Kinh Thi, một trong Ngũ kinh của Nho giáo, là một bộ tổng hợp thơ ca do dân gian sáng tác trong vòng 500 năm, từ thời Tây Chu đến đời Xuân Thu (1046 TCN –403 TCN).
Các bài thơ này được các học giả, trong đó có Mao Hanh và Mao Trường đời Hán, sưu tầm và biên soạn, rồi đến Chu Hy thời nhà Tống bình giải. Tương truyền, người ta cũng cho rằng đức Khổng Tử đã chọn lọc và san định để tạo nên bộ Kinh Thi gồm có 305 bài ngày nay.
Theo truyền thống, Kinh Thi được chia làm ba đề tài: Phong (160 bài), Nhã (105 bài), Tụng (40 bài). Những đề tài được diễn tả bằng ba thể văn: Phú, Tỉ, Hứng.
Trong một số bài có viết đến một số súc vật như chim muông, dê trâu, chồn cá, côn trùng v.v... Bài này sưu tầm các súc vật ghi trong Kinh Thi, thứ nhất là để bàn luận về một vài nghi vấn thắc mắc, thứ hai là để tìm hiểu xem những súc vật ấy đã biến chuyển và sống sót ra sao trong hơn ba ngàn năm qua.
Bản Kinh Thi mà tôi tham khảo là cuốn Thi Kinh Quốc Phong do dịch giả nữ sĩ Kim Y Phạm lệ Oanh biên soạn, nhà xuất bản CÀNH NAM phát hành tại Huê Kỳ năm 1997. Trước tiên, xin gửi lời tri ân nữ văn sĩ Phạm lệ Oanh.
Sau đây liệt kê danh sách các súc vật có ghi trong Kinh Thi:
Súc vật Bài Thơ
Thư cưu Quan thư
Thi cưu Thi cưu tại tang
Chim vàng anh Cát đàm
Chim khách Thước sào
Nhạn và Sẻ Yến yến & Thủy vị tước
Trĩ và Gà Hùng trĩ & kê minh
Vịt trời & Ngỗng trời Nhạn & Hồng
Con vạc (hay diệc) Quán tước
Chim Cắt Thần phong hay Thuần
Chim đề (đào hà) (? ? ?) Duy đề tại lương
Chim Quỳch (bá lao) (? ? ?) Thất nguyệt lưu Hủy
Chim cú Chi hiêu
Cá chép & cá mè &cá Tỗn Khởi kỳ thực ngư
Cá Phương & cá Quan Tệ cẩu
Cá chiên & cá Vĩ Hà thủy dương dương
Con giọt sành (con muỗm) Chung tư
Dế mèn Châu chấu cào cào Thảo trùng
Con vờ Phù du
Con Tằm (Tàm) Thất nguyệt lưu Hủy
Con Ve (Điêu) Tú nguyệt tú yêu
Con kiến (điệt) Ngã tồ Đông sơn
Con rán đất (Y uy) -id-
Con nhện (Tiêu sao) -id-
Hồ ly (Hạc) Tứ nguyệt tú yêu
Kỳ lân Lân chi chỉ
Con Hủy Cao cương
Bạch Hổ Sô-ngu
Con Ngựa Cao cương
Con dê Cao dương
Con thỏ Thỏ tư & Thỏ viên
Con chuột Thùy vị thử & Thạc thử
Con lợn (heo) Sô-ngu
Chó sói Lang bạt kỳ hồ
Con chương (Huân hay Lộc) Dã hữu tử huân
THƯ CƯU
Quan thư Bài Dịch
Quan quan thư cưu Bãi sông có đôi chim cưu
Tại hà chi châu “Quan quan"cất tiềng thương yêu giao hòa
Yểu điệu thục nữ Kìa ai yểu điệu mặn mà
Quân tử hảo cầu Sánh cùng quân tử thật là đẹp đôi!
Dịch giả Kim Y chú giải: “Thư cưu là một giống chim nước, còn một tên gọi là vương thư, hình giống con le, con hải âu, hiện nay trong khoảng sông Giang, sông Hoài vẫn có. Giống này sinh ra đã có sẵn đôi, không bao giờ lẫn bạn, thường đi chơi với nhau mà không hề xuồng sã."
Đây chính là tả chim UYÊN ƯƠNG.
Thế nhưng một số người lại bảo thư cưu là CHIM CUỐC hay CHIM CỐC.
Wikipedia viết: Tên gọi phổ biến của các loài trong họ BỒ CÂU Columbidae là bồ câu, cu, CƯU, gầm ghi.
Tự điển Đào duy Anh định nghĩa thư cưu là chim TU HÚ.
Vậy thư cưu là chim gì? Ta nên khảo sát những loài chim nêu trên để xem loài nào hợp ý nhất với bài thơ, là một bài thể Hứng, người con trai nghe cặp chim ứng họa nhau nhân đó bầy tỏ tình yêu với người con gái mong cưới nàng làm vợ.
CHIM UYÊN ƯƠNG
Uyên là con trống, ương là con mái.
Danh pháp là Aix Galericulata thuộc họ Anatidae, tên Anh là Mandarin duck.. Đây là một loài vịt đậu cây sống từng đàn nhỏ tại miền Nam Nga sô, Trung Quốc, Nhật Bản, một vài quốc gia bên Âu châu và một số tiểu bang bên Huê Kỳ.
Con trống mỏ đỏ, lông mầu sặc sỡ---xin coi hình. Trống mái sinh sản trong các khu vực nhiều cây cối, gần ao, hồ bờ sông và đầm lầy.Chúng ăn rau cỏ và hạt, đặc biệt là qủa sồi.
Chúng làm tổ trên cây gần mặt nước, trống mái chung nhau chăn nuôi đàn con.Chúng làm bạn với nhau mãn đời, chim cái kêu “quan quan" gọi con trống. Do vậy, dân gian coi chúng là biểu tượng cho chung thủy và hạnh phúc trong hôn nhân.
Hiện nay, sự sống còn của chúng có phần bị đe dọa vì môi trường bị phá hủy.
CHIM CUỐC
Đây là loại Gà nước (Rallidae) danh pháp là Amaurornis phoenicurus.
