Dịch để làm gì, ngoài việc bói toán?
C/ Cho đến tận ngày hôm nay, khi tôi đang ở đây trình bày với quý vị với bản tham luận này thì ngay các học giả Trung Hoa và các nhà nghiên cứu trên thế giới, vẫn chưa thể xác định được: "Mục đích ra đời của kinh Dịch".
Và một vân đề đau đầu cho các nhà nghiên cứu cổ kim, là: Thuyết Âm Dương Ngũ hành ra đời vào lúc nào trong lịch sử văn minh Hán? Khi mà thuyết Ngũ hành được cho rằng ra đời vào đời vua Đại Vũ - 4000 năm cách ngày nay - thì từ thời Hoàng Đế - hơn 5000 năm cách ngày nay, tức trước cả vua Đại Vũ hơn 1000 năm - thuyết Âm Dương Ngũ hành đã ứng dụng trong cuốn "Hoàng Đế nội kinh tố vấn"- vốn là một cuốn sách lý luận kinh điển của Đông Y?! Hay nói rõ hơn: Sự ứng dụng của thuyết Âm Dương Ngũ hành với hệ Can Chi ra đời trước khi lý thuyết này được phát hiên hàng Thiên Niên kỷ.
Kính thưa quý vị.
Như vậy, chúng ta có thể xác định ngay rằng: Lịch sử hình thành kinh Dịch theo truyền thuyết và các bản văn chữ Hán, hoàn toàn mơ hồ và không đủ tin cậy.
Bây giờ, chúng ta xét đến tiêu chí thứ II:
II. Tính hệ thống, hoàn chỉnh, nhất quán và hợp lý nội tại của một học thuyết hình thành trong một nền văn minh.
II.1/ Tính chất Ngũ hành của các quái trong Bát quái Tiên Thiên và Hậu Thiên trong tương quan đồ hình tích hợp với nó là Hà Đồ và Lạc Thư.
Để mở đầu cho phần này, chúng tôi xin dẫn lời của nhà nghiên cứu học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn: "Kinh Dịch - Đạo của ngươi quân tử", trong phần nói về Hà đồ, Lạc thư, đã viết như sau:
Nhất là so sánh hai hình đó (Hà Đồ và Lạc Thư) với bát quái, thì dù giàu tưởng tượng tới mấy, cũng không thể bảo rằng bát quái phỏng theo hai đồ hình đó được.
Có thể học giả nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê hiểu theo cách của ông. Nhưng tôi xin trình bày với quý vị góc nhìn của tôi như sau:
A/ Tất cả những ai đã đọc kinh Dịch, đều thấy rất rõ rằng Bát quái có thuộc tính được mô tả trong Thuyết Quái truyện do Khổng Tử san định như sau: Càn là Trời, Khảm là Thủy, Cấn là Núi,là Thổ,  Chấn là Mộc, Khôn là Thổ, Ly là Hỏa, Tốn là Mộc, là gió, Đoài là Kim, là đầm trạch....Nhưng trong kinh Dịch thì không có một chữ nào nói tới Ngũ hành.
B/ Cũng theo sách Hán thì chúng được tích hợp trong hai mô hình là Tiên Thiên Bát quái phối Hà Đồ và Hậu Thiên Bát quái Văn Vương phối Lạc Thư.
Xin quý vị xem hình dưới đây:
TIÊN THIÊN BÁT QUÁI PHỐI HÀ ĐỒ.