Chúng sinh sống tại các đầm lầy tại châu Á, quần đảo Nam Dương và Ấn Độ. Chúng rất ồn ào vào mùa hè với tiếng kêu khá to “cuốc cuốc"và nổi tiếng trong văn học Việt với câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc.
Có người gọi chim này là chim đỗ quyên, vì liên quan tới điển tích Vọng-đế vua Đỗ Vũ nước Thục sau khi chết hóa thành chim đỗ quyên. Một số người khác thì lại không chấp nhận chim đỗ quyên là con cuốc, mà là con chim tu hú! Một hệ phái thứ ba thì khẳng định chim đỗ quyên tên khoa học là Acredula trivirgata (chim bạc má).
Cuộc tranh luận còn dài dài và hào hứng!
CHIM CỐC---THI CƯU
Các tên khác là bố cốc, kiết cúc, đới thắng, cốc đế, cồng cộc. Tiếng Anh là Cormorant hay shag. Đây là loại chim biển thuộc họPhalacrocorax.
Chúng sinh sống trên khắp thế gìới.Tại Trung quốc, Nhật Bổn và Macedonia, người ta huấn luyện chúng để đi bắt cá. Thi cưu được nhắc tới trong bài Thi cưu tại tang, Kỳ tử thất hề! (Thiên Tào Phong).
Kim Y Phạm lệ Oanh chú thích: "Giống này nuôi con, cứ buổi sáng thì mớm từ con đầu đàn trở xuống, buổi chiều thì mớm từ con cuối đàn trở lên, bầy con cùng được nuôi đều như nhau.”
Đời sống loại hải điểu này không thấy có liên quan gì đến tinh thần bài thơ Quan thư.
CHIM BỒ CÂU
Còn gọi là chim cu, chim cưu, chim gầm ghi. Danh pháp là Columbidae, loại chim này sinh sống gần như trên khắp thế giới.
Tại Trung Hoa, chim bồ câu là biểu tượng của mùa Xuân.
Hiện nay, thế giới chấp nhận bồ câu là biểu tượng của Hòa Bình.
CHIM TU HÚ
Danh pháp là Eudynamys, loại chim này hiện diện ở Á châu, Úc châu và các bán đảo trong Thái Bình Dương. Chúng có tiếng kêu to rất đặc biệt và là loại chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loại chim dạng sẻ. Có người cho đây là con chim quyên nêu lên trong truyện KIỀU: "Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.”
NHẬN ĐỊNH
Qua sự khảo sát, ta có thể kết luận chim UYÊN ƯƠNG chính là chim THƯ CƯU trong bài Quan Thư. Thật ra, theo đúng nghĩa, thư là con cái, cưu là con đực, không nhất thiết là loại chim gì.
Nhưng theo tinh thần bài thơ, lý do thứ nhất, đây là giống chim nước, hợp với câu “Tại Hà chi châu”. Lý do chính là vì lối sống của chúng, con trống con mái hòa hợp chung thủy sống với nhau mãn đời. Chàng thanh niên nghe cặp chim ứng đối nhau, hứng tình cầu xin hiền nữ làm vợ, đúng với tinh thần hai câu "Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu”. Do vậy Khuông Hành đời Hán đã viết: "Ấy là đầu mối cho kỷ cương, cho vương hóa.”
CHIM VÀNG ANH
Cát đàm Bài dịch
Cát chi đàm hề! Dây sắn bò lan trong hang
Duy diệp thê thê. Lá non mơn mởn xanh càng thêm xanh
Tập vu quán mộc Dị vu trung cốc Nhởn nhơ mấy cái vàng anh
Hoàng điểu vu phi Kỳ minh kê kê! Nó đậu trên cành nó hót véo von!
Còn có tên là Hoàng oanh, hoàng ly, hoàng điểu, thương canh.Danh pháp là Oriolus oriolus thuộc họ Oriolidae. Giống này không có liên hệ gì với Vàng Anh Tân thế giới thuộc họ Icteridae.
Vàng Anh Cựu thế giới là loài chim di cư, mùa hè nó đến trú ngụ tại châu Âu và miền tây châu Á, còn mùa đông thì nó di tản đến các vùng nhiệt đới.
Tiếng hót của nó thánh thót lứu lo, nghe tựa như uyla-uy-u, thật khó quên khi đã nghe thấy.
CHIM KHÁCH
Thước sào Bài dịch
Duy thước hữu sào Chim thước làm tổ sẵn sàng
Duy cưu cự chi! Chim cưu kéo đến đàng hoàng ở chung!
Chi tử vu qui Cô kia mới về nhà chồng
Bách lạng ngự chi! Xe loan trăm cỗ tưng bừng rước dâu!
Còn gọi là chim hỷ thước , danh pháp là Crypsirina temia thuộc họ Qụa Corvidae. Tên Anh là Racket-tailed Treepie.Chúng sinh sống tại Trung Hoa, Đông Nam Á và Nam Dương. Tổ chúng làm rất chắc chắn, các chim thuộc chi Cuculus thường đến đẻ trộm một trái trứng vào tổ của chim khách.
Người ta tin rằng chim khách mang tin vui hay báo tin có khách đến thăm—do vậy có tên hỷ hay khách.
Theo cổ tích, hàng năm vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, qụa đen (ô) và chim khách (thước) bắc cầu Ô Thước qua sông Ngân cho Ngưu Lang Chúc Nữ gặp nhau.
NHẠN (ÉN) và SẺ
Yến yến vu phi Kìa trông đàn chim én
Si trì kỳ vũ Nghiêng cánh liệng trên không
Chi tử vu qui Mình trở về cố quận
Viễn tống vu dã Ta đưa tới cánh đồng
Chiêm vọng phất cập Trông theo nào thấy bóng hồng
Khấp thế như vũ. Hai hàng nước mắt ròng ròng như mưa.
Danh pháp khoa học là Hirindinidae, đây là loài chim dạng sẻ thích nghi với cuộc sống săn tìm mồi trên không. Xuất phát từ châu Phi, hiện nay chúng dã lan tràn trên khắp hoàn cầu, trừ Bắc và Nam cực. Có loài sống tại một chỗ, không di trú. Có loài di dư theo mùa màng, “Nam lại, Xuân Bắc khứ”. Do vậy có cuộc tranh luận về câu thơ trong truyện Kiều: "Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa." Đây là tả cảnh cuối Xuân đầu Hè hay cuối Hè sang Thu?
Loại yến sống trong hang động ứa nước miếng của mình ra làm tổ. Người Trung Hoa và Việt Nam lấy những tổ này về làm đồ ăn và làm thuốc.
Bộ Sẻ là bộ chim lớn nhất, gồm hơn nửa các loại chim trên thế giới. Tên khoa học của Bộ là Passeriforme hay chim biết hót. Sẻ được nhắc đến trong bài thơ Thủy vĩ tước.
TRĨ VÀ GÀ
Chim trĩ được ghi trong bài "Hùng trĩ vũ phi, Dệ dệ kỳ vũ”. (Thiên Vệ Phong). Nữ sĩ Kim Y dịch là: "Trĩ kia bay liệng tung trời, Nghiêng nghiêng đôi cánh khoan thai nhẹ nhàng.”
Họ Trĩ danh pháp khoa học là Phasinnidae, gồm các loại trĩ, công, cút, gà gô, gà lôi, gà so, gà tiền, gà rừng và gà nhà. Gà được nhắc đến trong bài Nữ viết kê minh (Thiên Trịnh Phong) và Kê minh (Thiên Tề phong).
Gà rừng là thủy tổ của gà nhà.
Người ta nói rằng nếu ăn ở ác độc thất đức thì kiếp sau sẽ hóa làm thân con gà ở Bắc Mỹ. Từ một qủa trứng cho đến khi thành một con gà được nuôi đúng 20-21 ngày, dậm chân tại chỗ rồi bị hành quyết, nó không hề được rong chơi chạy nhẩy ngoài đồng cỏ, không được hưởng thú vui chịu trống đạp mái, cuộc sống ngắn ngủi của nó thật đúng là một cực hình!
VỊT & NGỖNG TRỜI
Nữ viết kê minh Nàng rằng: ”Gà đã gáy rồi”.
Sĩ viết muội đán Chàng rằng: ”Cũng sắp chân trời rạng đông.”
Tử hưng thị dạ Chàng ơi!Trỏ dậy mà trông
Minh tinh hữu lan Sao mai lấp lánh vừng hồng chưa lên
Tương cao tương tường Chàng mau sửa soạn cung tên
Dặc phù dữ nhạn. Đi săn vịt nhạn muông chim kịp thời!
Nhạn là con vịt trời. Hồng là con ngỗng trời.
Hồng phi tuân chử Hồng bay baytrở lại gò
Công qui vô sở Người về hẳn đã sẵn cơ sở rồi.
Ư nhữ tín xử! Cùng ngưới có bấy nhiêu thôi!
Vịt, gà, ngan ngỗng là những gia cầm có đời sống mật thiết với nhân loại.Chúng là kho tàng khổng lồ cung cấp thực phẩm cho loài người từ thời sơ khai và được thuần hóa rất sớm. Ngược lại, chúng cũng gây nên những trận dịch cúm khủng khiếp, số tử vong lên đến cả trăm triệu nhân mạng!
Hiện nay, người ta vẫn còn đang bàn cãi sôi nổi vấn đề qủa trứng và con vịt hay con gà, trứng sinh ra gà vịt hay gà vịt sinh ra trứng?!
CON VẠC
Còn gọi là con Diệc hay con Lão-đẳng vì nó có thể đứng bất động hàng giờ bên bờ sông rình mổ cá bơi qua. Tên Anh là Heron hay Egret.
Danh pháp khoa học là Ardeidae, đây là một thủy điểu lội nước có họ hàng với các loại cò. Chúng ăn cá, ếch nhái và côn trùng.
Con vạc được nhắc tới trong bài thơ khá dài “Ngã tổ Đông-sơn, Than thao bất qui"trong đó có hai câu:
Quán minh vu điệt
Phụ thán vu thất
Hai câu này được dịch giả Kim Y dịch ra như sau:
Tước kêu trên tổ kiến vàng
Vợ hiền tựa cửa phòng hương khóc thầm.
Bài thơ này nói về vợ chồng xa nhau lâu năm, thật là buồn thảm.
CHIM CẮT
Duật bỉ thần phong Chim thuần vùn vụt bay cao
Uất bỉ bắc lâm Bay sang phương Bắc, bay vào rừng sâu
Vị kiến quân tử Mong chàng chẳng thấy chàng đâu
Ưu tâm khâm khâm Lòng em ngay ngáy lo âu đêm ngày
Như hà, như hà? Làm sao nên nỗi nước này?
Vong ngã thực đa. Làm sao quên thiếp lâu ngày chàng ới!
Thần phong hay thuần là chim cắt, danh pháp khoa học là Falco, tên Anh là Peregrine. Còn gọi là chim Ưng, tùy theo kích thước.
Thuộc họ Falconidae, đây là loại chim bay nhanh nhất trên thế giới, khi lao xuống bắt mồi có thể đạt tốc độ 120 km/giờ. Người ta huấn luyện chim này để đi săn, và hình ảnh con chim cắt đậu trên nắm tay là dấu hiệu của bậc qúy phái.
Ở Trung quốc, nó báo hiệu cho mùa Thu là mùa đi săn. Trong Kinh Thư, chim cắt và con rùa đã chỉ dạy cho ông Cổn đắp đê trị thủy. Trong văn hóa Hi lạp, La Mã và Ai Cập, chim cắt tượng trưng cho quyền năng của Thái dương.
CHIM CÚ
Danh pháp khoa học là Strigiformes, gồm hai họ: họ Cú (Strigidae) và họ Cú lợn (Tytonidae).
Đây là bộ chim săn mồi vào ban đêm, và thường sống độc thân.
Cú được nhắc đến trong bài thơ Chi-hiêu:
Chi-hiêu, chi-hiêu! Cú ơi đã bắt con ta,
Ký thủ ngã tử. Thì đừng tàn phá nhà ta nữa mày!