phongthuygia_com do hinh tien thien bat quai.jpg

HẬU THIÊN BÁT QUÁI PHỐI LẠC THƯ -

hau thien vv.jpg


C/ Chúng ta cũng biết rằng theo độ số Ngũ hành trong bài khẩu quyết lưu truyền từ thời Tống trong cổ thư chữ Hán, ghi rõ:
Thiên cửu (9) sinh Kim, Địa tứ (4)thành chi
Thiên Thất (7) sinh Hỏa, Địa nhi (2)thành chi.
Trong Hồng Phạm cửu trù theo bản văn chữ Hán cũng ghi rõ: Trong trù thứ nhất là Ngũ hành, như sau:Thiên nhất sinh thủy, Thiên nhị sinh Hỏa, Thiên Tam sinh Mộc, Thiên tứ sinh Kim.
Xin nói rõ hơn: Các bản văn cổ đều xác nhận hành Kim có độ số 4 - 9. hành Hỏa có độ số 2 - 7.
Nhưng so sánh nguyên lý căn để sử dụng trong các phương pháp ứng dụng từ cổ thư chữ Hán, là "Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc thư", thì không có tính nhất quan, tính hệ thống của đồ hình này. Đoài Kim theo bản văn kinh Dịch thì lại ở độ số của hành Hỏa 7; ngược lại quái Ly Hỏa lại ở độ số của hành Kim 9.
Đây là một thí dụ sắc xảo cho thấy sự bất cập ngay từ cấu trúc nguyên lý căn để liên quan đến Kinh Dịch và Ngũ Hành trong các bản văn chữ Hán.
Bây giờ chúng ta xét đến tiêu chi thứ 3:
3/ Nền tảng tri thức của một nền văn minh là cơ sở cho sự hình thành một học thuyết thì nó phải có khả năng phục hồi lại học thuyết đó.
Kính thưa quý vị
Từ hơn 2000 năm nay, tính từ khi nền văn minh Lạc Việt - theo chính sử Việt ghi nhận - sụp đổ ở miền Nam sông Dương tử, thì nền văn minh Hán vẫn không thể phục hồi được học thuyết Âm Dương Ngũ hành và hiểu được bản chất của kinh Dịch. Có lẽ tôi không cần chứng minh. Vì đó là điều hiển nhiên. Những bí ẩn của nền văn minh Đông phương vẫn sừng sững một cách huyền vĩ thách đố tri thức của toàn nhân loại, cho đến tận ngày hôm nay, khi chúng ta đang ngồi đây để tìm về cội nguồn kinh Dịch..
Sự xác định: nền văn minh Hán không phải chủ nhân đích thực của nền Lý học Đông phương, mà nền tảng của nó là Lý thuyết Âm Dương Ngũ hành và kinh Dịch.
sẽ  tiếp tục với nội dung "Tìm về cội nguồn Kinh Dịch". Chúng tôi cũng căn cứ vào những tiêu chí khoa học đã trình bày, tôi xin được phép tiếp tục chứng minh cho vấn đề này:
II. Cội nguồn và nội dung của kinh Dịch.
Kính thưa quý vị.
Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành không thể từ trên trời rơi xuống. Đương nhiên phải có một nền văn minh sở hữu hệ thống tri thức huyền vĩ này thuộc về nền văn minh Đông phương. Và chúng tôi cần xác định ngay rằng: Dân tộc Việt chính là chủ nhân của thuyết Âm Dương Ngũ hành va kinh Dịch.Căn cứ vào tiêu chí thứ nhất, chúng tôi đã xác định là:
II.I/ Lịch sử phát triển và hình thành học thuyết mô tả một cách hợp lý thuộc về lịch sử của nền văn minh đó.
Lịch sử dân tộc Việt được ghi nhận trong chính sử Việt, kéo dài từ năm 2879 Trước CN, đến nay trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huyền vĩ bên bờ Nam sông Dương tử. Và dân tộc này đã bị một đêm dài lịch sử thời Bắc thuộc hơn 1000 năm. Đây không phải là một con số vô cảm chỉ đọc trong một giây. Không một dân tộc nào đã mất nước, nhưng vẫn có chính sử ghi nhận cả. Không có một trường hợp ngoại lệ nào trong lịch sử văn minh nhân loại. Do đó, chúng ta không thể  dẫn chứng bằng những bản văn lịch sử liên quan để chứng minh cho vấn đề này. Nhưng những dấu ấn còn lại của truyền thống văn hóa Việt lại xác định lịch sử hệ thống tri thưc của nền văn minh Đông phương là thuyết Âm Dương Ngũ hành và bát quái thuộc về Việt tộc, như: "áo cài vạt bên trái" Nam tả , nữ hữu"; hoặc những danh từ mô tả Bát quái là những từ phổ biến trong sinh hoạt cuộc sống của người Việt, như: "Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Khôn, Ly, Tốn, Đoài"...Đây là chúng tôi chỉ dẫn chứng những ví dụ. Chúng tôi đã chứng minh trong các sách đã xuất bản, các bài viết liên quan trên các diễn đàn mạng...thì những di sản này vô cùng đồ sộ. Điều này chứng tỏ rằng: Những tri thức huyền vĩ của nền văn minh Đông phương, đã rất phổ biến trong xã hội Việt từ những ngày xa xưa của Việt sử. nên độ dày của nó vẫn tiếp tục thể hiện đến ngày hôm nay. Cho dù dân tộc Việt phải vượt qua những thăng trầm khốc liệt của lịch sử. Và chính những di sản văn hóa truyền thông Việt lại chứng tỏ một khả năng phục hồi lại thuyết Âm Dương Ngũ hành và bát quái. Để chứng minh tiếp tục điều này, chúng tôi trình bày tiếp tục tiêu chí thứ hai, là:
.II. II/ Tính hệ thống, hoàn chỉnh, nhất quán và hợp lý nội tại của một học thuyết hình thành trong một nền văn minh.
Kính thưa quý vị.
Những di sản văn hóa truyền thống của Việt tộc, xác định rằng: Thuyết Âm Dương Ngũ hành và Bát quái  - tức kinh Dịch - là một hệ thống lý thuyết vũ trụ quan hoàn chỉnh, nhất quán. Chứ không phải là ba bộ phận rời rạc và xuất hiện từng phần trong lịch sử phát triển của nền văn minh Hán, như các bản văn chữ Hán mô tả. Và chọ đến ngày hôm nay, các nhà nghiên cứu lịch sử văn minh Đông phương, kể cả Trung Hoa, cũng không xác định được học thuyết này ra đời vào giai đoạn nào trong lịch sử văn hóa Hán. Mặc dù, những hệ luận của học thuyết này trong tất cả các phương pháp ứng dụng của nền văn minh Đông phương, như Đông Y, Kiến trúc xây dựng (Địa Lý phong thủy), dự báo...vv....đều xác định thuyết Âm Dương Ngũ hành và bát quái là một hệ thống hoàn chỉnh  cho những ứng dụng của nó và ra đời trước các hệ thống ừng dụng.
Bát quái rõ ràng là những ký hiệu phi ngôn ngữ. Đương nhiên nó chỉ có thể là những ký hiệu Toán học của một nền văn minh xa xưa. Các nhà khoa học hiện đại đã xác định rằng:
"Một lý thuyết khoa học thì phải có một mô hình toán học mô tả được nó".
Đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn minh Đông phương và kinh Dịch, cho đến ngày hôm nay, vẫn căn cứ vào các bản văn chữ Hán, để xác định rằng: Bát quái là những phát hiện độc lập và không liên quan gì đến thuyết Âm Dương và Ngũ hành.
Vậy thì ký hiệu Bát quái trong Dịch học - khi không phải là ký hiệu mô tả ngôn ngữ - tất yếu nó phải là những ký hiệu toán học mô tả thuyết Âm Dương Ngũ hành và là một bộ phận hữu cơ của học thuyết này. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học mà chúng tôi đã trình bày ở trên.
Và chúng ta có thể xác định ngay rằng: Chình những bản văn cổ chữ Hán, khi mô tả bát quái Hậu Thiên hay Tiên Thiên - một cách hết sức quái dị thì đều phải thừa nhận cơ sở của nó là Lạc thư, hay Hà Đồ. Mà Lạc Thư hay Hà Đồ, đều là mô hình biểu kiến mô tả một nội hàm của thuyết Âm Dương Ngũ hành, đ6y là điều không cần phải tranh luận.
Như vậy, chúng tôi đã xác đinh tính hệ thống, hoàn chỉnh, nhất quán và sự liên hệ mang tính hữu cơ của mô hình bát quái với thuyết Âm dương, Ngũ hành. Đương nhiên nó thuộc về Việt tộc. Và chỉ có những di sản văn hóa truyền thống của Việt tộc, mới có khả năng phục hồi lại học thuyết Âm Dương Ngũ hành và Bát quái, tức kinh Dịch.
Chúng tôi xin tiếp tục trình bày tiêu chí thứ ba. Tiêu chí này phát biểu rằng:
III/ Nền tảng tri thức của một nền văn minh là cơ sở cho sự hình thành một học thuyết thì nó phải có khả năng phục hồi lại học thuyết đó.
Kính thưa quý vị.
Có thể nói đây là tiêu chí quan trọng nhất và là nền tảng chứng minh cho cội nguồn Kinh Dịch, thuyết Âm Dương Ngũ hành thuộc về nền văn minh Việt. Chính từ những di sản văn hóa truyền thống Việt với bề dày gần 5000 năm lịch sử. đã hiệu chỉnh, làm rõ những khái niệm và  hệ thống hóa toàn bộ thuyết Âm Dương ngũ hành và kinh Dịch.
Những di sản văn hóa truyền thống Việt đã xác định  rằng: Nguyên lý căn để trong Lý học Đông phương mà nền tảng là  thuyết Âm Dương Ngũ hành chính là "Hà đồ phối Hậu thiên Lạc Việt" (Đổi vị trí Tốn/ Khôn so với Hậu thiên Văn Vương). Chứ không phải là "Lạc Thư phôi Hậu thiên Văn Vương", như cổ thư chữ Hán mô tả. Xin quý vị xem hình dưới đây:
HÀ ĐỒ PHỐI HẬU THIÊN LẠC VIỆT