Vô hủy ngã thất! Công ta vất vả đêm ngày
Ân tu cần tư, Dục tử chi mẫn tư! Nuôi con khó nhọc ốm gầy héo hon!
Bai thơ này Chu-công làm ra để khuyên ngăn Thành-vương đừng phá đổ cơ nghiệp nhà Chu.
Người Trung đông và Á đông cho chim Cú là điềm xấu, thường mang tin hung dữ.
Ngược lại, người Tây phuơng cho chim Cú là biểu hiệu của sự hiểu biết và khôn ngoan (Knowledge and Wisdom).
CHIM ĐỀ & CHIM QUÝCH
Chim Đề còn gọi là chim Đào hà đuợc nhắc đến trong bài thơ
Duy đề tại lương (Thiên Tào Phong).
Chim Quých còn gọi là chim Bá lao được ghi trong bài thơ Thất nguyệt lưu Hủy ( Thiên Mân Phong).
Dò hỏi tìm tòi mờ mắt mà không kiếm thấy tài liệu nào biên chép về hai loại chim này.
Bèn đoán mò trong khi chờ đợi liên lạc với các học giả để xin chi tiết.
Trong bài thơ, chim Đề được tả là đậu trên bờ chắn, cánh và mỏ ráo khô nước chẳng thấm vào. Ngoài ra, dịch giả Kim Y còn ghi chú : "Đây là một loại chim nước, thường sống ở đầm ao.”
Còn con chim Quých thì tháng Bảy mùa Hè kêu hoài (Thất nguyệt minh quých).
CÁ CHÉP CÁ MÈ CÁ TỖN
Nhữ phần Bài dịch
Phường ngư sanh vĩ Cá mè đuôi đỏ thương ôi
Vương thất như hủy Việc vua lửa cháy dầu sôi khác gì
Tuy tắc như hủy Dầu sôi lửa cháy thôi thì
Phụ mẫu khổng nhĩ! Gần cha gần mẹ lo gì mà lo!
Phường ngư là cá mè , danh pháp là Hypophthalmichthys thuộc họ cá chép Cyprimidae, tên Anh là Bighead carp. Xuất phát từ miền đông châu Á, chúng nay đã lan tràn gần khắp thế giới vì sinh trưởng rất mau lẹ, do vậy kỹ nghệ nuôi cá mè phát triển rất mạnh mẽ.
Cá này ăn tanh và có nhiều sương cứng, nên không được dân Âu châu và Bắc Mỹ ưa chuộng. Dịch giả Kim Y ghi chú: “Đuôi cá mè lúc thường vốn trắng, nay biến thành mầu đỏ, là sức đã mệt lắm rồi”.
Tại Việt Nam, cá mè nổi tiếng với bài ca dao Thằng Bờm.
Khởi kỳ thực ngư Cá chép sẵn ở sông nhà
Tất hà chu Lý? Cứ gì phải cá Hoàng-hà mới ngon?
Khơi kỳ thú thê Lấy vợ trong chốn hàn môn
Tất Tống chi tỷ? Cứ gì gái Tống mới dòn mới xinh?
Cá chép(LÝ) bên Trung quốc thuộc chi Mylopharyngodon họ Cyprimidae.Có bốn loại chính là cá Trắm (black carp), cá Trắm cỏ (grass carp), cá Mè (bighead carp) và cá Mè trắng Hoa Nam(silver carp). Cá Tỗn có lẽ là cá giếc.Các loại cá này rất được người Á đông ưa chuộng, đem chế biến thành nhiều món ăn độc đáo.Tỉ như ngưới Việt có món cháo ám, nấu với cá chép và thịt heo, rất cầu kỳ công phu, ăn vào mùa đông thì tuyệt hảo. Hoặc giả họ ăn gỏi cá chép, giống như một loại sashimi của Nhật nhưng ăn với đủ loại lá cây và rau thơm.
Cá chép bên Tây Hồ Hàng Châu nổi tiếng là ngon.
Ở châu Phi, Nam Ấn độ, Nam Mỹ, người ta đã câu được những con cá chép khổng lồ.
CÁ PHƯỜNG & CÁ QUAN
Tệ cẩu tại lương Đó rách đặt ở gò mương
Kỳ ngư phường quan Cá quan cá phường vượt đó chạy ra
Tề-tử qui chỉ Nàng Tề trở lại quê cha
Kỳ túng như vân. Quân hầu đầy tớ chạy ra chật đường.
Đây có lẽ là các loại cá Qủa (Lóc) và cá Trê sống trong ruộng đồng, người ta thường đánh bẫy chúng bằng cái đó đan bằng tre.
Những loại cá này thịt nạc nhiều mà không có xương nhỏ trong thịt, nên rất được người ta ưa thích.
Người ta dùng cá lóc (hay qủa) làm chả cá ăn với thì là, hay nấu canh chua (dấm cá) hay đem kho mặn hay nướng trui. Cá trê thì đem nướng hay nấu canh dưa chua hay om với nghệ và thịt ba chỉ. Đây là những món ăn thuần túy Việt Nam.
CÁ CHIÊN CÁ VĨ
Hà thủy dương dương Sông Hà cuồn cuộn chảy xuôi
Bắc lưu hiệt hiệt Chảy về phương Bắc trút ra khơi ào ào
Thi cô huyệt huyệt Lưới khua song động rào rào
Chiến vĩ phiệt phiệt Cá chiên cá vĩ nhao nhao từng đàn!
Dịch giả Kim Y chú giải: "Chiên vĩ là tên hai loại cá. Cá chiên gống như con rồng, sắc vàng đầu nhọn, miệng ở cằm, trên lưng dưới bụng đều có vảy, con lớn nặng tới ngàn cân.Cá vĩ cũng giống như cá chiên nhưng nhỏ hơn, da xanh xám."
Thật ra, chi cá Chiên là một chi cá da trơn thuộc họ Sisoridae. Tên khoa học là Bagarius, tên Anh là goonch catfish. Chúng sinh sống ở các sông lớn và thường di chuyển từng đàn. Ở nhánh sông Kali giữa Ấn độ và Népal, chúng ăn thịt các xác chết chưa thiêu hết ném xuống sông, do vậy chúng trở thành những con cá khổng lồ đã tấn công một số người đi bơi lội ở sông này. Muốn tìm hiểu thêm, xin coi chương trình TV hay phim Video River Monsters của Jeremy Wade.
CHUNG TƯ
Chung tư Bài dịch
Chung tư vũ Sin sít kìa bầy chung tư
Sần sần hề! Vỗ cánh vù vù bay liêng khắp nơi.
Nghi nhĩ tử tôn Ngày càng nẩy nở sinh sôi
Chân chân hề! Cháu con lúc nhúc đông vui đầy đàn!
Dich giả Kim Y chú giải: "Chung tư là một loại hoàng trùng mình dài mà xanh, có thể cọ đùi phát lên thành tiếng, mỗi lần sinh được 99 con.”
Đây là tả con GIỚT SÀNH, họ Muỗm Tettigoniidae, tên Anh là long-horned grasshopper hay bush-cricket, bên Bắc Mỹ kêu là Katydid. Giống này mình dài mầu xanh, râu rất dài, khác với cào cào châu chấu mình ngắn mầu nâu râu cụt.Muỗm đực có các cơ quan phát ra âm thanh nằm ở các góc sau của cánh trước. Chúng rất mắn đẻ, do vậy người Trung Hoa lấy chúng làm biểu tượng cho sự sinh sản (fertility).
PHẦN 2
THẢO TRÙNG
Về trùng, Như Lai Phật tổ phán: "Thế gian có 5 bậc Tiên thì cũng có 5 loại Trùng. Lão trùng, giống loài người.Lân trùng, loài có vẩy.Mao trùng, loài có lông.Côn trùng, loài có vỏ. Và Thảo trùng, loài cỏ cây.
Thảo trùng có 3 loại chính: dế, cào cào và muỗm.
Thảo trùng Bài dịch
Yêu yêu thảo trùng Châu chấu đua nhẩy choi choi
Địch địch phụ trung Dế mèn ra rả cánh dài buồn thiu
Vị kiến quân tử Mong chàng chẳng thấy chàng đâu
Ưu tâm xung xung Vắng chàng lòng những lo âu trăm đường
Diệc ký kiến chỉ Bao giờ cho gặp mặt chàng
Ngã tâm tắc hồng . Cho lòng ta được rảnh rang chút nào!
Đêm đêm nghe tiếng thảo trùng, người vợ nhớ tới người chồng đi làm khó nhọc ở nơi xa, trạnh lòng làm ra bài thơ này. Tình nghiã vợ chồng từ ngàn xưa không thay đổi, giống như sự tuần hoàn của vũ trụ.
Có 900 loại DẾ thuộc họ Gryllidae, danh pháp là Gryllus assimilis.Tên Anh là cricket, tên Pháp là grillon. Chúng có 4 âm điệu gáy khác nhau. Thứ nhất là điệu gáy gọi con cái (calling song).Thứ nhì là điệu du dương tán tỉnh khi con cái lại gần (courting song).Thứ ba là điệu thị oai đuổi tình địch. Và thứ tư là âm điệu mãn nguyện khi làm xong phận sự. Tiếng gáy chịu ảnh hưởng của nhiệt độ môi sinh và tuân theo định luậtDolbear: đếm số tiếng gáy trong 14 giây, cộng thêm 40 thì sẽ tính ra nhiệt độ Fahrenheit. Chúng có màng thính giác ở mỗi chân trước dùng để nghe tiếng gọi của đồng loại.Người Trung Hoa có nhiều tên để gọi dế: sa-kê, tất xuất, xúc chức.. được nhắc đến trong bài Ngũ nguyệt tư chung động cổ, Lục nguyệt sa-kê chấn vũ.
CÀO CÀO CHÂU CHẤU danh pháp là Caelifera thuộc bộ Orthoptera, châu chấu đầu bằng, cào cào đầu nhọn (hay ngược lại). Tên Anh làgrasshopper, tên Pháp là sauterelle hay locuste. Wikipedia viết: “Chúng phát âm bằng cách cọ xát các xương đùi sau vào các cánh trước hay bụng, hoặc bằng cách bật tanh tách các cánh khi đang bay.Các màng thính giác nằm ở các bên của đoạn bụng thứ nhất."Chúng đẻ trứng trong đất, mỗi con có thể đẻ mỗi lần 400-500 qủa.
CON VỜ
Phù-du chi vũ Kìa trông cái cánh con vờ
Y thường sử sử Vàng đen sặc sỡ nhởn nhơ tối ngày
Tâm chi ưu hĩ Vờ ơi! ta thật thương mày
Ư ngã qui xử! Về đi, chẳng kẻo có ngày xác xơ!
Phù- du người Việt gọi là con Vờ, tên Anh là Mayfly hay Shadfly, tên Pháp là Éphémère.
Chúng là loại trùng độc nhất thoát xác hai lần, lần thứ hai sau khi có cánh. Sau lần thứ hai thì chúng chỉ có một cặp cánh và sau đó chỉ sống có độ vài giờ đồng hồ. Trong trạng thái này, chúng được gọi là subimago hay dun.
Ngoài ra, chúng cũng là loại trùng độc nhất mỗi con đực có hai dương vật và mỗi con cái có hai âm hộ. Chúng giao cấu trong khi đang bay.
Chùng sinh sản rất nhiều, nhưng chỉ sống có một hai ngày.
Bộ cánh rát mỏng, có nhiều đường gân, cặp cánh sau nhỏ hơn cặp phía trước, thường dựng thẳng lên giống như cánh bướm.
CON TẰM
Thất nguyệt lưu Hủy Tháng Bẩy sao Hỏa lui rồi
Bát nguyệt hoàn vĩ Tháng tám cắt sậy về phơi để phòng
Tảm nguyệt thiêu tang Tháng chăm tằm phải gắng công
Thủ bỉ phủ thương. Cầm dao cầm búa ra đồng chặt dâu.