Bat_trach_1-11_zpsrdrzvig2.jpg
Từ sự hiệu chỉnh với nguyên lý căn để "Hà đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt", chúng tôi đã hiểu chỉnh tất cả mọi vấn đề liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành, theo đúng tiêu chí khoa học làm chuẩn mực để thẩm định một lý thuyết khoa học, là:

Một lý thuyết, hay một giả thuyết khoa học được coi là đúng thì nó phải giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó, có tính hệ thống, nhất quán, hoàn chỉnh, tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri.
Trên cơ sở này, chúng tôi đã chứng minh nguyên lý lập thành  bảng Lạc thư hoa giáp, thay thế cho sự bí ẩn của bảng Lục Thập hoa giáp lưu truyền trong cổ thư chữ Hán; hệ thống hóa toàn bộ kiến thức Địa Lý Phong thủy, vốn rời rạc, tản mạn và đầy mâu thuẫn trong các bản văn chữ Hán...vv...
Xuất phát từ sự phục hồi từ nguyên lý căn để "Hà đồ phối Hậu thiên Lạc Việt" đã dẫn đến sự phục hồi toàn bộ cấu trúc của học thuyết này. 
Kính thưa quý vị.
Chính sự phục hồi, hiệu chỉnh trên cơ sở văn hóa truyền thống Việt với bề dày lịch sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng bên bờ Nam sông Dương tử, đã chứng minh nền văn hiến Việt là chủ nhân đích thực của nền văn minh Đông phương và là cội nguồn kinh Dịch.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận hai vấn đề:
1/ Nền văn hiến Việt, một thời huy hoàng bên bờ nam sông Dương tử, chính là cội nguồn của Thuyết Âm Dương Ngũ hành và kinh Dịch.
2/ Bát quái trong kinh Dịch là những siêu công thức toán học mô tả nội hàm của thuyế Âm Dương Ngũ hành về những chu kỳ của sự vận đông vũ trụ. Sự phục hồi lý thuyết Âm Dương Ngũ hành - nhân danh nền văn hiến Việt - thỏa mãn tất cả những tiêu chí khoa học làm chuẩn mực thẩm định một lý thuyết khoa học được coi là đúng.
Kính thưa quý vị.
Chình từ sự phục hồi nhân danh khoa học  và thuộc về nền văn hiến Việt, đã dẫn đến một kết luận của chúng tôi là: Thuyết Âm Dương Ngũ hành chính là lý thuyết thống nhất mà các nhà khoa học tinh hoa đang tìm kiếm.
Để thay thế cho phần kết luận, chúng tôi xin trình bày tiếp theo là phần:
Kết luận:
Thuyết Âm Dương Ngũ hành - lý thuyết thống nhất vũ trụ.
Thuyết Âm Dương Ngũ hành được phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt, cũng hoàn toàn thỏa mãn những tiêu chí cho một lý thuyết thống nhất, mà các tri thức tinh hoa của nhân loại đang tìm kiếm. Thuyết Âm Dương Ngũ hành,lý giải từ sự hình thành khởi nguyên của vũ trụ cho đến mọi vấn đề liên quan đến sự vận động của vũ trụ, thiên nhiên, xã hội và cuộc sống với khả năng tiên tri đến từng chi tiết cho hành vi của con người 
Trên cơ sở những chuẩn mực của một lý thuyết thống nhất khoa học , mà con người đang tìm kiếm, thì thuyết Âm dương ngũ hành hoàn toàn thỏa mãn những tiêu chí cho một lý thuyết thống nhất. 
Do đó, tôi có thể kết luận ngay rằng: Thuyết Âm dương Ngũ hành chính là lý thuyết thống nhất mà nhân loại đang tìm kiếm.
SW Hawking đã viết:
Nếu quả thực có một lý thuyết thống nhất thì chính nó sẽ quyết định chúng ta tìm ra nó hay không?
Kính thưa quí vị.
Cả một nền văn minh hiện đại trong thời đại chúng ta đang sống - và chúng ta cũng đang rất tự hào về sự phát triển của nền văn minh này. Nhưng những trí thức tinh hoa của cả một nền văn minh, còn chưa xác định được có hay không một lý thuyết thống nhất. Vậy thì sự kết luận về một lý thuyết thống nhất không lẽ lại ra đời vào thời kỳ lịch sử mà các nhà khoa học lịch sử hiện đại cho rằng:  chỉ xấp sỉ thời Đồ Đá. Điều này có vẻ trái ngược với tiêu chí thứ ba mà tôi đã trình bày ở trên?!
Cần phải khẳng định rằng: Nền tảng tri thức của thời đại đồ đá từ 5000 năm trước, không thể tạo ra một lý thuyết thống nhất. Vậy thì một cách giải thích hợp lý nhất và phù hợp với tiêu chí khoa học, chính là một kết luận xác định rằng: Đã có một nền văn minh toàn cầu kỳ vĩ tồn tại trên trái Đất này. Nền văn minh này đã bị hủy diệt vì một nguyên nhân nào đó, thí dụ là một trận Đại Hồng Thủy chẳng hạn - Và dân tộc Việt chính là một bộ phận còn sống sót và gìn giữ được học thuyết này trong xã hội cổ xưa. Những di sản khảo cổ phát hiện được, ngày càng nhiều và củng cố cho sự xác định của chúng tôi về một nền văn minh toàn cầu đã tồn tại trước nền văn minh của chúng ta.
Kính thưa quý vị.
Như vậy - về lịch sử - , chúng tôi đã trình bày về cội nguồn lịch sử  gần gũi của Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành, thuộc về nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm lịch sử, một thời huyền vĩ bên bờ nam sông Dương tử. Chúng tôi cũng xác định rằng: Cội nguồn xa xưa của Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành thuộc về một nền văn minh toàn cầu kỳ vĩ đã tồn tại trên trái Đất này.
Về nội dung học thuật, chúng tôi cũng xác định rằng: những mô hình Bát quái trong Kinh Dịch, chính là hệ công thức toán học mô tả nội hàm của thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Kính thưa quý vị.
Trong xu thế thới đại của một cuộc hội nhập quy mô toàn cầu đang diễn ra, việc tìm hiểu bản chất đích thực và làm sáng tỏ giá trị của một hệ thống tri thức của nền văn minh Đông phương vốn huyền bí và kỳ ảo hàng thiên niên kỷ, sẽ là một đóng góp quan trọng trọng của nền văn hiến Việt, cho sự phát triển trong tương lai của toàn bộ nền văn minh của chúng ta.
Cho nên, để kết thúc, chúng tôi hy vọng được sự quan tâm, chia sẻ và đóng góp trí tuệ của các bậc trí giả, nhằm mục đích phục hồi một cách hoàn chỉnh những gía trị đích thực của nền văn minh Đông phương, khi mà khả năng cá nhân và nhóm người quả là rất khó khăn khi thực hiện và phục hồi một lý thuyết cổ xưa vô cùng đồ sộ và huyền vĩ.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn sự lắng nghe của quý vị có mặt nơi đây. Xin kính chúc quý vị, ban tổ chức và gia đình một cuộc sống an lành, đầy hạnh phúc.

T/ p HCM 20/ 10 2017.
Nguyễn Vũ Tuấn Anh.

...
 ============================
  đăng bởi: hohyhung:
  http://hohyhung.blogspot.com/
 ============================

1 nhận xét:

Hương Trương nói...

Bài viết hay và ý nghĩa, mời bạn ghé qua Website giúp học sinh không “né” môn Hóa

Đăng nhận xét