Con tằm là ấu-trùng của một loại bướm đêm (moth) tên khoa học là Bombyx bori. Người Trung Hoa đã thuần hóa loại bướm này và phát minh ra nghệ thuật sản xuất tơ lụa từ trên 5000 năm nay.
Tháng ba Âm lịch là tháng chăn tầm, và đây là một công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, phải biết lúc nào đi hái dâu cho tằm ăn, phải giữ tổ tằm cho sạch sẽ ấm cúng, biết tháng nào gai đã già có thể se sơị dệt vải...
VE KIẾN RÁN ĐẤT VÀ NHỆN
Con Ve được nhắc đến trong bài thơ Tứ nguyệt tú yêu, Ngũ nguyệt minh điêu. Điêu là con ve. Bà Kim Y dịch: “Viễn-chi có qủa tháng tư, Ve kêu ra rả tiết vừa tháng năm.”
Kiến, rán đất và nhện nằm trong bài thơ sau đây:
Ngã tồ Đông-sơn Ta sang đông đã bao năm,
Thao thao bất qui. Lâu lâu chẳng được về thăm quê nhà.
Ngã lai tự đông. Từ đông trở lại tây thành
Linh vũ kỳ mông. Mưa sa phơi phới lộ trình cực thay!
Qủa khỏa chi thực Nhà ta vắng vẻ bấy nay
Diệc dị vu vũ Hẳn rằng dưa dại leo đầy thềm hoa!
Y-uy tại thất Rán đất làm tổ trong nhà
Tiêu-sao tại hộ Mạng nhện chăng kín cửa ra cửa vào,
Đình thoản lộc trường Sau vườn dầy lốt chân hươu,
Tập diệu tiêu hang Lập lòe sâu đất dập dìu lượn quanh.
Diệc khả uy dã Cảnh hoang tàn ngó rợn mình,
Y khả hủy dã! Riêng ta mang nặng bao tình nhớ thương!
Những côn trùng này đã có mặt trên trái đất trước loài người cả chục ngàn năm va đã sống sót sau nhiều thiên tai khủng khiếp. Ngược lại, những con khủng long thân xác khổng lồ lại bị diệt vong. Sự kiện này chứng tỏ lý thuyết của Darwin là sát với thực tế. Muốn sống sót, các sinh vật phải biêt thích ứng với những biến chuyển của thiên nhiên.
HẠC & HỒ - LY
Trong bài thơ Tứ nguyệt tú yêu, có câu:
Nhất tu nhật vu hạc
Thủ bỉ hồ- ly.
Nữ sĩ Kim Y dịch là:
Tháng một bắn cáo bắn hồ
Đem dâng công tử may đồ ngự đông.
Bà chú giải: "Hạc là một động vật giống con hồ-ly, đầu nhọn, mũi nhọn, long rất dầy, trơn và ấm, có thể dung làm áo cừu. Vu hạc là đi săn hồ-ly.”
Con hạc chính là con Ermine hay Stoat, tên khoa học là Mustela, ung.e.Con hồ-ly là con chồn, tên Anh là Weasel, tên khoa học là Mustela. Bộ, ung của con Hạc rất qúy vì hiếm, ấm và mịn đẹp, chỉ có ông Hoàng bà Chúa cùng các đại gia mới dám, ung.
Theo huyền thoại Dông phương, những con Hồ-ly sống lâu thường biến thành các Ma Nữ đẹp tuyệt trần ban đêm hiện lên quyến rũ mê hoặc đàn ông.
KỲ LÂN
Một trong bốn Tứ Linh của thần thoại Á đông: Long, Lân, Qui, Phụng.
Lân chi chỉ Lân chi định Lân chi lộc
Hu ta lân hề! Hu ta lân hề! Hu ta lân hề!
Chân chân công tỉ (tử) Chân chân công tính. Chân chân công tộc.
Bài dịch
Chân con lân
Trán con lân
Sừng con lân
Công tôn công tộc đức nhân vẹn toàn
Than ôi thật giống kỳ lân!
KỲ LÂN
Con vật thần linh này, theo đúng nguyên tắc, đứng đầu các loài mao trùng, đầu nửa rồng nửa thú, sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng rộng, thân ngựa, chân huơu, đuôi trâu.
Có người cho nó có liên quan đến con huơu cao cổ (giraffe)của Phi châu, nhưng vấn đề này còn khó kiểm chứng.
Lân thường làm chỗ dựa cho Văn Thù bồ tát hay các Hộ Pháp.Nhiều khi chúng xuất hiện trên mái nhà hay ngồi trên đầu cột cổng để kiểm soát tâm linh các người hành hương.
Tính con lân nhân hậu, do vậy Chu Hy bàn giải rằng: " Vì Văn vương và Hậu phi lấy Đức sửa mình mà con chàu họ hàng đều hóa theo, cho nên thi nhân lấy chân con lân, trán con lân, sừng con lân để hứng mà ca ngợi con cháu nhà vua."
Kỳ lân thời nhà Minh Kỳ lân thời nhà Thanh
CON HỦY
Cao cương Bài dịch
Trắc bỉ cao cương Trèo lên đỉnh núi xa xa
Ngã mã huyền hoàng Ngựa đen phút chốc mầu da biến vàng
Ngã cô chước bỉ hủy quàng Chén sừng chuốc rượu quỳnh tương
Duy dĩ bất vĩnh thương! Tạm quên bớt nỗi nhớ thương lâu dài!
Dich giả Kim Y chú giải: "Hủy là giống dã ngưu có một sừng, lông xanh, cân nặng tới ngàn cân.Chữ này chính âm là Tỉ hoặc Ti, ta quen đọc là Hủy."
Tra cứu không thấy tài liệu nào bàn đến con trâu có MộT sừng.
Có hai giả thuyết.
Giả thuyết thứ nhất: đây là một giống trâu rừng đã tuyệt chủng.
Giả thuyết thứ hai: có thể không phải là con trâu, mà là con tê giác .
BẠCH HỔ
Bỉ chuyết gỉả gia Bỉ chuyết gỉả bồng
Nhất phát ngũ ba. Nhất phát ngũ tông.
Hu ta hồ, sô-nha (ngu)! Hu ta hồ, sô-nha(ngu)!
Cỏ lau tươi tốt bồng bồng
Một tên bắn trúng lợn rừng năm con!
Cỏ sậy rậm rạp xanh om,
Một tên bắn trúng năm con lợn rừng!
Sô-ngu mày thực lạ lùng!
Theo Mao-truyện, Sô-ngu là con Hổ trắng vằn đen. Bạch hổ gồm hai loại, loại BENGALI và loại SIBERIA. Chúng đều là hổ có một gen lặn (recessive gene) tạo ra những mầu sắc nhạt. Bạch Hổ có vằn khác với hổ bạch tạng Albino là loại hổ trắng không vằn.
Sự sống còn của các loại hổ này đang bị đe dọa nặng nề.
Chúng thường hay bị tật mắt lé.
Người Á đông thờ Thần Bạch Hổ và Ngũ Hổ.Ngoài ra, họ còn tin rằng nhiều bộ phận trong con hổ có chứa đựng các chất thần dược.
30
CON NGỰA
Ngã mã huyền hoàng
Dịch giả Kim Y chú giải: "Huyền là mầu đen, Hoàng là mầu vàng. Ngựa đen mà hóa ra mầu vàng, là vì mệt qúa nên biến sắc.”
Danh pháp là Equus ferus caballus, thuộc họ Equidae, ngựa đã xuất hiện trên trái đất khoảng 50 triệu năm, từ một con vật nhỏ có nhiều ngón chân trở thành một loài to lớn có một ngón chân như ngày nay.
Ngựa đã được loài người thuần hóa từ 4000 năm TCN. Nó đã theo loài người khai phá trái đất, và đã tham dự tất cả các trận chiến lớn lao trong lịch sử, như sự bành trướng của đế quốc Mông Cổ hay trận Waterloo đã làm cho Nã phá Luân thảm bại vì kỵ binh bị lừa rớt xuống hố. Do vậy, ngưới ta đã lấy ngựa làm biểu tượng cho nền văn minh nhân loại.
Ng ười Trung Hoa gọi LƯU là ngựa đỏ mõm đen, QUA là ngựa v àng mõm đen, LY là ngựa đen, K Ỳ là ngựa có vằn xám và TRỤC là ngựa chân trái trắng. Những con ngựa này được ghi trong bài Từ mẫu khổng phụ, Lục bỉ tại thủ (Thiên Tần Phong).
CON DÊ
Cao là Dê nhỏ, Dương là Dê lớn.
Cao dương chi bì Năm đường tơ trắng nõn
Tố ti ngũ đà Thêu trên áo da dê
Thoái linh tự công Tan chầu lui gót ra về
Uy di tự đà. Mặt mày hớn hở bước đi nhẹ nhàng.
Dê thuộc họ Bovidae là động vật nhai lại (ruminant) gồm hai loại: dê núi (sơn dương) sống ở sườn núi và dê nhà là loại dã được loài người thuần hóa rất sớm trong lịch sử chăn nuôi.
Ngưới ta ăn thịt dê, uống sữa dê và mặc áo da dê. Thịt dê phải biết cách nấu nướng, nếu không bị hôi khó ăn. Sữa dê làm phó mát không cấn phải khuấy đều trước (homogenize) vì chất béo nằm trong sữa chứ không nổi lên trên như sữa bò.
Một số tôn giáo dùng dê để tế thần. Người Do thái trong dịp lễ Yom Kippur tế thần hai con dê, một con bị hy sinh, con còn lại được thả để mang đi tội lỗi của cộng đồng. Do vậy có chữ Scapegoat, để chỉ người thoát chết nhưng cũng để chỉ người bị đem làm bùng xung hứng chịu tội của kẻ khác.
.
CON THỎ
Tthỏ tư (Ta) Bài dịch
Túc túc thỏ tư Sắm sanh lưới thỏ sẵn sàng
Trác chi tranh tranh “Canh canh"đóng cọc tiếng vang trong ngoài
Củ củ vũ phu Vũ phu dũng mãnh nhường ai
Công hầu can thành Công hầu trông cậy tướng tài nguyên nhung.
Thỏ có hai loại: thỏ nhà (rabbit -lapin) và thỏ rừng (hare-lièvre)).Thỏ nhà khi mới sinh không mở mắt và không có lông. Ngược lại, con của thỏ rừng đẻ ra đã nhìn được và có lông đầy đủ. Thỏ sinh sống hầu như trên khắp thế giới và sinh sản rất nhanh chóng, gây nguy hại cho nông nghiệp. Nó là một trong 12 con giáp của lịch Trung Hoa, nhưng Việt Nam lại thay nó bằng con mèo---không hiểu rõ lý do tại sao. Thỏ được dùng trong nhiếu thành ngữ, tỉ như “nhát như thỏ"hoặc “cho ăn thịt thỏ"(cho leo cây)...Người ta dùng lưới, bẫy, súng đạn hay chó săn để săn thỏ rừng. Thỏ còn được nhắc đến trong bài Thỏ viên trong Thiên Vương phong của Kinh Thi.
CON CHUỘT
Con chuột được Kinh Thi nhắc đến trong 3 bài thơ:
Thùy vị thử vô ngồng (nha) Chuột không răng sao tường lại thủng?
Hà dĩ xuyên ngã dung?
Thạc thử, thạc thử! Chuột lớn a, chuột lớn a!
Vô thực ngã thử, Đừng ăn lúa nếp của ta, hỡi mày!
Tưởng thử hữu bì, Con chuột còn có lần da
Nhân nhi vô nghi Người không đoan chính thật là hổ ngươi!
Người Việt chia ra là chuột nhắt, chuột đồng và chuột trù. Chuột là động vật gặm nhấm sống chung với loài người từ thời sơ khai và đã mang thảm họa cho nhân loại nhiều lần qua bệnh dịch hạch.
Ông William Faulkner lý luận rằng chuột là con vật thông minh nhất thế giới, vì nó không hề phải lo kiếm nơi ăn chốn ở. Cả đời nó được loài người cung phụng nhà cao cửa rộng, cao lương mỹ vị! Thế mà nó lại còn không mang ơn, phá phách báo hại chủ nhà! Ông cho rằng chó và ngựa là súc vật ngu xuẩn nhất, vì luôn luôn sống lệ thuộc vào loài người, con chó thì nịnh bợ ông bà chủ để được vuốt ve khen thưởng, con ngựa thì hao tổn sức lực cố thắng một cuộc chạy đua chẳng có dính dấp gì tới mình! Con chuột nổi tiếng trên thế giới là con Mickey Mouse!
CON LỢN (HEO)
Lợn hay Heo được Kinh Thi nhắc đến trong hai bài thơ Sô-ngu (xin coi Bài viết về Bạch hổ). Thơ này có ý khen Văn vương nhờ có tài đức trị dân mà quốc gia thịnh vượng, cây cỏ xanh tươi, cầm thú đầy đàn.
Nhất phát ngũ ba. Nhất phát ngũ tông.
BA là con lợn rừng đực, TÔNG là lợn một tuổi. ĐỒN là heo 6 tháng.
KIÊN là lợn 3 tuổi.
Người Việt cũng có một số tên để gọi heo: Lợn lòi (lợn rừng, boar, sanglier), lợn nái, lợn sề, lợn bột (heo sữa), lợn hạch (lợn đực đã thiến), lợn ý, lợn lang hay heo bông, lợn mọi, heo nọc.
Ăn thịt heo sống hay nấu chưa chín thì mắc bệnh sán lải (Taenia solium). Trứng của sán lải chạy theo dòng máu lên óc, trở thành những hạt sạn nhỏ bằng hột gạo (cysticercosis) gây ra chứng động kinh (epilepsy). Đây đã từng là nguyên nhân chính của chứng động kinh trong thời Trung cổ và Đệ Nhất Thế Chiến. DNA của người và heo rất giống nhau, cho nên một số bệnh như cảm cúm do vi-khuẩn gây ra đi từ những chim muông là vựa chứa qua heo rồi mới nhẩy qua người. Gần đây, những vi khuẩn này biến dạng (mutation) làm chúng có thể nhẩy thẳng qua người mà không cần đi qua con heo.
CHÓ SÓI
Lang bạt kỳ hồ Sói kia chân bước nặng nề
Tái chí kỳ vĩ. Tiến lêndẫm yến lui vềxéo đuôi.
Công tốn thạc phu, Chu-công khiêm nhún khác đời
Xích tích kỷ kỷ. Danh cao vọng trọng nhường người chẳng ham,
Giầy hồng nhẹ bước khoan khoan!
Một số người khi dùng câu Lang bạt kỳ hồ lại nghĩ rằng đây là ám chỉ một người lang thang giang hồ nay đây mai đó! Thật ra, Lang là con chó sói, Hồ là cái yếm mỡ ở dưới cầm con sói. Bài thơ này ý nói Chu-công, vốn là người tài đức, nên khi bị dồn vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, vẫn sử sự ung dung thanh nhàn.
Chó sói là thủy tổ của chó săn và chó nhà. Mang là chó có nhiều lông, Lư là chó săn, Liễm là chó săn dài mõm và Yết-kiêu là chó săn ngắn mõm. Những loại này đều được Kinh Thi nhắc đến.
CON CHƯƠNG
Dã hữu tử huân, Ngoài cánh đồng có con hươu chết,
Bạch mao bảo chi Cỏ gianh bao kín mít trong ngoài.
Hữu nữ hoài xuân Hoài xuân thiếu nữ đương thời
Cát sĩ dụ chi! Gặp chàng trai trẻ buông lời bướm ong!
Huân là con chương, thuộc loại hươu, không có sừng.
LỜI BÀN
Sau hơn 4000 năm, những chim muông cầm thú trong Kinh Thi đều sống sót. Phần đông đều phát triển sinh nở lan tràn khắp thế giới, chỉ có vài loại như chim uyên ương, bạch hổ hay chó sói là bị đe dọa diệt chủng vì môi sinh bị loài người tàn phá.
Trớ trêu thay, số phận của Kinh Thi lại trái ngược hẳn.
Từng là cột trụ trong Ngũ Kinh của Nho giáo và nồng cốt của xã hội phong kiến Trung Hoa trong nhiều thế kỷ, Kinh Thi đã trở thành một cuốn sách vô dụng nay thường để trưng bầy trong các thư-viện, ít người đọc và thưởng thức. Cùng với Nho giáo, Kinh Thi đã mất hẳn ảnh hưởng thượng phong trong xã hội Á châu hiện nay bị xâm chiếm bởi trào lưu văn minh Tây phương.
Tuy biết rằng đây cũng nằm trong sự tiến hóa bình thường của nhân loại, người ta cũng không khỏi ngậm ngùi trước cảnh biển dâu đã làm tàn lụi một nền văn minh rực rỡ có thời chế ngự đời sống loài người trong những ngày sơ khai của lịch sử.
Cho nên tới đây cũng rót một ly rượu vỗ kiếm mà ca bài "BỈ THỬ LY LY “, thấy cũng hợp tình hợp cảnh.
Bỉ thử ly ly, Nơi thì mạ tẻ xanh rờn
Bỉ tắc chi miêu. Nơi thì lúa nếp từng chùm phất phơ
Hành mại mỹ mỹ, Bước đi bước một trù trừ,
Trung tâm dao dao Lòng riêng riêng những ngẩn ngơ bàng hoàng!
Tri ngã giả, Ai mà hiểu được ta chăng,
Vị ngã tâm ưu, Biết ta lo lắng băn khoăn chuyện gì?
Bất tri ngã giả, Ai mà chẳng biết thôi thì
Vị ngã hà cầu? Tưởng ta tìm kiếm vật gì ở đây,
Du du thương thân Trời xanh thăm thẳm cao dầy
Thử hà nhân tai? Ai làm nên nỗi nước này, hỡi ai?!
Nữ sĩ Kim Y Phạm lệ Oanh dịch bài thơ này, thật là tuyệt bút!
TÔN KÀN
Mùa Hè 2012
...
============================
đăng bởi: hohyhung:
http://hohyhung.blogspot.com/
============================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét